Để phát huy hiệu quả cầu vượt, hầm bộ hành: Đừng đặt sai vị trí!

15/10/2020 10:37

(NB&CL) Nhiều chuyên gia đánh giá, việc cầu vượt, hầm bộ hành dù được đầu tư tiền tỷ nhưng không phát huy hiệu quả như mong đợi, thậm chí bị bỏ quên, ít người qua lại là do đặt sai vị trí, khi xây dựng đơn vị quản lý không tính tới nhu cầu sử dụng thực tế.

Chi phí đầu tư lớn nhưng hiệu quả chưa cao

Tháng 9/2019, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã có tờ trình UBND thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư dự án “Xây cầu vượt cho người đi bộ kết hợp cho người đi xe đạp qua sông Tô Lịch (3 cầu) trên địa bàn quận Đống Đa, Cầu Giấy”. Kinh phí dự kiến hơn 36 tỷ đồng (12 tỷ/1 cầu), khởi công và hoàn thành năm 2019 - 2020 nhưng cho đến nay dự án vẫn “nằm trên giấy”.

Nhiều khu vực cầu vượt, hầm bộ hành được tận dụng để kinh doanh buôn bán, sử dụng sai mục đích.

Nhiều khu vực cầu vượt, hầm bộ hành được tận dụng để kinh doanh buôn bán, sử dụng sai mục đích.

Theo thống kê hiện trên địa bàn Thủ đô có hơn 20 hầm bộ hành và hàng chục cầu vượt dành cho người đi bộ với chi phí đầu tư xây dựng và duy trì hoạt động lên tới hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, sau một thời gian đưa vào sử dụng, nhiều công trình chưa phát huy hiệu quả, thậm chí còn “đóng cửa cài then”, xuống cấp gây lãng phí và bức xúc trong nhân dân.

Ghi nhận thực tế tại các hầm bộ hành trên đường Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến, nút giao cắt Ngã Tư Sở; cầu vượt cho người đi bộ trên đường Giảng Võ, Trần Khát Chân, Ðại Cồ Việt... số lượng người tham gia giao thông qua đây rất ít. Để nhanh và tiện lợi hơn, nhiều người dân vẫn tùy tiện băng qua đường.

Đặc biệt trên tuyến đường Hoàng Sa - Trường Sa (Quốc lộ 5 kéo dài) được thiết kế theo chuẩn đô thị cấp I, phương tiện được phép di chuyển với tốc độ tối đa lên tới 80km/h. Do vậy, 10 hầm dành cho người đi bộ sang đường đã được xây dựng để đảm bảo an toàn giao thông. Nhưng theo khảo sát thực tế của PV vào một ngày cuối tháng 9/2020, một số hầm trong tình trạng “đóng cửa cài then”.

Bác Long, một người dân sống tại xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh cho biết, nhiều hầm thậm chí được mở cả ngày nhưng vẫn rất hiếm người qua lại. Năm 2019, nhiều hầm đi bộ còn bị các đối tượng xấu làm vỡ kính bảo vệ, vẽ bậy lên tường, kính. Khu vực một số hầm chui còn trở thành nơi đổ rác thải của một số người dân thiếu ý thức.

Nhiều hầm bộ hành dù được đầu tư tiền tỷ nhưng không phát huy hiệu quả như mong đợi thậm chí trong tình trạng 'đóng cửa cài then' do đặt sai vị trí.

Nhiều hầm bộ hành dù được đầu tư tiền tỷ nhưng không phát huy hiệu quả như mong đợi thậm chí trong tình trạng 'đóng cửa cài then' do đặt sai vị trí.

Tình trạng vắng vẻ, đìu hiu cũng xảy ra tại nhiều cầu vượt dành cho người đi bộ trên đường Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Văn Cừ, Giảng Võ, Nguyễn Trãi,... Tại cầu vượt đi bộ ngã tư Đại Cồ Việt - Nguyễn Đình Chiểu, nhiều người dân cho biết, việc lắp đặt vị trí cầu gần ngã tư đèn xanh - đỏ, lại có vạch kẻ cho người đi bộ là chưa hợp lý.

Cá biệt, tại khu vực cổng Bệnh viện Bạch Mai có lưu lượng người và phương tiện giao thông hàng ngày qua lại rất đông. Do vậy, cầu vượt bộ hành bắc qua khu vực này luôn tấp nập nhộn nhịp. Nhưng thực tế từ lâu tại các lối lên xuống, mặt cầu đã bị một số cá nhân chiếm dụng làm nơi bán hàng khiến người dân khó khăn khi di chuyển.

Bạn Thùy Linh, sinh viên trường Đại học Thương Mại cho biết, bản thân không thích qua hầm vì bên dưới ấy khá vắng vẻ, đôi khi lại có cả đối tượng “xin đểu”. Hơn nữa, quán trà đá ở cửa hầm có nhiều thanh niên tụ tập nên rất ngại đi qua. Bản thân cũng đi sang đường ở Hà Nội cũng quen rồi nên nhiều xe cộ cũng thấy bình thường.

