Bài 2: “Ngủ đông” chờ hết dịch hay tự tìm lối thoát?
(CLO) Đã có nhiều doanh nghiệp lựa chọn phương án “ngủ đông”, ngưng mọi hoạt động nhằm tiết kiệm tối đa dòng tiền. Nhưng cũng có không ít doanh nghiệp lại có phương án chủ động, thậm chí nắm bắt thời cơ mới từ dịch Covid-19.
“Ngủ đông”: Giải pháp tối ưu?
Thời điểm hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp đều điêu đứng, đối mặt với khó khăn về nguồn nguyên liệu, thị trường xuất khẩu, nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh…Để tiếp tục duy trì hoạt động, các doanh nghiệp đang phải cố gắng cầm cự, chia sẻ các nguồn lực, tái cơ cấu lại hoạt động , tìm hướng đi mới, thị trường mới hoặc…tạm thời dừng mọi hoạt động. Thậm chí nhiều doanh nghiệp buộc phải áp dụng phương án “ngủ đông” để cắt lỗ và duy trì sự tồn tại chờ dịch qua. Giám đốc công ty Images Travel, Nguyễn Ngọc Toản cho biết, hiện toàn bộ hoạt động kinh doanh của công ty tạm ngưng và không biết khi nào mới mở lại vì dịch vẫn đang lan rộng. Nếu duy trì tốt tình trạng “ngủ đông”, công ty sẽ duy trì được trong khoảng 9 tháng. Khi đó, có thể thị trường du lịch chưa phát triển mạnh ngay sau dịch, nhưng cũng sẽ không mất quá nhiều thời gian để phục hồi.

Cầu không đủ, nhiều doanh nghiệp đã phải "ngủ đông" (ảnh minh họa TL)
Theo Phó Chủ tịch tập đoàn TTC, Đặng Hồng Anh, thời điểm hiện tại, một số ngành nghề không có doanh thu, nếu cố gắng tìm kiếm giải pháp, chỉ giảm được một ít kinh phí sẽ dẫn đến hoạt động thua lỗ, âm vốn. Với bối cảnh dịch Covid-19 như hiện nay, doanh nghiệp cần có giải pháp để chậm lại và tìm kiếm kế hoạch, định hướng cho đơn vị của mình. “Ngủ đông” là một giải pháp tình thế để tồn tại.
Chuyển sang trạng thái “ngủ đông” bằng cách cắt giảm chi phí không phải vì tình trạng tài chính của doanh nghiệp không ổn, mà đó là cách ứng phó với việc giảm sút nguồn thu và cân bằng thu chi, không có thu thì giảm chi. Giá cổ phiếu xuống thì doanh nghiệp có thể đổ tiền ra cứu, nhưng khi chi phí và doanh thu mất cân đối khiến dòng tiền âm, đến khi các quỹ của công ty hết tiền thì không ai cứu được. Lúc này, uy tín thương hiệu vẫn quan trọng nhưng sự tồn tại và phục hồi nhanh sau khủng hoảng mới là điều quan trọng nhất. Tuy nhiên, khi “ngủ đông” doanh nghiệp phải lên kế hoạch chiến lược để sau khi dịch được kiểm soát thì phải có các phương án cho việc “tỉnh giấc”.
Tương tự, Tập đoàn CenGroup cũng đã thực hiện phương án “ngủ đông”, đồng thời cắt giảm các chi tiêu không cần thiết, thiết lập danh mục công việc ưu tiên. Lãnh đạo đơn vị cũng cho rằng, việc “ngủ đông” là một trong các giải pháp đáng cân nhắc với các doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại. Bởi doanh nghiệp cần tồn tại qua khủng hoảng. Mất thanh khoản, mất vốn là mất hết. Ngoài ra, doanh nghiệp cần chuẩn bị nguồn lực để phục hồi sau khủng hoảng.
Theo các chuyên gia, với các doanh nghiệp hằng tháng phải sử dụng nguồn kinh phí cao như: mặt bằng, nhân công, trong khi tổng cầu quá thấp, không đáp ứng được chi phí hoạt động thì buộc phải “ngủ đông” để tiết kiệm tối đa dòng tiền. Nhưng với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, có nguồn vốn linh động, chi phí thấp mà “ngủ đông” thì chưa phải là giải pháp tối ưu.
Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Tập đoàn Nexttech lo ngại, nếu doanh nghiệp không tiếp tục kinh doanh, bán hàng chắc chắn sẽ “chết” vì đói trước khi “chết” vì Covid-19. Nếu đầu hàng, chấp nhận tình thế hiện tại, đến lúc dịch bệnh qua đi, doanh nghiệp đã bị ỳ, không thể thích ứng tiếp được nữa, khả năng lúc đó sẽ “chết” thật. Doanh nghiệp nếu không tích lũy khách hàng, tích lũy lòng tin, sản phẩm, dịch vụ... thì chắc chắn thua chứ không có chuyện “ngủ đông” xong rồi quay lại mọi thứ sẽ tốt đẹp.
