Nhiều quốc gia đẩy mạnh phân phối và tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19

04/09/2021 07:17

(CLO) Trong khi dịch bệnh COVID-19 đang có chiều hướng diễn biến phức tạp trở lại, nhiều quốc gia đang đẩy mạnh phân phối và tiêm chủng vaccine.

nhieu quoc gia day manh phan phoi va tiem chung vaccine ngua covid 19 hinh 1

Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Moskva, Nga. Ảnh: THX

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 4/9 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu là 220.551.477 ca, trong đó có 4.565.695 người tử vong. Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 619.256 trường hợp mắc COVID-19 và 9.298 ca tử vong.

Số ca mắc bệnh trong ngày tăng mạnh trở lại trên phạm vi toàn cầu, với những vùng dịch “nóng nhất” ở châu Á và châu Âu, trong khi số ca tử vong vẫn ở mức đáng quan ngại. Mỹ, Ấn Độ, Iran, Anh và Brazil số ca mắc mới vẫn cao một cách báo động. Mỹ lại quay lại vị trí quốc gia có số ca mắc mới và tử vong trong ngày cao nhất thế giới.

Trong khi dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp trở lại, nhiều quốc gia đang đẩy mạnh phân phối và tiêm chủng vaccine. Ngày hôm qua, Ủy ban châu Âu (EC) và hãng dược AstraZeneca cho biết đã đạt thỏa thuận về việc phân phối lượng vaccine ngừa COVID-19 còn lại trong hợp đồng, kết thúc vụ kiện tại Brussels về vấn đề này.

Theo thỏa thuận này, AstraZeneca cam kết bàn giao cho Liên minh châu Âu (EU) 60 triệu liều vaccine trước cuối quý III/2021, 75 triệu liều vào cuối quý IV/2021 và 65 triệu liều trước cuối quý I/2022.

Cơ quan điều hành EU cho biết, theo thỏa thuận mới, các nước thành viên EU sẽ được cung cấp lịch trình bàn giao định kỳ, và có thể giảm giá mua trong trường hợp AstraZence chậm bàn giao. Cao ủy EU về An toàn thực phẩm và sức khỏe Stella Kyriakides nhấn mạnh giữa các nước thành viên EU có khác biệt đáng kể về tỷ lệ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 và mức độ sẵn có của các vaccine, trong đó có AstraZeneca, vẫn giữ vai trò vô cùng quan trọng.      

AstraZeneca ban đầu dự kiến cung cấp 300 triệu liều vaccine cho EU trong 6 tháng đầu năm nay, song kế hoạch này đã bị cắt giảm xuống chỉ còn 100 triệu liều do gặp khó khăn về sản xuất. Điều này đã làm trì hoãn chương trình tiêm chủng quy mô lớn của EU khi khối này đặt cược vào vaccine của AstraZeneca để tiêm vaccine cho người dân trong khối.

Sau đó, EC đã triển khai hành động pháp lý nhằm vào AstraZeneca hồi tháng 4/2021 với lý do hãng dược không tuân thủ hợp đồng đã ký về việc cung cấp vaccine ngừa COVID-19 của hãng cũng như không có kế hoạch “đáng tin cậy” để đảm bảo giao hàng đúng hạn. EC yêu cầu AstraZeneca phải cung cấp 120 triệu liều vaccine vào trước ngày 30/6 và hoàn tất hợp đồng 300 triệu liều vào tháng 9.

Hồi giữa tháng 6, một tòa án Bỉ đã ra phán quyết có lợi cho hãng dược AstraZeneca trong vụ kiện của EU, theo AstraZeneca chỉ phải chuyển giao thêm 50 triệu liều vaccine phòng COVID-19 cho các nước EU đến ngày 27/9 tới. Tuy nhiên, phán quyết khẳng định AstraZeneca vẫn có nghĩa vụ hoàn tất hợp đồng giao 300 triệu liều nhưng không nói rõ thời hạn chót.

Trong khi đó, Ủy ban Hỗn hợp về Tiêm chủng (JCVI), cơ quan tư vấn về vaccine của Chính phủ Anh, ngày 3/9 đã khuyến nghị không tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em khỏe mạnh từ 12-15 tuổi, và chỉ trẻ em trong độ tuổi này có vấn đề về sức khỏe mới cần tiêm chủng.

nhieu quoc gia day manh phan phoi va tiem chung vaccine ngua covid 19 hinh 2

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện tại Pretoria, Nam Phi. Ảnh: AFP

Điều này đồng nghĩa sẽ có thêm 200.000 thiếu niên có bệnh lý nền đủ điều kiện tiêm vaccine ngừa COVID-19. Trước đó, khoảng 150.000 trẻ em mắc các bệnh thần kinh nghiêm trọng, mắc hội chứng Down, có hệ miễn dịch suy giảm nghiêm trọng hoặc sống cùng người lớn dễ bị tổn thương thuộc đối tượng tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Anh. Các bác sĩ nhận định, trẻ em mắc bệnh tim, phổi và gan mãn tính có nguy cơ mắc COVID-19 cao hơn nhiều so với trẻ khỏe mạnh. Hiện có khoảng 3 triệu trẻ em trong độ tuổi từ 12-15 trên khắp Vương quốc Anh.

Cũng trong ngày 3/9, Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết nước này sẽ nhận thêm 4 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược Pfizer theo thỏa thuận hoán đổi với Anh, trong nỗ lực nhằm đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng để sớm mở cửa trở lại.

Thỏa thuận này sẽ tăng gấp đôi lượng vaccine của Pfizer mà Australia nhận được trong tháng này, với lô đầu tiên do Anh gửi sẽ tới nơi vào cuối tuần này. Ngoài với Anh, trong tuần này Australia còn ký thỏa thuận hoán đổi vaccine với Singapore. Theo cả hai thỏa thuận này, Australia sẽ gửi trả vaccine của Pfizer cho hai nước trên vào cuối năm, khi Australia nhận được số vaccine đã đặt hàng.

T.Toàn