Nghiên cứu kinh nghiệm, luật pháp quốc tế phục vụ Chiến lược xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN

16/09/2021 21:48

(CLO) Bộ Tài chính nghiên cứu cơ chế, chính sách về kinh phí nhằm tạo điều kiện cho các bộ thu hút các chuyên gia, đánh giá thực tiễn, xây dựng có sở lý luận, nghiên cứu kinh nghiệm, luật pháp quốc tế phục vụ việc xây dựng các đề án trong Chiến lược xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN.

Đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh khi chủ trì phiên họp để rà soát tiến độ xây dựng các chuyên đề thuộc Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước phát quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” do Ban Chỉ đạo xây dựng đề án giao cho các cơ quan Chính phủ thực hiện vào chiều 16/9/2021.

nghien cuu kinh nghiem luat phap quoc te phuc vu chien luoc xay dung nha nuoc phap quyen xhcn hinh 1

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh chỉ trì phiên họp.

Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 có 3 cấu phần về xây dựng hệ thống pháp luật, xây dựng nền hành chính nhà nước, và xây dựng nền tư pháp. Dự kiến, tháng 10/2022, Bộ Chính trị sẽ trình Trung ương xem xét, ban hành Nghị quyết về Chiến lược này.

Theo đó, các cơ quan của Chính phủ được phân công chủ trì xây dựng 8 chuyên đề, trong đó Bộ Nội vụ được giao chủ trì nghiên cứu, xây dựng 3 chuyên đề: Chiến lược cải cách hành chính đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN; đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN; đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN.

Bộ Ngoại giao chủ trì nghiên cứu, xây dựng chuyên đề tác động của quá trình hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN.

Bộ Công an được giao chủ trì 2 chuyên đề: Cải cách tư pháp trong cơ quan điều tra đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN; đổi mới công tác tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN.

Bộ Tư pháp được giao chủ trì nghiên cứu, xây dựng 2 chuyên đề: Đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động thi hành án dân sự đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN; tăng cường, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước và nâng cao chất lượng hoạt động bổ trợ tư pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh giao Bộ Tư pháp sớm trình Kế hoạch chung để triển khai các chuyên đề nêu trên, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, có sự phối hợp nhịp nhàng, thông suốt.

Do các chuyên đề có tính bao trùm cao, phức tạp và quan trọng, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ cần phối hợp chặt chẽ trong hỗ trợ, trao đổi tư liệu, kinh nghiệm trong quá trình nghiên cứu, xây dựng các chuyên đề.

"Bộ Tài chính nghiên cứu cơ chế, chính sách về kinh phí nhằm tạo điều kiện cho các bộ thu hút các chuyên gia, đánh giá thực tiễn, xây dựng có sở lý luận, nghiên cứu kinh nghiệm, luật pháp quốc tế phục vụ việc xây dựng các chuyên đề nhằm bảo đảm chất lượng cao nhất", Phó Thủ tướng yêu cầu.

Quốc Trần