Mặt khác, trong khi doanh nghiệp lựa chọn phương án “ngủ đông”, các đối thủ vẫn bền bỉ tìm hướng khắc phục, thì lúc quay lại, doanh nghiệp đó sẽ mất hết từ nhân viên, mặt bằng cho tới khách hàng. Nếu doanh nghiệp không hoạt động, nhà cung cấp trong chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng, tạo ra ảnh hưởng dây chuyền. Do đó, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ không nên tạm ngừng hoàn toàn mà nên duy trì hoạt động kinh doanh ở mức phù hợp, an toàn theo quy định Nhà nước. Chú trọng chuyển đổi số để không tụ tập phòng chống dịch bệnh, nhất là phải tìm cách để bán hàng nếu không khả năng “chết” sẽ cao.
Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa cho rằng, tư duy “ngủ đông” chỉ phù hợp với các doanh nghiệp đã có tích lũy. Nhưng với các doanh nghiệp “kiếm ăn từng bữa” thì không thể “ngủ” được, cần chuyển đổi hình thái kinh doanh. Như hiện nay, mặc dù đang dịch bệnh, nhưng vẫn có nhiều doanh nghiệp doanh thu thậm chí còn cao hơn khi áp dụng được công nghệ, kinh doanh online…
Chuyển đổi hình thức để “sống được” hay là “cơ hội vàng”?
Chủ tịch HĐQT Giovanni Group – Nguyễn Trọng Phi cho biết, khi dịch Covid-19 bùng phát, cũng là lúc những doanh nghiệp về thời trang bước vào giai đoạn khó khăn, nghiêm trọng nhất trong lịch sử. Nguồn cung bị “đứt gãy” do các quốc gia ở châu Âu ngừng mọi hoạt động về kinh tế để tập trung chống dịch, các đơn hàng đã bị hoãn không thời hạn. Các trung tâm thương mại trở nên vắng khách, rồi đóng cửa…Lúc này, toàn bộ hệ thống sản xuất, kinh doanh của đơn vị bị đình trệ như: xưởng đồ da, đồ vải với hàng trăm nghệ nhân cũng phải hoạt động giãn cách, cầm chừng, thậm chí đơn vị buộc phải cho người lao động nghỉ chờ việc.

Ban lãnh đạo của Giovanni đã có nhiều kịch bản để không rơi vào thế bị động khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến khó lường
Tuy nhiên, Ban lãnh đạo của Giovanni đã nghiên cứu kỹ tình hình dịch bệnh Covid-19 ngay từ trong Tết Nguyên đán, đề ra nhiều kịch bản để không rơi vào thế bị động. Để bảo đảm được hoạt động kinh doanh, công ty đã số hóa dịch vụ tư vấn thời trang, ra mắt dịch vụ tư vấn trực tuyến. Đồng thời đã nhanh chóng dịch chuyển kênh bán hàng từ các địa điểm vật lý sang không gian mạng. Cùng với việc hoạt động “cầm chừng” giữ vững thương hiệu, Giovanni đã chuyển đổi dây chuyền sản xuất, nhập về những dây chuyền máy móc hiện đại, nguyên vật liệu cao cấp để sản xuất khẩu trang phòng, chống dịch bệnh. Không chỉ có Giovanni nhanh chóng chuyển đổi mô hình, còn nhiều doanh nghiệp khác cũng nhanh chóng có phương án “biến nguy thành cơ”, chuyển sang mô hình online để bắt kịp xu thế thị trường, tạo nên những “cú huých ngoạn mục”.
Như với Ivy Moda, Ban lãnh đạo cũng đã xác định trong giai đoạn này, chính là chiến đấu cho “sự sống” và sau đó hy vọng có thể quay lại mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Nhờ có các nền tảng bán hàng trực tuyến đã được IVY moda xây dựng và đẩy mạnh từ 2 năm trước như là 1 xu thế tất yếu của ngành bán lẻ, cho nên đơn vị đã nhanh chóng chuyển dịch kênh bán hàng từ offline sang online.

