Nhà báo Minh Sơn với “Đất Thiêng”
(NB&CL) Trước thềm Đại hội XI Hội Nhà báo Việt Nam, đúng ngày Nhà giáo Việt Nam - 20/11, từ bên bờ biển Vũng Tàu xinh đẹp đầy nắng gió, tôi nhận được tập Truyện ngắn - Truyện ký “Đất thiêng” của nhà báo, nhà văn Minh Sơn (Bùi Minh Sơn), Nhà Xuất bản Hội Nhà văn, tháng 11/2020.
Minh Sơn điện thoại cho tôi: “Đất thiêng ra đời - tác phẩm chào mừng Đại hội Hội Nhà văn và Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam. Là người lính, nhà báo chiến sĩ, viết về đồng đội, đồng nghiệp, về cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, càng viết càng say…”.
Minh Sơn vốn là pháo thủ cao xạ bộ đội phòng không, nhiều năm tháng chiến đấu trên các tọa độ lửa Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Vĩnh Linh - trên những nẻo đường Trường Sơn huyền thoại. Những trang viết của ông mang đậm hơi thở cuộc chiến đấu một mất một còn vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Trước đây, với Truyện ký gồm 4 tập “Những quãng đời”, hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ, bao bà Mẹ Việt Nam tiễn con ra trận, được anh khắc họa, tô đậm, lan tỏa. Lần này, với “Đất thiêng”, nhà báo, nhà văn Minh Sơn đã nối tiếp những trang viết của Truyện ký “Những quãng đời”, khắc họa dung dị mà lắng sâu cuộc đời những đồng đội, đồng nghiệp - Anh bộ đội Cụ Hồ trở về từ khói lửa chiến tranh, tiếp tục khẳng định phẩm chất anh hùng, đức độ và tài năng vượt qua mọi gian khổ hy sinh, đứng vững và phát triển trong dựng xây cuộc sống mới.

Tác giả bài viết, nhà báo - nhà văn Phạm Quốc Toàn cùng nhà báo - nhà văn Minh Sơn (thứ 3 và thứ 4 từ trái qua) và một số đồng nghiệp Đại học Báo chí - Xuất bản khóa 1 (1969-1973).
Cuộc đời và sự nghiệp của Minh Sơn là tấm gương sáng về ý chí và nghị lực, vượt lên mọi thử thách, tinh thần ham học hỏi. Thời kỳ 1963 - 1969 là những năm tháng ác liệt dưới mưa bom bão đạn, pháo thủ Minh Sơn trên các trận địa pháo “Ngửng cao đầu mà bắn”. Là người lính pháo cao xạ, lăn xả vào cuộc chiến đấu bảo vệ tuyến đường vận tải chiến lược - con đường huyết mạch nối hậu phương lớn với tiền tuyến lớn, đánh Mỹ và thắng Mỹ, Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Trở về hậu phương, tiếp tục học đại học, Minh Sơn trở thành phóng viên báo Đảng, Phó vụ trưởng, Vụ trưởng - Trưởng Ban Quản lý phóng viên Thường trú Báo Nhân Dân, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Báo Nhân Dân.
Tác phẩm “Không bao giờ quên”, “Những trận đánh hay, những người đánh giỏi” (hai tập); “Những quãng đời” (4 tập); “Bầu trời, mặt đất”, “Một thời nhớ” (tiểu thuyết) và “Đất thiêng” đủ để khẳng định tài năng vững chãi của cây bút Minh Sơn. Truyện ngắn “Đất thiêng” được chọn làm đề tựa chung cho cả tập sách mang tên “Đất thiêng”, hiện hữu một Minh Sơn tài hoa, sáng tạo, lối viết dung dị mà sâu lắng về cuộc chiến.
Cốt truyện của “Đất thiêng”, thông qua nhân vật John Stacy - cô gái trẻ người Mỹ, và người cựu chiến binh Bùi Minh, tác giả như đang viết về chính mình, hay chí ít cũng là viết về những đồng đội thân yêu, gần gũi cùng ông chiến đấu trong một đơn vị pháo cao xạ, săn máy bay Mỹ trên cung đường chiến lược 20 - đất lửa Tây Quảng Bình, Đông Trường Sơn.
Ngày đó, trên trận địa pháo “Đồi không tên” cạnh binh trạm B47 đường 20, chiếc máy bay phản lực F4 của Mỹ khi lao xuống bắn phá cầu đường đã bị lưới đạn phòng không hạ gục, đâm nhào xuống đất đen. Viên phi công - giặc lái Mỹ bị chôn vùi cùng thây xác máy bay. Hơn nửa thế kỷ sau, cô con gái viên phi công nọ John Stacy từ Mỹ là bạn thân của cô con dâu người lính cao xạ Bùi Minh đã cùng đồng đội, tướng Vũ Anh - người đồng đội cùng đơn vị cao xạ nọ đã trực tiếp dẫn John Stacy đến trận địa pháo năm xưa, để cô mang nắm đất thiêng trở về Mỹ, theo nguyện vọng bà nội - mẹ viên phi công nọ. Câu chuyện mà Minh Sơn đưa ra, nhiều tình tiết thực sống động, tình đồng loại, sự đan xen các tuyến nhân vật hấp dẫn và lôi cuốn. “Đất thiêng” đã có một cái kết nhân văn, có hậu.

Phần tiếp theo của tập sách, Minh Sơn dành phần lớn dung lượng viết về những người lính từ cuộc chiến trở về. Họ là những đồng đội, đồng nghiệp gần gũi thân thiết, làm báo và viết văn - tạo nên những tác phẩm báo chí - văn chương sâu nặng nghĩa tình, phác họa chân dung, diện mạo đất nước thân yêu sau cuộc chiến. Ngòi bút của họ tiếp tục viết không ngơi nghỉ về chiến tranh - đề tài sống động; viết về công cuộc kiến thiết nước nhà, sau khi hòa bình được lập lại không bao giờ cạn.
Các cây đại thụ Hà Đăng, Phan Quang, Hồng Vinh, cố nhà báo Hữu Thọ nhận xét: “Minh Sơn yêu nghề, nghĩa tình và trách nhiệm, tài năng đa dạng”. Đó là những đánh giá về một Minh Sơn của “Đất thiêng” hôm nay, viết về các đồng đội - càng viết càng hay, lắng đọng nghĩa tình.
Bùi Minh Sơn - cựu sinh viên Đại học Báo chí - Xuất bản khóa 1 có gần nửa thế kỷ làm việc tại Báo Nhân Dân. Một đồng nghiệp Bùi Minh Sơn ân tình, sâu nặng, lòng yêu nghề cháy bỏng. Xin được chúc mừng và trân trọng giới thiệu “Đất thiêng” cùng đồng nghiệp và bạn đọc!
Tháng 12/2020
Phạm Quốc Toàn