Gian nan nghề đục hàu nơi cửa sông
(CLO) Những con hàu tự nhiên bám chặt trên những phiến đá bên bờ sông Lạch Bạng là nguồn sống của một số cư dân với thu nhập vài trăm nghìn mỗi ngày tại xã Hải Bình, thị xã Nghi Sơn, Thanh Hoá.
Theo chân người dân xã Hải Bình, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hoá, khi thuỷ triều vừa xuống, dụng cụ chỉ là một chiếc rổ xưa, một chiếc âu nhựa đựng ruột hàu, một đôi găng tay và thứ không thể thiếu là chiếc dao đục.

Nghề đục hàu nơi cửa sông. Ảnh: Hà Anh
Đeo đôi găng tay bảo vệ, ngồi xuống một mỏm đá bằng phẳng khi triều vừa rút, người dân nơi đây bắt đầu công việc thường ngày, mũi dao đục thoăn thoắt lách vào khe hàu, tách từng con hàu ra khỏi vỏ và bỏ chúng vào bát hoặc âu nhựa đựng nước bên cạnh.
Những mũi dao nhọn hoắt, sắc lẹm, cán dao dài gấp đôi thanh sắt đầu dao để tỳ vào khuỷu tay cho có lực khi tách. Thân hàu xù xì và sắc lạnh như dao lam, nếu không có tất tay bảo hộ thì chỉ cần chạm khẽ vào nó thôi là máu tay sẽ túa ra ngay.
Một người dân đang đục hàu tại đây chia sẻ, phải tìm những con hàu có lớp vỏ khít thì hàu mới còn sống để đục. Tay phải cầm dùi chắc, đập mạnh xuống thì mới tách được vỏ hàu chứ không dễ.

Mũi dao nhọn hoắt, sắc lẹm nếu không có tất tay bảo hộ thì chỉ cần chạm khẽ vào là máu tay sẽ túa ra ngay. Ảnh: Hà Anh
Sau khi tách ra, bỏ vỏ là sẽ lấy được hàu nhân. Nhân hàu trắng đục, căng tròn. Người dân cho biết, cứ khoảng 15-20 kg hàu vỏ mới tách được 1kg hàu nhân.
Theo tìm hiểu cua Phóng viên, nghề đục hàu cũng tùy theo con nước. Khi sóng yên, nước lặng thì mỗi buổi "cặm cụi", người dân có thể đục được chừng 1-2kg hàu, kiếm được khoảng 120.000 - 140.000 đồng. Hàu tự nhiên thường ngon hơn hàu nuôi nên giá cao gấp đôi.
Một phụ nữ ngoài 60 tuổi sinh sống gần sông Lạch Bạng chia sẻ, hàu chủ yếu sống vùng nước lợ, chúng bám chặt, sinh sôi trên những bãi đá rộng lớn và các chân trụ cũ nát và vì vậy miếng cơm manh áo, cuộc sống của người dân nơi đây từ xưa đều trông chờ vào đoạn sông này.

Sau khi tách ra, bỏ vỏ là sẽ lấy được hàu nhân. Nhân hàu trắng đục, căng tròn. Ảnh: Hà Anh
Hàu sinh sống tốt trong môi trường ở vùng cửa sông, từ đầu tháng 2 Âm lịch vì đây là thời điểm ấu trùng hàu trong môi trường tự nhiên nhiều nhất, ở vùng cửa sông, ít sóng gió, có độ mặn từ 20-30ppt, nguồn nước sạch, có dòng chảy nhẹ, nhiều sinh vật phù du.
Theo quan sát, người đi đục hàu bên cửa sông Lạch Bạng chủ yếu là những phụ nữ có tuổi, phải là người có tính cần mẫn, chịu khó mới có thể ngồi cặm cụi nhiều giờ để đục hàu. Thu nhập từ nghề đục hàu cũng tạm ổn nhưng vất vả, giờ thì chỉ những người không có công việc ổn định mới kiên trì theo.

Hàu có vỏ to, dày, hình dạng vỏ thay đổi rất lớn, thông thường có hình bầu dục hoặc tam giác. Ảnh: Hà Anh
Trong nhiều năm trở lại đây, hàu sữa được các nhà hàng, quán ăn và khách du lịch ưa chuộng. Từ đó, nghề đục hàu cũng giúp người dân có thêm thu nhập. Hàu cửa sông là loài thuỷ đặc sản có giá trị, chủ yếu sử dụng ở dạng tươi sống, được chế biến theo nhiều cách khác nhau như nướng, xào, lẩu, nấu cháo là những món ăn bổ dưỡng.
Cũng ngay trên sông Lạch Bạng, nhiều hộ gia đình đã chuyển mô hình sang nuôi hàu cho hiệu quả kinh tế cao, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập.
Cửa Lạch Bạng nằm ở vùng biển phía Đông - Nam tỉnh Thanh Hóa, thuộc thị xã Nghi Sơn. Sông Lạch Bạng có chiều dài 34,5km, diện tích lưu vực 236km2, bắt nguồn từ vùng núi Huôn, xã Phú Lâm, thị xã Nghi Sơn, ở độ cao 100m. Tên sông (Bạng) ghép với cửa biển (Lạch) thành tên cửa Lạch Bạng.
Hà Anh