Bản đồ có “đường lưỡi bò”: Việt Nam yêu cầu các doanh nghiệp tôn trọng chủ quyền của Việt Nam

08/04/2021 16:50

(CLO) Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định, các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam cần phải tôn trọng và thực thi nghiêm túc các quy định của luật pháp Việt Nam.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng

Tại họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 8/4, trả lời câu hỏi về việc hàng loạt hãng thời trang đăng tải bản đồ có “đường lưỡi bò” phi pháp trên trang web tiếng Trung, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định:

“Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế, cũng như quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển liên quan ở Biển Đông được xác lập với UNCLOS 1982”.

“Mọi hình thức tuyên truyền, quảng bá các nội dung trái với sự thật lịch sử và luật pháp quốc tế đều không có giá trị, không thể thay đổi được thực tế về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa cũng như thực tế về vấn đề Biển Đông”, bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.

Đồng thời, bà Hằng cũng nhấn mạnh rằng các doanh nghiệp hoạt động ở Việt Nam cần tôn trọng luật pháp của Việt Nam:

“Việt Nam yêu cầu các doanh nghiệp tôn trọng chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán với các vùng biển liên quan trên Biển Đông”.

“Các doanh nghiệp hoạt động ở Việt Nam cần thực thi nghiêm túc các quy định của pháp luật Việt Nam”, bà Hằng nói thêm.

Liên quan đến hoạt động của tàu cá Trung Quốc trên Biển Đông tại bãi Đá Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết:

“Các cơ quan chức năng của Việt Nam luôn theo dõi sát các diễn biến liên quan đến Biển Đông, bảo vệ, thực thi quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển, trên các vùng biển Việt Nam, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982".

Thế Vũ