Thiếu cảm giác an toàn, nhếch nhác mất vệ sinh, vị trí xây cầu và hầm bộ hành còn bất tiện. Đồng thời sự thiếu ý thức của nhiều người chiếm dụng làm nơi kinh doanh buôn bán và băng qua đường đối với nhiều người đã trở thành “thói quen” khiến cầu, hầm bộ hành được đầu tư tiền tỷ nhằm hạn chế ùn tắc và bảo đảm an toàn cho người đi bộ sang đường chưa phát huy được hiệu quả, thậm chí bị bỏ quên.

Đánh giá đúng nhu cầu thực tiễn trước khi thực hiện

Trao đổi với PV Báo Nhà báo & Công luận ông Vũ Ngọc Lăng - Vụ trưởng vụ An toàn giao thông, Tổng cục đường bộ Việt Nam cho biết, xuất phát từ thực tế do lượng phương tiện cơ giới ngày càng tăng và người dân có nhu cầu đi lại nhiều, việc sang đường của người đi bộ rất khó khăn gây xung đột, nhiều khi dẫn tới ùn tắc, tai nạn giao thông nghiêm trọng, vì vậy cầu vượt dân sinh và hầm dành cho người đi bộ ra đời.

Nhưng hiện nhiều dự án xây dựng cầu vượt và hầm dành cho người đi bộ chưa phát huy hiệu quả do nhiều nguyên nhân, đầu tiên phải nói đến việc xây dựng là rất cần thiết do nhu cầu cao. Tuy nhiên vị trí đặt như thế nào các đơn vị phải khảo sát cụ thể để đánh giá chính xác, từ thực tiễn để đưa ra quyết định có thực hiện hay không.

Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cũng cần tăng cường tuyên truyền, tuần tra xử lý nghiêm các trường hợp tận dụng cầu vượt, hầm bộ hành làm nơi kinh doanh buôn bán và nhất là bảo đảm an ninh trật tự, không để hầm bộ hành trở thành nơi phát sinh tệ nạn có như vậy người dân mới an tâm sử dụng. 

Những hành lang vắng bóng người đem đến sự lo lắng khi người dân sử dụng hầm bộ hành để sang đường.

Những hành lang vắng bóng người đem đến sự lo lắng khi người dân sử dụng hầm bộ hành để sang đường.

Ngoài ra, hiện nay nhiều khu vực ngoại thành, các tuyến đường quốc lộ có thể tận dụng xây dựng cầu vượt, hầm đường bộ dành cho cả người đi bộ, đi xe đạp và xe máy sang đường để khai thác tối đa hiệu quả công trình. Người dân cũng cần nâng cao ý thức sử dụng cầu vượt, hầm bộ hành để sang đường nhằm bảo đảm an toàn giao thông.

Còn theo TS. Nguyễn Xuân Thủy - Nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông vận tải cho rằng, nếu muốn các cầu vượt, hầm đường bộ phát huy hiệu quả, cần lưu ý chọn nơi nào người qua đường mật độ cao, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông lớn. Nếu làm không đúng vị trí mà người dân cần thiết, những chỗ ùn tắc nhiều thì sẽ không đạt được hiệu quả đầu tư tối đa.

Vì vậy quy hoạch phải hợp lý, khoa học phù hợp với thực tiễn, phải có sự khảo sát nghiên cứu rồi sau đó mới làm tránh gây lãng phí. Nếu cần thiết, phải đánh giá hiệu quả của hệ thống cầu vượt, hầm đường bộ hiện có để làm căn cứ đầu tư xây dựng tiếp. Không chỉ phù hợp với thực tiễn, công nghệ mà còn phải tạo điều kiện thuận lợi cho cả người khuyết tật sử dụng.

Nhiều chuyên gia đánh giá, việc cầu vượt, hầm bộ hành bị bỏ quên, ít người qua lại là do khi xây dựng, đơn vị quản lý không tính tới nhu cầu sử dụng thực tế. Ngoài ra, việc xử lý vi phạm người đi bộ sang đường không đúng quy định còn chưa đủ sức răn đe, cơ sở hạ tầng kết nối với hầm như tàu điện, xe buýt, siêu thị, khu vui chơi chưa đồng bộ cũng khiến các hầm bộ hành vắng khách.

Tình trạng tập kết rác ngay trước lối lên xuống hầm bộ hành nằm trên đường Nguyễn Xiển.

Tình trạng tập kết rác ngay trước lối lên xuống hầm bộ hành nằm trên đường Nguyễn Xiển.

Việc xây dựng cầu vượt, hầm bộ hành là một giải pháp tốt nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, góp phần cải thiện tình trạng giao thông của nước ta hiện nay. Tuy nhiên, để các công trình này phát huy hiệu quả trước khi xây dựng, ngành chức năng nên có sự tính toán kỹ lưỡng, khảo sát vị trí hợp lý. Công tác quản lý cầu vượt, hầm bộ hành cần được chú trọng, duy tu, bảo dưỡng thường xuyên. Chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân thấy được ích lợi, từ đó thực hiện nghiêm quy định trong sử dụng cầu vượt và hầm bộ hành.

Ngọc Hải