Hà Nội: 3 cây sưa đỏ quý hiếm đang héo khô, dù được truyền dinh dưỡng
(CLO) 3 cây sưa đỏ trong tổng số 34 cây sưa đỏ quý hiếm được di dời trồng sang vỉa hè sát đường Nguyễn Văn Huyên (quận Cầu Giấy, Hà Nội), đã có dấu hiệu héo khô, cạn kiệt sức sống mặc dù đã được hỗ trợ truyền túi dịch trên thân cây.
Vào đầu năm 2020, UBND thành phố Hà Nội đã quyết định khởi công xây dựng cây cầu vượt bắc qua ngã tư Nguyễn Văn Huyên và Hoàng Quốc Việt nhằm giải quyết vấn đề tắc nghẽn giao thông kéo dài nhiều năm qua tại đây. Cầu vượt là công trình trọng điểm nằm trong quy hoạch vành đai 2,5 với vốn gần 600 tỷ đồng.
Để có thể có diện tích xây dựng cây cầu vượt bắc qua ngã tư Nguyễn Văn Huyên và Hoàng Quốc Việt, 34 cây sưa đỏ quý hiếm đã được di dời trồng sang vỉa hè sát đường Nguyễn Văn Huyên (quận Cầu Giấy, Hà Nội).
Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều cây trong tổng số 34 cây được di dời địa điểm trồng có biểu hiệu rụng hết lá, khô gốc khiến nhiều người dân tỏ ra lo lắng, bởi giá trị của những cây sưa này có thể lên đến cả chục tỷ đồng.

Theo ghi nhận của PV vào ngày 9/9/2020, chiếc cầu vượt bắc qua ngã tư Nguyễn Văn Huyên và Hoàng Quốc Việt đã hoàn thành. Hàng sưa đỏ mặc dù được chăm sóc, quan tâm những vẫn có 1 số cây héo khô chỉ còn lại phần gỗ trơ trọi giữa đường, không còn cành, lá, thân cây mục nát.

Đặc biệt, trong đó có có 3 cây sưa đỏ đã có biểu hiện khô héo, cạn kiệt sức sống và khoảng 5/34 cây bắt đầu héo úa, rụng lá.

Trước đó, ngay sau khi di dời cây đến đây, ngoài xây dựng hệ thống cơ sở vật chất để bảo vệ cây, đơn vị nhà thầu cũng bố trí người tưới nước 2 lần/ngày và bơm thuốc kích rễ mỗi tuần 1 lần.

Khi phát hiện cây có biểu hiện khô héo, đơn vị chăm sóc những cây sưa này đã nhanh chóng hỗ trợ dinh dưỡng bằng cách truyền dung dịch vào thân cây để giúp cây sinh trưởng.

Hiện tại, ở đây có khoảng 8 cây đang được hỗ trợ truyền dịch. Theo đó, mỗi cây được gắn một túi truyền dinh dưỡng lớn.


Các dây truyền dịch được cắm thẳng vào thân cây.

Là một người bán hàng ở gần đấy, anh Nguyễn Tuấn (Hoàng Quốc Việt, Hà Nội) cho hay: “ Khi mới đưa các cây đến trồng ở đây hàng cây có vẻ phát triển rất tươi tốt, nhưng đến khoảng giữa tháng 8/2020, một số cây đã khô héo. trong đó có 3 cây đã không còn cành lá, nên tôi nghĩ khả năng chết là rất cao. Nguyên nhân tình trạng này tôi nghĩ do ảnh hưởng bởi đợt nắng nóng cao điểm giữa tháng 6, khi cây vừa chuyển tới vị trí mới không đủ sức trống chọi với thời tiết".


Cây sưa đỏ quý hiếm trong hàng cây trên đang có dấu hiệu dần chết khô, kiệt quệ trong bọc sắt, thân cây mục nát, bong tróc, trụi lá, không còn 1 chiếc lá nào ở trên cành, đứng trơ trọi giữa hàng cây đang trổ lá xanh um tùm.

Nhìn cả thân cây đã không còn sức sống.

Các lớp vỏ đã bong tróc.

Nhiều người dân sinh sống quanh khu vực lo lắng trước tình trạng những cây sưa đỏ này đang héo úa, không còn được xanh tốt. Nếu không có biện pháp bảo vệ, chăm sóc kịp thời sẽ khiến nhiều cây sưa đỏ trên tuyến đường Nguyễn Văn Huyên sẽ bị chết dần.

Trên địa bàn Thành phố Hà Nội hiện có khoảng 3.800 cây sưa (trong đó có 700 cây sưa đỏ trồng rải rác). Đây là gỗ thuộc nhóm IA trong sách đỏ Việt Nam, cấm khai thác mục đích thương mại từ năm 1994. Gỗ sưa đỏ cực kỳ quý hiếm và có giá trị kinh tế cao (được bán theo cân thay vì theo mét khối như các loại gỗ khác). Hiện nay cây gỗ sưa mọc hoang trên rừng rất ít, hầu như là đã bị khai thác hết.