Còn một cuộc chiến khác…

25/02/2021 14:00

(NB&CL) Khi năm 2021 đã chuẩn bị sang tháng thứ 3, thì cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19 vẫn chưa hẹn ngày kết thúc. Tổng số ca tử vong trên khắp thế giới đã gần đến ngưỡng 2,5 triệu, trong khi biến thể mới được cho có khả năng lây lan nhanh hơn vẫn liên tiếp xuất hiện.

Trong khi đó, cả thế giới vẫn đang ở trạng thái ngóng đợi vaccine là giải pháp để đưa cuộc sống trở lại bình thường và đội ngũ y tá, như nhận định của Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus “là cột trụ của bất cứ hệ thống y tế nào”, như cảnh báo đầy đau đớn của Hội đồng Y tá quốc tế, lại đang trong cảnh “chấn thương tâm lý hàng loạt”, kiệt quệ cả về thể xác lẫn tâm thần.

Triệu triệu người trong “chấn thương tâm lý hàng loạt”

“Chấn thương tâm lý hàng loạt” là cụm từ cảnh báo do Hội đồng Y tá quốc tế (ICN) đưa ra trong ngày 14/11 giữa lúc cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19 vẫn đang hồi vô cùng ác liệt. Lý giải về cụm từ này, Hội đồng Y tá quốc tế cho biết số lượng y tá chăm sóc bệnh nhân Covid-19 phải chịu gánh nặng đến kiệt quệ về thể xác và tâm thần đã tăng lên trong nửa cuối năm 2020 trên khắp thế giới.

Trong thực tế, không khó để lấy ví dụ chứng minh cho cảnh báo gây sốc ấy của (ICN). Lee Eun-joon - Y tá trưởng của Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul, một trong những “tuyến đầu” điều trị bệnh nhân bị nhiễm Covid-19 của Hàn Quốc, thì  “tất cả nhân viên y tế đều đang phải chịu đựng sự mệt mỏi nghiêm trọng”. Thống kê mà You Myung-soon - Giáo sư Khoa Y tế Công cộng của Đại học Quốc gia Seoul, thực hiện cũng đã cho thấy, 80% những người tham gia vào cuộc chiến chống Covid-19 đang bị mệt mỏi quá độ về cảm xúc.

Các y tá chuẩn bị thuốc cho bệnh nhân Covid-19 tại một bệnh viện ở Hà Lan. Ảnh: AFP

Các y tá chuẩn bị thuốc cho bệnh nhân Covid-19 tại một bệnh viện ở Hà Lan. Ảnh: AFP

Alessia Bonari - nữ y tá trẻ người Italy, làm việc trong một bệnh viện ở thành phố Milan - cùng với việc chia sẻ trên Facebook bức ảnh về chính mình với gương mặt đầy những vết hằn bởi khẩu trang, đã thừa nhận không biết tự bao giờ cô trở nên rất sợ đi làm mỗi ngày.  “Sợ vì khẩu trang có thể không bám chặt vào mặt hoặc tôi vô tình chạm vào người mình bằng găng tay bẩn. Tôi còn sợ kính sát tròng không bao phủ hết đôi mắt và có gì đó bám vào... Áo khoác bảo hộ khiến tôi đổ mồ hôi và một khi mặc nó vào, tôi không thể đi vệ sinh hoặc uống nước trong 6 giờ. Tôi rất mệt mỏi, giống như tất cả đồng nghiệp trong tình trạng tương tự nhiều tuần liền” - Alessia Bonari viết trên trang cá nhân.

Kathryn - nữ y tế người Mỹ trong khu vực hồi sức tích cực tại Nashville, Tennesse - đã thừa nhận đầy chua xót như thế trên trang Twitter của cô ngày 22/11/2020. “Mọi người không thấy những gì chúng tôi chứng kiến. Họ không đối diện thực tế hằng ngày. Họ không hiểu”. Và như để chứng minh cho cái sự không hiểu ấy, nữ y tá đăng kèm bài viết hai bức ảnh của chính cô. Một bức chụp vào giữa tháng 4 khi Kathryn là một tân cử nhân, đầy tươi tắn, rạng rỡ. Một bức chụp vào trung tuần tháng 11- thời điểm đánh dấu Kathryn trở thành “chiến binh” trong cuộc chiến chống Covid được tròn 6 tháng, một Kathryn không cười, có bọng mắt và vết hằn trên gò má. Hai bức ảnh, hai khoảnh khắc, hai sắc thái thôi cũng đủ cho thấy hệ lụy khủng khiếp mà đại dịch thế kỷ như Covid-19 đã ảnh hưởng đến Kathryn như thế nào.

Trong sự “chấn thương tâm lý hàng loạt” mà ICN nói đến, có cả những sang chấn tồi tệ về mặt tinh thần mà các y tá nói riêng, những người làm y tế nói chung phải đối mặt trong cuộc chiến chống Covid-19. Đó còn là những cảm xúc tồi tệ, là sự bất lực trước sự ra đi đau đớn của các bệnh nhân Covid-19. Nữ y tá người Mỹ Julia Trainor từng chia sẻ sự ám ảnh kinh hoàng khi bệnh viện có những ngày có quá nhiều bệnh nhân rơi vào trạng thái nguy kịch, hấp hối khiến các y bác sĩ không thể xoay xở kịp, “khung cảnh như chiến trường”. Jodi Doering - y tá phòng cấp cứu ở tiểu bang South Dakota, cũng có nỗi ám ảnh khủng khiếp không kém khi phải chứng kiến “người dân đổ bệnh theo cùng một cách, chết cùng một cách”.

