TP.HCM: Ăn cơm phải lén lút, đám cưới thì... công khai

14/10/2021 17:06

(CLO) Người dân phản ánh sự bất cập trong Chỉ thị 18 của Chủ tịch UBND TP. HCM liên quan đến việc không cho phép các quán hàng phục vụ tại chỗ, trong khi lại cho phép tổ chức đám cưới lên đến chục mâm.

Một cán bộ TP. Thủ Đức cho biết, vừa qua một số phường có lập biên bản các quán cà phê phục vụ khách hàng tại chỗ với hành vi "không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng". 

Các phường cũng có đề nghị TP. ban hành QĐ xử phạt vì mức phạt vượt quá thẩm quyền của phường.

tphcm an com phai len lut dam cuoi thi cong khai hinh 1

Lúc nào các quán cà phê ở Sài Gòn được bán tại chỗ. Ảnh: Thái Sơn.

Vị cán bộ này cho biết, những hàng quán vi phạm đều bị xử lý, yêu cầu tạm dừng hoạt động, ký cam kết và phường tiếp tục giám sát, nếu tái phạm sẽ tiếp tục lập biên bản.

Không chỉ TP. Thủ Đức, thời gian vừa qua nhiều quận huyện cũng đã thành lập các tổ liên ngành phối hợp lực lượng chức năng thường xuyên tuần tra, kiểm tra, nhắc nhở, xử lý nhiều trường hợp vi phạm phòng chống dịch, lấn chiếm lòng lề đường; vi phạm Chỉ thị 18 của Chủ tịch UBND TP. HCM.

Một cán bộ đô thị quận Bình Thạnh cho hay, công tác xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn, người dân thường xuyên tìm cách đối phó khi bị kiểm tra. Khi lực lượng chức năng có mặt thì người dân đứng dậy, quán hàng xếp bàn ghế lại, nên cũng khó bắt được...

"Bên cạnh, nhiều Chủ quán lẫn khách hàng cũng có nhiều ý kiến về những bất cập liên quan trong Chỉ thị 18", cán bộ đô thị nói. 

Trao đổi với PV báo Nhà báo & Công luận, Anh N.V.T (chủ quán cà phê ở TP. Thủ Đức) cho biết, theo quy định là chỉ được bán mang đi, nhưng thường thì khách xin ngồi uống rồi đi ngay. Chẳng lẽ làm khó khách, nên đành kê một cái bàn khuất phía sau cho khách ngồi. Nếu không cho khách ngồi thì họ ngồi trên xe máy giữa đường cũng vậy. 

Anh Thắng một nhân viên văn phòng ở Q. 1 cho biết, giờ tìm cái quán cơm cũng khó. Mà tìm được cũng không biết ngồi đâu mà ăn, có nhiều người phải ngồi vỉa hè để ăn, có người quen thì chủ quán kê cho cái bàn khuất phía sau.

Chị U.P. ở Bình Thạnh thì thắc mắc, hàng quán thì không cho bán ăn uống tại chỗ, nhưng lại cho tổ chức đám cưới lên đến chục mâm. Chẳng lẽ khách đến đám cưới để ngồi nhìn nhau, không ăn uống gì?

Được biết, theo Chỉ thị 18 của Chủ tịch UBND TP. HCM, việc tổ chức đám cưới, đám tang từ ngày 30/9 có quy định: Trong nhà tập trung tối đa 10 người; trường hợp có ít nhất 90% người tham gia đã được tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 được tập trung tối đa 60 người.

tphcm an com phai len lut dam cuoi thi cong khai hinh 2

Đám cưới tổ chức trong nhà được phép đến 60 người và ở ngoài trời lên đến 90 người.

Ngoài trời tập trung tối đa 15 người, trường hợp có ít nhất 90% người tham gia đã được tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 được tập trung tối đa 90 người.

Còn các ngành nghề kinh doanh, dịch vụ chưa được phép hoạt động gồm: quán bar, beer club, pub, spa, massage, dịch vụ làm đẹp, dịch vụ ăn uống tại chỗ, rạp chiếu phim, rạp xiếc, vũ trường, karaoke, trò chơi điện tử.

Liên quan vấn đề này, bên lề Hội nghị Đảng bộ TP. HCM vào sáng 14/10, Chủ tịch UBND TP. HCM thông tin, hiện nay TP. đang xem xét kiến nghị của quận 7 về việc mở quán ăn phục vụ tại chỗ. 

Chuyện quán ăn phục vụ tại chỗ chắc chắn TP. HCM sẽ thí điểm nhưng sẽ có những quy định cụ thể, đánh giá tình hình. Tinh thần là khẩn trương nhưng phải chuẩn bị kỹ, nôn nóng là không được, sai một chút là ảnh hưởng lớn.

Về một số bất cập, Chủ tịch Phan Văn Mãi cũng cho biết, phòng chống dịch và phục hồi kinh tế đôi khi nó mâu thuẫn nhau, phải giải quyết hài hòa.

"Ngay công tác chống dịch trong mấy tháng ở TP. HCM và kinh nghiệm của thế giới, không ai có thể nói trước được chuyện gì. Có thể tại thời điểm đó là phù hợp nhưng sau đó đã khác. Không thể nói nhận định đó sai mà phải có tính thời điểm", Chủ tịch UBND TP. HCM nói.

Hoàng Tuấn