Dự báo “kinh hoàng”: Giá Bitcoin có thể đạt 1 triệu USD/đồng

19/02/2021 12:44

(CLO) Một số nhà phân tích đưa ra dự báo lạc quan cho rằng Bitcoin có thể đạt mốc “kinh hoàng” 1 triệu USD/đồng và có thể trở thành đồng tiền dự trữ của thế giới trong tương lai. Tuy nhiên, một số khác lại cảnh báo về nguy cơ bong bóng vỡ vụn của đồng tiền số này.

Kể từ đầu năm 2021 đến nay, giá đồng tiền số phổ biến nhất thế giới đã tăng 78%. Ảnh: CNBC

Kể từ đầu năm 2021 đến nay, giá đồng tiền số phổ biến nhất thế giới đã tăng 78%. Ảnh: CNBC

CNBC dẫn lại dự đoán của chuyên gia Anthony Pompliano – nhà đồng sáng lập của Quỹ Morgan Creek Digital Assets – cho rằng, giá Bitcoin có thể đạt mốc 500.000 USD/đồng vào cuối thấp kỷ này. Thậm chí, nó có thể vọt lên mốc “không tưởng” 1 triệu USD/đồng. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng không đưa ra dự đoán cụ thể về thời gian cho mức này.

“Tôi nghĩ rằng, rốt cuộc thì Bitcoin cũng sẽ vươn lên trở thành loại tiền dự trữ toàn cầu. Bên cạnh đó, tôi cũng cho rằng vốn hóa thị trường Bitcoin cuối cùng sẽ lớn hơn cả vàng trong tương lai”, ông Pompliano chia sẻ với CNBC.

Trước đó, vào hôm 18/2, Bitcoin phá vỡ mốc giá kỷ lục mới khi lần đầu tiên vượt ngưỡng 52.000 USD/đồng. Theo Coinmarketcap, Bitcoin hiện đang được giao dịch ở mức xung quanh 51.000 USD/đồng. Kể từ đầu năm 2021 đến nay, giá đồng tiền số phổ biến nhất thế giới đã tăng 78%.

Lý do khiến Bitcoin tăng sốc?

Có nhiều yếu tố giúp thúc đẩy giá Bitcoin lên những ngưỡng mới. Đó là nhờ sự tham gia của các nhà đầu tư tổ chức và cá nhân lớn, sự nhập cuộc của các doanh nghiệp lớn trên thế giới khiến cho Bitcoin trở thành một loại tài sản hấp dẫn.

Tỷ phú giàu nhất thế giới Elon Musk. Ảnh: Getty

Tỷ phú giàu nhất thế giới Elon Musk. Ảnh: Getty

Vào tuần trước, nhà sản xuất xe ô tô điện Tesla của tỷ phú giàu nhất thế giới Elon Musk xác nhận đã đầu tư khoảng 1,5 tỷ USD vào Bitcoin. Trước đó, Square đã mua vào Bitcoin từ năm ngoái. Trong khi đó, các ngân hàng lớn như JPMorgan và Goldman Sachs đang dần nới lỏng các chính sách tiền tệ để kích thích nền kinh tế hậu đại dịch Covid-19 và bày tỏ sự quan tâm đến đồng tiền số này, khiến cho các nhà đầu tư lớn nhỏ đổ xô vào mua Bitcoin như một tài sản lưu trữ mới.

“Đã có hàng nghìn tỷ USD được bơm vào nền kinh tế toàn cầu. Tất cả mọi người, từ cá nhân đến các tổ chức tài chính và tập đoàn trên thế giới đều đang tìm cách bảo vệ tài sản của mình. Cuối cùng, họ quyết định lựa chọn Bitcoin”, ông Pompliano lý giải nguyên nhân khiến Bitcoin tăng phi mã.

Mặt khác, hiện không có ngân hàng trung ương nào có thể kiểm soát được Bitcoin, khi trên thực tế lượng Bitcoin chỉ giới hạn ở 21 triệu đồng trên toàn cầu cũng khiến giới đầu tư muốn sớm chen chân vào thị trường.

“Khi càng có nhiều người tham gia vào thị trường, tính thanh khoản lại càng lớn hơn. Khi thanh khoản lớn thì có nhiều tiện ích khác sẽ được thúc đẩy. Khi đó, giá cả Bitcoin sẽ ổn định hơn”, ông Pompliano chia sẻ.

Theo dự đoán của ông, trong tương lai, Bitcoin sẽ chiếm giữ vị trí quan trọng và là đồng tiền dự trữ toàn cầu của thế hệ tiền tệ Internet.

Thay thế vàng truyền thống?

Vào tháng 1 năm nay, trong một lưu ý đến khách hàng, các chuyên gia tại JPMorgan đã dự báo rằng trong dài hạn, Bitcoin có thể đạt 146.000 USD/đồng và rất có thể sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh với vàng truyền thống.

Ông Nikolaos Panigirtzoglou, chiến lược gia thị trường toàn cầu tại JPMorgan, chia sẻ với  CNBC rằng: “Bitcoin đang cạnh tranh với vàng truyền thống. Nó là một dạng vàng kỹ thuật số mới”.

Theo ông, giá trị của vàng cho mục đích đầu tư do tư nhân nắm giữ trên toàn cầu hiện vào khoảng 2.700 tỷ USD. Do vậy, nếu muốn vốn hóa của Bitcoin ngang bằng với vốn hóa thị trường vàng thì nó cần đạt mức 146.000 USD/đồng. Hiện, vốn hóa thị trường của Bitcoin đang đạt mức 973 tỷ USD.

Tuy nhiên, trái ngược với sự lạc quan về giá cả tương lai của đồng Bitcoin, nhiều chuyên gia và nhà đầu tư trên toàn cầu vẫn cho thấy sự quan ngại về tốc độ tăng trưởng khó dự đoán của Bitcoin. “Giá đồng mã hóa này biến động gấp 5 lần so với vàng.” Theo Panigirtzoglou khuyến cáo cho rằng, dòng tiền đổ vào Bitcoin có thể cạn kiệt một khi nền kinh tế mở cửa trở lại trong thời gian tới.

“Khi nền kinh tế mở cửa trở lại, mọi người quay lại công sở, họ sẽ ít có thời gian để giao dịch hơn và kết quả là dòng tiền của các nhà đầu tư nhỏ lẻ sẽ chậm lại”, ông Panigirtzolou nhận định.

                                                         Hương Vũ