Condotel “ế chỏng gọng”, chủ đầu tư vẫn tung cam kết lợi nhuận “khủng” 12%/năm

22/03/2021 06:30

(CLO) Trong 2 năm qua, phân khúc condotel gần như “đóng băng”, khối lượng giao dịch rất ít, lượng hàng tồn kho lớn. Thế nhưng, nhiều chủ đầu tư vẫn tung ra chương trình cam kết lợi nhuận lên tới 12%/năm.

Trước năm 2018, condotel được rất nhiều nhà đầu tư ưa chuộng, và được coi là “con gà đẻ trứng vàng” của thị trường bất động sản.

Thực tế đã cho thấy, trong giai đoạn 2015 - 2017, nguồn cung căn hộ condotel luôn tăng đều mỗi năm. Từ 15.000 căn hộ vào năm 2015, tăng lên gần 23.000 căn hộ vào năm 2017.

Condotel đang ế “bền vững”.

Condotel đang ế “bền vững”.

Bước sang năm 2018, dòng sản phẩm này có hiện tượng dư thừa nguồn cung, khối lượng giao dịch bắt đầu chững lại.

Tuy nhiên, sau khi dự án Cocobay Đà Nẵng đổ vỡ vào năm 2019, thị trường giao dịch condotel lập tức đóng băng. Cho tới năm 2020, đại dịch Covid-19 tiếp tục khiến condotel lún sâu vào khủng hoảng.

Theo báo cáo của Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARs), trong năm 2020, có khoảng 18.000 sản phẩm condotel được rao bán trên thị trường, đa phần là hàng tồn từ những năm trước. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch rất thấp, chỉ đạt 120 sản phẩm/năm, tương đương 0,7% tổng số hàng hóa có trên thị trường.

Mặc dù thị trường condotel đang gặp khó, thế nhưng một số chủ đầu tư condotel tại Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang vẫn đưa ra chương trình cam kết lợi nhuận tối đa lên tới 12%/năm.

Một dự án tại Hội An cam kết lợi nhuận tới 12%/năm.

Một dự án tại Hội An cam kết lợi nhuận tới 12%/năm.

Đơn cử, tại một dự án condotel Hội An, chủ đầu tư cam kết lợi nhuận đầu tư tối thiểu trong 10 năm đầu là 12%/năm. Trong đó, năm đầu tiên lợi nhuận sẽ là 8%/năm, tăng dần tới năm thứ năm sẽ là 12%/năm. Từ 6 - 10 năm tiếp theo, lợi nhuận sẽ được cộng dồn, từ 2% - 5%/năm, tùy thuộc vào tình hình thị trường.

Tương tự, một dự án khác tại Đà Nẵng, chủ đầu tư cũng cam kết lợi nhuận 12%/năm, ngay từ năm đầu tiên. Các năm tiếp theo, sẽ tùy thuộc vào tình hình thị trường sẽ cộng dồn lợi nhuận.

Nhận định về hiện tượng này, giới chuyên gia cho rằng, thị trường condotel đang “đóng băng”, chủ đầu tư lấy đâu ra lợi nhuận để trả theo đúng cam kết. Hay sẽ lại xảy ra một sự đổ vỡ như Cocobay Đà Nẵng.

Trước đó, vào năm 2018, ông Michael Piro, Giám đốc điều hành Indochina Capital Corporation cho rằng, cam kết lợi nhuận đầu tư condotel lên tới 8-12% là không tưởng, không ai trên thế giới dám đưa ra cam kết như vậy.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, các bản cam kết lợi nhuận chính là kiểu "lấy mỡ nó rán nó". Nói cách khác, chủ đầu tư lấy tiền trước của khách hàng rồi trả lại dần cho khách hàng theo cam kết lợi nhuận.

Đồng tình với các quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam đánh giá: Mục đích của các bản cam kết lợi nhuận, chính là đánh vào lòng tham của nhà đầu tư.

Theo ông Đính, với những doanh nghiệp có dòng vốn tự có yếu kém, họ phải sử dụng chiêu trò hứa hẹn lợi nhuận để thu hút nhà đầu tư rót vốn vào giai đoạn khởi đầu. Sau đó, dòng tiền mới sẽ được dùng cho việc thực hiện và hoàn thành dự án.

Tuy nhiên, Phó chủ tịch VARS cho rằng, các hình thức cam kết lợi nhuận đều mang lại vô vàn rủi ro. Trong đó, sự đổ vỡ của hệ thống Cocobay Đà Nẵng, khiến hàng trăm nhà đầu tư rơi vào cảnh "tiền mất, tật mang" chính là bài học lớn cho giới đầu tư, đang có ý định tham gia vào các bản cam kết lợi nhuận. Do đó, nhà đầu tư nên cân nhắc rót vốn theo cam kết lợi nhuận.

Một số chuyên gia nhận định, mức cam kết lợi nhuận có thể chấp nhận được là từ 4% - 6%/năm. Tuy nhiên, trong thời điểm “nhạy cảm” như hiện nay, khi lực cầu xuống thấp, dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, việc áp dụng mức cam kết lợi nhuận sẽ đều là rủi ro cho cả chủ đầu tư, lẫn nhà đầu tư cá nhân.

Lâm Vũ