Dạy trực tuyến nếu giáo viên không có động lực kết quả sẽ bằng không
(CLO) Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho rằng, thời điểm khó khăn này là lúc mỗi nhà giáo cần thể hiện cao nhất tinh thần, trách nhiệm với sự nghiệp giáo dục, với học sinh.
Dạy học trực tuyến, truyền hình là bất khả kháng
Ngày 23/9, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tổ chức khoá tập huấn nâng cao năng lực dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình cho cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên cấp tiểu học của 22 Sở GD&ĐT các tỉnh phía Bắc.
Phát biểu khai mạc khóa tập huấn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh, dạy học trực tuyến và qua truyền hình trong điều kiện dịch bệnh diễn biến rất phức tạp, khó lường hiện nay là bất khả kháng.
Trong số 22 tỉnh phía Bắc có đại diện tham gia khoá tập huấn, phần đông đã có thể cho học sinh đến trường học trực tiếp.

Dạy học trực tuyến cần giáo viên tâm huyết, không dạy miễn cưỡng đối phó.
Tuy nhiên, quá trình dạy học trực tiếp, một số tỉnh phát sinh ca nhiễm mới nên lại chuyển từ “vùng xanh” thành “vùng đỏ”. Tình trạng này có thể còn xuất hiện trong thời gian tới.
Bộ GD&ĐT do đó xác định là phải chuyển trạng thái, từ dạy học trực tuyến/dạy học qua truyền hình, là giải pháp tình thế sang chủ động, có kế hoạch dạy học theo hình thức này.
Đây cũng là cách để ngành giáo dục có thể đạt được 3 mục tiêu: an toàn vì dịch, hoàn thành chương trình năm học và kiên trì mục tiêu chất lượng.
Để chuẩn bị dạy học trực tuyến, Bộ GD&ĐT đã có nhiều chuẩn bị, như ban hành Thông tư 09 về Quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến, trong đó nêu rõ các yêu cầu, điều kiện để dạy học theo hình thức này.
Hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục giáo dục phổ thông cấp tiểu học năm học 2021-2022 ứng phó với dịch COVID-19, hỗ trợ thầy cô dạy học thuận lợi hơn với các nội dung được tinh gọn, giữ nội dung cốt lõi, cơ bản của chương trình.
Để tạo điều kiện cho học sinh học trực tuyến, hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã phát động chương trình quyên góp, ủng hộ “Sóng và máy tính cho em”.
Hệ thống bài giảng điện tử, bài giảng trên truyền hình theo môn học/cấp học đã và đang được Bộ GD&ĐT phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam xây dựng, phát sóng, và tiếp tục vận động xây dựng, đóng góp video bài giảng này, sẽ cung cấp nguồn học liệu phong phú, chất lượng, để nhà trường tham khảo, sử dụng.
Đặc biệt, với quan điểm kiên trì mục tiêu chất lượng thì song song với nâng cao chất lượng dạy học trực tiếp, Bộ GD&ĐT xác định phải đồng bộ nâng cao chất lượng dạy và học trực tuyến.
3 yếu tố quyết định chất lượng dạy online
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, hiệu quả và chất lượng của việc dạy học trực tuyến được tính bằng tích của 3 chữ làm: biết làm - tức có năng lực sự phạm để dạy học trực tuyến;
Có điều kiện để làm - tức có đủ trang thiết bị, đường truyền cần thiết để giáo viên, học sinh học tập; và có động lực để làm.
Quan trọng là nếu một trong 3 thừa số bằng 0 thì tích cũng bằng 0. Do đó, chúng ta cần đồng thời đảm bảo 3 yếu tố, để đạt được chất lượng dạy học trực tuyến tốt nhất.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cũng nhấn mạnh, thời điểm khó khăn này là lúc mỗi nhà giáo cần thể hiện cao nhất tinh thần, trách nhiệm với sự nghiệp giáo dục, với học sinh.
Nếu lực lượng y tế đang “căng mình” ở tuyến đầu chống dịch, thì ngành giáo dục cũng nỗ lực hết sức để tạo điều kiện thuận lợi nhất giúp học trò thực hiện các biện pháp an toàn về dịch, dù không thể đến trường vẫn không ngừng việc học và được học một cách tử tế, chất lượng.
Với tinh thần như thế, Thứ trưởng mong muốn các cán bộ, giáo viên khi tham gia tập huấn sẽ phát huy năng lực, trách nhiệm, cố gắng học tập tốt nhất để đạt mục tiêu cuối cùng là biết cách dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình hiệu quả, chất lượng.
Trong tháng 9 này, Bộ GD&ĐT sẽ iếp tục tổ chức 2 khoá tập huấn về dạy học trực tuyến/qua truyền hình cho cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên cấp Tiểu học của các tỉnh còn lại. Đan xen với đó là các khoá tập huấn cho đội ngũ nhà giáo cấp THCS, THPT của 63 tỉnh thành phố.