Ngành Nội vụ cần chú trọng phẩm chất, năng lực thay vì chỉ quan tâm đến bằng cấp
(CLO) Theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, ngành Nội vụ thời gian tới cần chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, thay đổi nhận thức trong đánh giá, sử dụng cán bộ, chú trọng phẩm chất, năng lực thực thi nhiệm vụ, thay vì chỉ quan tâm đến bằng cấp, chứng chỉ.
Hôm nay (30/12), Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 5 năm giai đoạn 2016 – 2020 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2021 của ngành Nội vụ, do Bộ Nội vụ tổ chức.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại Hội nghị.
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã biểu dương những kết quả đã đạt được của ngành Nội vụ. Đặc biệt, là việc thực hiện chính sách tinh giản biên chế gắn với cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan hành chính nhà nước hoàn thành vượt chỉ tiêu Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị (đạt 10,01% đối với biên chế công chức, 11,98% biên chế sự nghiệp và 12,49% cán bộ, công chức cấp xã).
Cùng với đó, công tác sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thôn, tổ dân phố có bước đột phá quan trọng, trong 2 năm 2019-2020, toàn ngành Nội vụ đã tham mưu cấp có thẩm quyền tiến hành sáp nhập cấp huyện, cấp xã ở 45 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Hiện đã giảm được 8 huyện, 557 xã, đồng thời giảm được 38.369 thôn, tổ dân phố so với thời điểm năm 2015.
"Ngành Nội vụ đã tham mưu cho Chính phủ hoàn thành việc giải quyết dứt điểm các vấn đề địa giới hành chính chưa thống nhất giữa các địa phương do lịch sử để lại. Có những tranh chấp kéo dài trên 10 năm, có nơi gần 20 năm, nay đã được giải quyết dứt điểm", Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.

Quang cảnh Hội nghị.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng chỉ ra những hạn chế, trong đó, một số cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu chưa kiên quyết, tập trung thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức dôi dư khi sắp xếp tổ chức; còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm lên cấp trên hoặc còn có tư tưởng chờ đợi kết quả của các bộ, ngành, địa phương khác rồi mới triển khai thực hiện theo.
Việc quản lý và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm chưa được triển khai đồng bộ; thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn nhiều hạn chế, có mặt chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế, yếu kém về phẩm chất, năng lực, chưa làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao; còn tình trạng tham nhũng vặt, sử dụng "quyền lực mềm" gây khó dễ cho doanh nghiệp và người dân khi giải quyết thủ tục hành chính.
Thời gian tới, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị ngành Nội vụ tập trung xây dựng, hoàn thiện Đề án Cơ cấu Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026, chú ý rà soát, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của các bộ, cơ quan, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt, khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp, bỏ sót nhiệm vụ; chủ động phối hợp, tổ chức thẩm định trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nghị định, quyết định về tổ chức của các cơ quan để triển khai Đề án Cơ cấu Chính phủ nhiệm kỳ mới.
Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế về công tác cán bộ, đảm bảo đồng bộ giữa quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, thay đổi nhận thức trong đánh giá, sử dụng cán bộ, chú trọng phẩm chất, năng lực thực thi nhiệm vụ, thay vì chỉ quan tâm đến bằng cấp, chứng chỉ.
Cùng với đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, xây dựng văn hóa công vụ trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Quốc Trần