Nguy cơ cao khi 80% các ca mắc COVID -19 không có triệu chứng
(CLO) Các chuyên gia cho rằng biến chủng mới lây lan rất nhanh, 80 % bệnh nhân không có biểu hiện triệu chứng vì thế việc chống dịch cần thiết phải nhanh, mạnh và cẩn trọng.
Chiều ngày 2/2, Bộ Y tế tổ chức họp trực tuyến với các điểm cầu các tỉnh, huyện có dịch COVID -19 các chuyên gia đã có những đánh giá các điểm mới đối với dịch bệnh lần này.
Theo Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, ông Lương Ngọc Khuê, hiện có đến 80% người mắc COVID -19 trong đợt dịch này không có triệu chứng.
Điều này lại thách thức cho tất cả các bệnh viện trong việc phát hiện ca nhiễm.

80% người nhiễm COVID -19 trong đợt dịch này không có triệu chứng (ảnh TL).
Do vậy vị này chỉ đạo các bệnh viện khi tiến hành khám bệnh phải khai thác tiền sử bệnh nhân.
Đến nay, hơn 200 bệnh nhân thì có 1 bệnh nhân nặng, 3 bệnh nhân thở oxy, 30 bệnh nhân có triệu chứng còn lại không triệu chứng.
Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, từ trước đến nay vẫn chỉ đạo các bệnh viện phải khám sàng lọc, phân loại.
Ngay trong mẫu hồ sơ bệnh án luôn có mẫu tiền sử, do đó trong quá trình khám bệnh phải chú ý thực hiện.
Với việc 80% người mắc COVID -19 không có triệu chứng nên rất dễ bị lọt đối tượng nhiễm SARS -CoV -2.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng cho rằng, công tác phòng dịch đến giờ phút này các văn bản chỉ đạo từ Trung ương, Bộ Y tế khá đầy đủ. Nhưng hiện nay chỗ triển khai tốt, chỗ không.
Vì thế cần thiết phải tập huấn việc truy vết, lấy mẫu xét nghiệm. Tất cả phải bắt tay vào thực hiện. Các địa phương cũng phải quán triệt, phương châm 4 tại chỗ.
Phát biểu kết thúc buổi họp giao ban, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng, trong thời điểm này các địa phương đã nỗ lực cố gắng.
Ngày hôm nay, có thêm 30 trường hợp nhiễm COVID -19 trong cộng đồng, 1 ca mắc COVID -19 nhập cảnh.
Bộ trưởng nhấn mạnh: "Hết sức lưu ý, tốc độ lây nhiễm COVID -19 tăng 70% so với trước đây. Có 80% bệnh nhân không có triệu chứng nên khó phát hiện.
Do đó, cần thay đổi chiến thuật trong phòng chống. Khi đang ở diện có thể truy viết được thì truy vết còn nếu nhiều thì phải giãn cách.
Cần áp dụng việc tiến hành song song vừa truy viết, vừa phong tỏa. Càng nhanh, quyết liệt hơn trong việc dập dịch.
Bài học thành công của Đà Nẵng là năng lực xét nghiệm lớn vì thế phải nâng công suất xét nghiệm. Còn nếu chuyểnn mẫu đi xét nghiệm ở các tỉnh thì chậm, không đáp ứng được công tác phòng chống dịch.
Đặc biệt đối với Gia Lai cần chuẩn bị phương án 4 tại chỗ. Hiện nay, mặc dù các ca COVID -19 đã chậm lại nhưng kinh nghiệm các địa phương cần phải có phương án thành lập bệnh viện dã chiến.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long chia sẻ thêm, hiện đã có kiến nghị với Chính phủ bắt buộc đeo khẩu trang với tất cả các tỉnh, thành phố.
"Trên tinh thần chung là giao việc cho các địa phương, nếu thấy tình hình cần thiết giãn cách xã hội thì thực hiện. Quyền này thuộc về địa phương" - ông Long nhấn mạnh.
Cuối cùng Bộ trưởng cho rằng: "Tất cả phải quyết liệt, không được biết lơ là, chủ quan. Nên phải nhanh hơn, mạnh hơn nữa!".
Trinh Phúc