Sự chuẩn bị từ 2 năm trước, kênh bán hàng online hiện đã trở thành “cần câu” duy nhất mà doanh nghiệp đang dựa vào hiện tại
Phó Tổng Giám đốc IVY Moda - Lê Thị Ngọc Linh cho biết, việc thúc đẩy tối đa cho kênh bán hàng online chính là một trong những hoạt động quan trọng của thương hiệu. Sự chuẩn bị từ 2 năm trước hiện đã trở thành “cần câu” duy nhất mà doanh nghiệp đang dựa vào hiện tại. Tuy nhiên, do giai đoạn dịch bệnh, cho nên việc thiếu hụt về mặt nhân sự công nghệ cũng ảnh hưởng nhiều tới khả năng thích ứng nhanh chóng của website với sự thay đổi của hành vi khách hàng. Bên cạnh đó, công ty cũng bổ sung những mảng sản xuất những sản phẩm thiết yếu trong mùa dịch như: khẩu trang và đồ bảo hộ cũng là một trong những hoạt động đang được thực hiện tại doanh nghiệp. Hiện doanh số bán hàng từ kênh thương mại điện tử có những tăng trưởng đáng kể như 200% so với cùng kì năm ngoái, nhưng thực tế chưa đạt nổi 10% doanh thu của doanh nghiệp trước đây.
“Biến nguy thành cơ” từ mô hình doanh nghiệp online
Trong bối cảnh khó khăn của dịch bệnh, nhiều chuyên gia kinh tế vẫn lạc quan cho rằng, dịch bệnh là cơ hội để các doanh nghiệp nhìn lại chính mình, thấy được các điểm yếu từ đó sắp xếp, cơ cấu lại, đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu, thích ứng với các biến động nhiều hơn. Cần khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam phát triển, khuyến khích hàng hóa do người Việt Nam sản xuất, bởi người Việt Nam và tại Việt Nam.
Để làm được điều đó, đã đến các doanh nghiệp cần nghiên cứu việc bán hàng online một cách nghiêm túc, coi đây một phương án được cân nhắc và có sự đầu tư bài bản hơn cho sau này. Bởi nhìn vào việc tăng gấp nhiều lần số lượng đơn hàng trực tuyến là minh chứng rõ ràng nhất từ các đơn vị sỡ hữu kênh mua sắm trực tuyến uy tín như Saigon Co.op trong thời điểm hiện tại là con số ao ước của bất kỳ doanh nghiệp nào. Ông Đỗ Quốc Huy - Giám đốc Marketing của Saigon Co.op - chia sẻ, trong khi lượng khách đến siêu thị có phần thưa vắng thì kênh bán hàng trực tuyến của Saigon Co.op đã tăng trưởng gấp 10 lần so với ngày thường. Tương tự Lotte Mart cũng cho số lượng đơn hàng qua kênh trực tuyến tăng 150-200% so với ngày thường từ khi dịch Covid-19 bùng phát…
Cũng bận rộn không kém là sàn Tiki, khi đơn hàng trên sàn này trong hai tháng đầu năm tăng trưởng mạnh. Ngoài sách là sản phẩm chủ lực của sàn được ghi nhận tăng 1,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái, sức mua các mặt hàng khẩu trang, khăn ướt, máy lọc không khí... cũng tăng mạnh không kém. các sản phẩm được mua sắm nhiều nhất là khẩu trang, khăn ướt, máy lọc không khí... những mặt hàng giúp người tiêu dùng an tâm trong vùng dịch. Các ngành hoạt động trên các nền tảng online như ship hàng, đặt đồ ăn qua mạng cũng đang trên đà tăng trưởng và có tiềm năng mang về doanh thu lớn trong “thời Covid-19”.

Tiki đang là một trong những sàn thương mại điện tử đang có tốc độ tăng trưởng mạnh, có tiềm năng mang về doanh thu lớn
Mặt khác, các doanh nghiệp trung bình và nhỏ cũng không đứng ngoài cuộc chơi khi GoSell ghi nhận số lượng nhu cầu tạo Website và App bán hàng tăng trưởng vượt bậc so với 2019. Với doanh số tăng 100% cho website cùng hơn 50% cho app di động, đại diện công ty cho biết nhu cầu sẽ còn tiếp tục tăng nhanh trong suốt thời gian tới. Đây là một thực tế, trái ngược với sự suy yếu của các ngành nghề khác nói chung và bán lẻ nói riêng thì thương mại điện tử lại đang dẫn đầu xu hướng mua sắm trong thời gian này.
Theo nghiên cứu mới nhất của Nielsen và Infocus Mekong Mobile Panel, dịch Covid-19 đang làm suy giảm tần suất tới siêu thị, tạp hoá và chợ truyền thống của người Việt Nam. Song song với đó, 35% số người được hỏi nói rằng họ dành nhiều thời gian hơn xem những nội dung trực tuyến, đặc biệt là hoạt động mua sắm online thay vì đi ra ngoài. Nắm bắt được những xu hướng này, hai ông trùm trong lĩnh vực nhà hàng, ăn uống ở Việt Nam là Golden Gate và Red Sun dù chịu nhiều áp lực từ dịch Covid-19 đã phải tạm dừng phục vụ nhiều cửa hàng, nhưng vẫn chọn phương án “phục vụ tại nhà” thông qua các kênh online, thay vì thu hút khách tới điểm bán như thường lệ. Ông Nguyễn Hoàng Trung, nhà sáng lập & CEO Loship ghi nhận, trong khi đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, thì nhu cầu giao đồ ăn, thức uống, đi chợ hộ, giặt đồ và giao thuốc của người dân tăng rất mạnh.
Đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ doanh nghiệp hưởng lợi từ đại dịch là vô cùng nhỏ, nhưng cũng không hiếm những trường hợp vẫn tăng trưởng tốt giữa khủng hoảng nhờ mô hình kinh doanh linh hoạt, biết thích ứng và chuyển đổi kịp thời.
Như với doanh nghiệp SME Shoptida của ông chủ Vũ Minh Trà, là thương hiệu cung cấp các sản phầm về máy in, giấy, tem mã vạch… chuyên dụng cho sàn thương mại điện tử, cũng như các ứng dụng KiotViet, Suno, Sapo, Nhanh…Ngay từ giữa năm 2019, doanh nghiệp này đã cho đóng địa điểm cuối cùng tại Hà Nội, dù trước vẫn ghi nhận doanh thu vài trăm triệu một tháng và có lợi nhuận. Đồng thời, tất cả được chuyển về một địa điểm rộng khoảng 500 m2, xây dựng cả văn phòng và kho ở đó. Hoạt động bán buôn cũng bị cho dừng hẳn, trong khi việc bán lẻ trực tiếp phát sinh từ các kênh Facebook, quảng cáo…đều hạn chế tối đa. Mục đích là điều hướng tất cả lên các sàn thương mại điện tử, từ Shopee, Lazada đến Tiki, Sendo.
Theo anh Vũ Minh Trà, việc đóng các cửa hàng không phải vì không có lợi nhuận, mà là hướng đến mô hình tinh gọn, tăng quy mô, giảm chi phí. Việc thuê kho rộng, xa trung tâm sẽ tiết giảm tất cả các chi phí, từ chi phí văn phòng và cửa hàng. Nhân sự cũng tối giản, chỉ khoảng 10 người. Đồng thời sẽ tận dụng tối đa những điều kiện thuận lợi từ các sàn thương mại điện tử. Mỗi tuần đơn vị sẽ chuyển hàng vào kho của sàn thương mại điện tử hai lần, do đó chỉ cần một nhân sự quản lý mà doanh thu mỗi tháng khoảng 600 triệu đồng. Các chi phí chăm sóc khách hàng, đổi trả, vận chuyển đều được các đơn vị thương mại điện tử hỗ trợ rất nhiều.
Hình thức này sẽ đem lại lợi thế lớn cho doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh mùa dịch như hiện nay vì nó giúp tiết giảm chi phí chiết khấu trả cho bên trung gian, vốn chiếm khoảng 30%. Từ đó, giá thành cũng được giảm theo tỷ lệ tương đương, thúc đẩy doanh số và đồng thời nhận được nhiều đánh giá tích cực của khách hàng hơn.
Nhờ đó, khi dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp lao đao thì doanh thu của Shoptida vẫn tăng trưởng đều đặn 30%. Toàn bộ nhân viên không những không phải nghỉ việc mà còn được thưởng mỗi người một tháng lương. Theo anh Trà, có 3 nguyên lý để kinh doanh tốt trên những nền tảng này là: giá hợp lý, thời gian ship nhanh và tồn kho nhiều. Nhiệm vụ cho tất cả những ai muốn kinh doanh thương mại điện tử lâu dài và bền vững đó là phải tăng quy mô, giảm chi phí.
Theo ông Nguyễn Hòa Bình, dịch bệnh Covid-19 cũng là “cơ hội vàng” để các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số hiệu quả. Bởi dịch bệnh đang tác động thay đổi toàn bộ thói quen của xã hội, khi có thể tiếp cận người dùng hiệu quả thông qua các kênh bán online. Còn theo thống kê của Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, trước khi có dịch bệnh, hầu hết các doanh nghiệp đểu bảo thủ, thích đi theo mô hình cũ, tiếp cận công nghệ mới thì phải đầu tư vì thế họ hay ngại ngần, nhưng giờ thì buộc phải chuyển đổi. Đến nay đã có đến 70% doanh nghiệp hội viên đã chuyển mình, cung cấp dịch vụ ngay trên không gian mạng.
Thời điểm hiện tại, khi dịch vẫn diễn biến khó lường nhưng cũng được xem là cơ hội cho nhiều sự “lột xác” nhanh và phù hợp. Chuyển đổi hình thức kinh doanh online có lẽ là phương án mà nhiều doanh nghiệp cần tính đến như một xu hướng tất yếu của tương lai chứ không chỉ là giải pháp tình thế nữa.
Minh Nhật – Ngọc Thành