Nhiều kết quả tích cực đạt được sau 10 phát triển giao thông nông thôn
(CLO) Sau 10 năm thực hiện việc phát triển giao thông nông trên trên cả nước, nhiều kết quả toàn diện đã đạt được; kết cấu hạ tầng giao thông phát triển mạnh, nhiều công trình giao thông nông thôn được xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp và được bảo trì thường xuyên.

Từ năm 2010 - 2019 cả nước đã xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp và bảo trì sửa chữa 345.897km đường, 31.364 cầu, 125.639 cống (Ảnh minh họa)
Thông tin từ Bộ Giao thông vận tải (GTVT); trong giai đoạn từ năm 2010 - 2019 cả nước đã xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp và bảo trì sửa chữa 345.897km đường, 31.364 cầu, 125.639 cống. Số xã chưa có đường ô tô đến trung tâm xã từ 140 xã năm 2010 đã giảm xuống còn 13 xã năm 2019.
Tỷ lệ cứng hóa các loại đường giao thông nông thôn từ 37,9% năm 2010 tăng lên 68,69% năm 2019. Số xã đạt 4/4 tiêu chí về đường giao thông nông thôn đạt 63,2%, vượt kế hoạch trước 1,5 năm so với mục tiêu đặt ra trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Bộ GTVT cũng đã chỉ rõ một số hạn chế còn tồn tại như: hệ thống giao thông nông thôn ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo vẫn còn nhiều khó khăn; cả nước hiện vẫn còn 13 xã chưa có đường ô tô đi đến trụ sở ủy ban nhân dân.
Hiện còn 101 xã có đường ô tô đến trụ sở ủy ban nhân dân xã nhưng không đi lại được 4 mùa; nhiều xã đường chưa được cứng hóa lớp mặt, nên việc đi lại còn khó khăn, nhất là trong mùa mưa, lũ…
Theo báo cáo của Vụ Kế hoạch Đầu tư, tổng các nguồn vốn được huy động dành cho giao thông nông thôn giai đoạn 2010 - 2019 là 366.246 tỷ đồng.
Trong đó nguồn vốn Bộ GTVT huy động để triển khai các chương trình đề án, dự án về giao thông nông thôn là 12.707 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA, đối ứng của Chính phủ và đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân bằng hình thức xã hội hóa.
Nguồn vốn do các địa phương huy động là 353.539 tỷ đồng. Trong đó, hơn 324.000 tỷ đồng vốn đầu tư xây dựng từ các nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ trực tiếp các địa phương, vốn ngân sách địa phương, vốn ODA của các địa phương, vốn xã hội hóa qua sự đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp, huy động từ nhân dân.
Và hơn 29.530 tỷ đồng vốn bảo trì, từ nguồn của các địa phương cân đối bố trí, Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương, vốn bảo trì hệ thống đường thủy nội địa.
Trong thời gian tới, ngành giao thông vận tải sẽ quyết tâm thực hiện tốt các chỉ đạo của Trung ương, huy động các nguồn lực xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn, tăng cường công tác quản lý, bảo trì các tuyến đường, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư và đảm bảo an toàn giao thông.
P.V