Cảnh báo tình trạng lạm dụng thuốc Tamiflu để điều trị cúm tại nhà

13/12/2020 16:12

(CLO) Miền Bắc đang bước vào các đợt lạnh, các bệnh cúm mùa lại gia tăng, thời điểm này, lại có hiện tượng người dân tích trữ thuốc Tamiflu. Các chuyên gia Y tế khuyến cáo người dân không tự ý sử dụng thuốc điều trị cúm bằng Tamiflu.

Lạm dụng Tamiflu sẽ khiến kháng thuốc ngày càng tăng. Ảnh minh họa.

Lạm dụng Tamiflu sẽ khiến kháng thuốc ngày càng tăng. Ảnh minh họa.

Tháng 12 năm ngoái, trong đợt cao điểm mắc cúm, thuốc Tamiflu rơi vào tình trạng cạn kiệt, khiến cho mặt hàng này khan hiếm và đội giá lên nhiều lần. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Tamiflu chỉ có tác dụng không làm virus nhân lên mà không thể giết chết nó.

Nói cách khác, loại thuốc này chỉ ức chế được virus cúm A. Trong khi đó, người bình thường vẫn có cơ thể tự ức chế virus mà không cần sự hỗ trợ của Tamiflu.

Theo Giáo sư Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, 80-90% các trường hợp mắc cúm là ở thể nhẹ, có thể tự khỏi. Những trường hợp sốt cao kéo dài, liên tục, tổn thương phổi thì mới cần nhập viện điều trị. Những trường hợp mắc cúm nếu nhẹ thì không cần thiết phải uống Tamiflu, bệnh sẽ tự khỏi. 

Tamiflu là thuốc đặc trị để điều trị cúm, có tác dụng ức chế sự xâm nhập và nhân lên của virus cúm vào tế bào niêm mạc đường hô hấp. Do được sử dụng rộng rãi nên đã có một tỷ lệ nhất định kháng với Tamiflu, ở Việt Nam chiếm khoảng 12%.

“Lạm dụng Tamiflu có thể dẫn đến hiện tượng kháng thuốc này ngày càng tăng”, Giáo sư Nguyễn Văn Kính cảnh báo.

 Người dân tự ý mua thuốc trong trường hợp này rất nguy hiểm. Người dân có thể tiêm vaccine để ngừa cúm và phòng hộ cá nhân , uống đủ nước, giữ ấm cơ thể.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng virus cúm A(H3N2), cúm A(H1N1), cúm B và cúm C. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, lây nhanh qua đường hô hấp thông qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc. 

Bệnh cúm là bệnh truyền nhiễm lây lan qua đường hô hấp, ghi nhận các trường hợp mắc quanh năm. 11 tháng năm 2019 cả nước ghi nhận 408.907 trường hợp mắc cúm, 10 trường hợp tử vong (giảm 10,4% số mắc và giảm 2 trường hợp tử vong so với cùng kỳ năm 2018).

Tại các bệnh viện tuyến cuối, đặc biệt là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có gia tăng số trường hợp cúm nhập viện do người dân các tỉnh đến trực tiếp khám bệnh mà không qua các bệnh viện tuyến trước, mặc dù mắc bệnh ở mức độ nhẹ.

Tại Việt Nam, chưa ghi nhận chủng virus cúm mới cũng như chưa có sự đột biến gen làm tăng độc tính hay gây kháng thuốc ở các chủng virus cúm lưu hành trên người. Các chủng virus cúm được ghi nhận chủ yếu là virus cúm A(H1N1) và virus cúm B.

Minh Châu