Chủ tịch livestream và quản trị phi truyền thống

09/09/2021 09:16

(CLO) Livestream đối thoại với dân là lựa chọn có phần “mạo hiểm” của một người vừa ngồi ghế Chủ tịch thành phố lớn nhất nước chưa đầy 2 tuần. Nhưng cũng chính nó lại gợi mở một phương thức mới về quản trị phi truyền thống thông qua mạng xã hội.

chu tich livestream va quan tri phi truyen thong hinh 1

Tân Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi tại buổi livestream tối 6/9

Vừa giữ cương vị Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh chưa đầy 2 tuần, tối 6/9 vừa qua, ông Phan Văn Mãi đã livestream đối thoại với dân trong chương trình có chủ đề: “Dân hỏi – thành phố trả lời”. Buổi livestream đã lập kỷ lục về người xem và lượt comment. Trong các số chương trình phát sóng kể từ ngày 24/8, đây là buổi livestream có lượt xem và tương tác cao nhất.

Phải theo dõi cuộc đối thoại trực tuyến của ông Phan Văn Mãi tối 6/9 mới có thể lý giải về sức hút của buổi livestream. Ngoài việc buổi livestream đi sâu vào giải đáp những vấn đề lớn đang được người dân đặc biệt quan tâm, thì còn có thể thấy, nó khác hẳn một buổi tiếp dân, họp dân hay tiếp xúc cử tri theo cách thức truyền thống thông thường. Cuộc họp đặc biệt ấy không giấy tờ, sổ sách, không đọc báo cáo, không kể lể thành tích mà đi trực diện vào những vấn đề người dân quan tâm. Người dân hỏi từ gói mì tôm cứu trợ đến chính sách vĩ mô phục hồi kinh tế, tất cả đều được người đứng đầu chính quyền TP trao đổi cởi mở, thẳng thắn.

Buổi livestream thu hút đông đảo người xem có lẽ chưa phải ở chất lượng đối thoại mà là bởi nó cho người dân thấy, chính quyền đã thực sự lắng nghe họ. Hơn thế, điều đó còn giúp họ - những người dân TP đang trong tâm dịch nguy nan có thêm niềm tin về những thay đổi tích cực phía trước.  

Hơn 1 giờ đồng hồ có thể chưa thỏa mãn nhiều người, cũng như còn nhiều câu hỏi khó mà người đứng đầu chính quyền thành phố chưa thể giải đáp ngay được nhưng ít nhất, buổi livestream đã tạo ra một tiền lệ mới về quản trị, về mối quan hệ giữa lãnh đạo với dân.

Livestream là một khái niệm đã không còn xa lạ trong thời kỳ công nghệ. Livestream, nói một cách dễ hiểu nhất, là dạng thức phát sóng và tương tác trực tiếp với mọi người trên mạng xã hội những sự việc đang xảy ra ở hiện tại. Mặc dù có sự tham gia của báo chí và các cơ quan truyền thông chính thống nhưng về cơ bản, cuộc trò chuyện của tân Chủ tịch thành phố Hồ Chí Minh với dân là một cuộc tương tác trên mạng xã hội.

Tại sao người đứng đầu chính quyền TP không sử dụng các phương tiện truyền thông truyền thống mà lại sử dụng mạng xã hội?

chu tich livestream va quan tri phi truyen thong hinh 2

Cuộc livestream của người đứng đầu chính quyền TP.HCM được truyền thông rầm rộ trên các nền tảng mạng xã hội, khác với những phương thức truyền thông truyền thống.

Chọn tương tác trên mạng xã hội dù gì cũng là lựa chọn có phần “mạo hiểm” bởi livestream trên mạng xã hội là hình thức tương tác trực tiếp theo kiểu “không biên giới”. Cư dân mạng có thể hỏi bất cứ điều gì họ thắc mắc, thậm chí hỏi những câu khó, nhạy cảm hay bày tỏ sự không đồng tình với chính quyền. Tuy nhiên hiện nay nhiều cơ quan quản lý nhà nước ở các tỉnh thành, nhất là các thành phố lớn đã bắt đầu tìm cách khai thác mặt tích cực của phương tiện truyền thông hiện đại này, sử dụng chúng như một phương thức để tương tác, giao tiếp với người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt, trong điều kiện dịch bệnh kéo dài, sử dụng nền tảng mạng xã hội một cách chủ động, bài bản để cung cấp thông tin, truyền đi những thông điệp tích cực cũng là một cách làm hay, góp phần chống lại các thông tin xấu, độc, sai sự thật.

Bởi vậy, cuộc livestream của Chủ tịch TP.HCM ở một khía cạnh nào đó cũng có thể được coi là đã gợi mở ra phương thức quản trị xã hội phi truyền thống thông qua mạng xã hội. Việc tiếp cận trực diện giữa người đứng đầu chính quyền với người dân cũng là tín hiệu cho thấy chính quyền, sẽ là không chỉ tại TP.HCM, đã đang biết tận dụng những lợi ích của truyền thông thời kỹ thuật số để mở rộng phương thức tương tác, không chỉ trong những thời điểm đặc biệt, cần kíp như dịch bệnh vừa qua mà sẽ dần trở thành một hình thức được vận dụng thường xuyên. Sử dụng mạng xã hội để quản trị xã hội, trên hết và thắt chặt sợi dây kết nối giữa chính quyền và người dân, làm dầy thêm niềm tin của dân với chính quyền... âu cũng là sự gợi mở cho một phương thức mới về quản trị phi truyền thống trong tương lai.

Quang Duy