Không chỉ chịu “Chấn thương tâm lý hàng loạt”, trong một đại dịch truyền nhiễm như Covid-19, lực lượng y tế nói chung, lực lượng Y tá nói riêng còn chịu một hệ lụy không thể tránh khỏi là lây nhiễm, thậm chí tử vong vì Covid-19. Tháng 11/2020, Hội đồng Y tá Quốc tế ước tính ít nhất 1.500 y tá tại 44 quốc gia đã chết do Covid-19. Tại Anh, cứ 5 y tá thì có 1 người ốm hoặc tự cách ly vì Covid-19. Tại Italy, cứ 10 ca mắc Covid-19 thì có gần một trường hợp là nhân viên y tế. Và đến nay, khi dịch đã như cơn sóng thần càn quét tàn phá khắp toàn cầu, con số này chắc chắn gia tăng gấp nhiều lần. Phát biểu với tờ Newsweek, Tổng Giám đốc điều hành ICN - ông Howard Catton, nói: “Y tá khắp thế giới đang chịu áp lực khủng khiếp trong công việc khi phải làm nhiều giờ không nghỉ ngơi và không có ngày nghỉ. Chúng tôi chắc chắn rằng tỷ lệ lây nhiễm một phần liên quan tới tình trạng thiếu thiết bị bảo hộ cá nhân. Chúng ta biết toàn cầu đều thiếu nhưng y tá làm việc ở tuyến đầu, họ là anh hùng và họ phải được bảo vệ nếu còn tiếp tục làm công việc cứu người như hiện nay”.

“Chống thiếu hụt y tá” - “cuộc chiến” không giản đơn

Cách đây gần một năm, nhân Ngày Sức khỏe Thế giới 7/4, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và ICN cùng tổ chức Nursing Now thực hiện báo cáo mang tên “Thực trạng của ngành điều dưỡng thế giới năm 2020”. Trong đó, báo cáo đã đưa ra những con số khiến nhiều người trong chúng ta không khỏi giật mình: Thế giới có gần 28 triệu y tá. Từ năm 2013 tới 2018, số lượng y tá tăng 4,7 triệu người. Tuy vậy, toàn cầu vẫn thiếu khoảng 5,9 triệu y tá và điều dưỡng viên, trong đó thiếu nhất là ở châu Phi, Đông Nam Á, khu vực Đông Địa Trung Hải và Mỹ Latinh. Cứ 6 y tá thì có một người sẽ về hưu trong 10 năm tới. Chưa hết, bà Mary Watkins - Chủ tịch tổ chức Nursing Now, đồng tác giả báo cáo trên, còn đưa ra một thực tế đáng lưu tâm rằng nhiều nước giàu không đào tạo đủ y tá để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe trong nước, phải phụ thuộc vào lực lượng lao động nhập cư, khiến tình trạng thiếu hụt y tá ở các nước nghèo trở nên nghiêm trọng hơn.

Đại dịch Covid-19 - cuộc khủng hoảng y tế chưa từng có tiền lệ với tốc độ lây lan không thể kiểm soát - càng khiến sự thiếu hụt ấy trở nên báo động. Từ cách đây một năm, Bộ trưởng Y tế Mexico đã lên tiếng “kêu than” rằng hệ thống y tế nước này đang thiếu gần 7.000 bác sĩ và 23.000 y tá để đối phó với đại dịch Covid-19. Đến Philippines, một nước vẫn được biết đến như là “xưởng đào tạo và xuất khẩu” y tá số 1 thế giới, nay cũng phải đối mặt với sự thiếu hụt y tá. Theo Hiệp hội các bệnh viện tư Philippines, hiện Philippines cũng đang thiếu hụt khoảng 23.000 y tá trên toàn quốc. Tại Mỹ, giữa lúc đại dịch Covid-19 bùng phát, lãnh đạo các bệnh viện phải hối hả tìm kiếm thêm y tá, đặc biệt tại những cơ sở y tế nhỏ và vùng nông thôn. Để bù đắp, số lượng y tá, nhiều bệnh viện tại nước Mỹ đã đưa ra nhiều chiêu trò “giành giật y tá”, nào là đưa ra mức lương hấp dẫn  từ 1.500-5.000USD/tuần, nào sẵn sàng thưởng 15.000USD cho y tá…

Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại một bệnh viện ở Mulhouse, Pháp ngày 16/2/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại một bệnh viện ở Mulhouse, Pháp ngày 16/2/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Các y tá trao đổi công việc tại bệnh viện ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc ngày 18/3. Ảnh: THX/TTXVN

Các y tá trao đổi công việc tại bệnh viện ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc ngày 18/3. Ảnh: THX/TTXVN

Y tá là xương sống của bất kỳ hệ thống y tế nào. Ngày nay, nhiều y tá đang ở tuyến đầu chống Covid-19. Báo cáo về “Thực trạng của ngành điều dưỡng thế giới” là lời nhắc nhở mạnh mẽ về vai trò không thể thay thế của y tá và lời kêu gọi thức tỉnh để đảm bảo họ được hỗ trợ cần thiết nhằm giữ cho thế giới khỏe mạnh” - lời ca ngợi cũng là sự nhắc nhớ của Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus có lẽ đáng để các chính phủ trên thế giới quan tâm. Nói như Chủ tịch ICN, bà Annette Kennedy: “Thế giới cần thêm hàng triệu y tá, và chúng tôi kêu gọi chính phủ các nước hãy làm những điều đúng đắn, hãy đầu tư vào ngành nghề tuyệt vời này”. Sự đầu tư, quan tâm ấy, thiết nghĩ còn đáng giá hơn những lời tôn vinh hay cảm ơn sáo rỗng, dù rằng, họ thực sự là lực lượng đáng được hàm ơn.

 Hà Anh