Thái Nguyên tạo bứt phá kinh tế số theo hướng bền vững

16/08/2024 08:06

Thái Nguyên là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong việc nắm bắt cơ hội từ chuyển đổi số để kiến tạo động lực thu hút vốn FDI năm 2024.

Chuyển đổi số là “chìa khoá” để phát triển bền vững

thai nguyen tao but pha kinh te so theo huong ben vung hinh 1

Các lãnh đạo Thái Nguyên bấm nút khai trương Trung tâm Điều hành thông minh thứ 3 tại TP Sông Công. Ảnh: TN

Xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ, giải pháp quan trọng góp phần tạo động lực cho thu hút đầu tư FDI. Do đó, Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đã ban hành về chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, từ cấp tỉnh cho đến cấp huyện, xã đều thành lập ban chỉ đạo về chuyển đổi số; cán bộ, công chức, viên chức, đến người dân, doanh nghiệp đều ý thức được chuyển đổi số là xu thế tất yếu, tạo nên cách làm mới, cuộc sống mới và là cơ hội để bứt phá vươn lên.

Tỉnh Thái Nguyên cũng mời gọi, thu hút, liên kết với các tập đoàn, doanh nghiệp viễn thông lớn tham gia vào quá trình chuyển đổi số, như: Tập đoàn Viettel, Tập đoàn VNPT, Tập đoàn Saigontel - NGS…

Xác định phát triển hạ tầng viễn thông là nền tảng để thúc đẩy chuyển đổi số, đến nay, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 2.500 tuyến truyền dẫn nội tỉnh, 100% các tuyến sử dụng phương thức truyền dẫn cáp quang và được xây dựng đến hầu hết các xã, đảm bảo nhu cầu sử dụng dịch vụ internet băng rộng của người dân, với kết quả đạt được: 100% cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp, trường học, cơ sở y tế được kết nối internet băng rộng cố định. 99% khu vực dân cư được kết nối internet băng rộng (cáp quang và 3G, 4G).

Lần lượt các ứng dụng số thuốc đa dạng các lĩnh vực như: kinh tế, xã hội, chính trị được áp dụng triển khai như: C - Thái Nguyên, Sổ tay đảng viên, ThaiNguyen ID… Việc xây dựng, vận hành các cơ sở dữ liệu đã tạo nền tảng cho chính quyền số được quan tâm. 

Xác định chuyển đổi số bắt đầu từ con người, tỉnh Thái Nguyên đã rất quan tâm công tác đào tạo, nâng cao trình độ và kỹ năng chuyển đổi số. Cùng với công tác đào tạo, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tỉnh cũng chú trọng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, trong đó tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, giao thông, dịch vụ nhằm thu hút đầu tư FDI.

Mạng 5G đã chính thức có mặt tại Thái Nguyên là bước đột phá về phát triển nền tảng hạ tầng viễn thông công nghệ thông tin, mở ra cuộc cách mạng mới trong kỷ nguyên số, đó như một lời cam kết của tỉnh về việc đảm bảo hạ tầng hiện đại để đón chào các nhà đầu tư trên khắp thế giới, góp phần cụ thể hóa Nghị quyết về chuyển đổi số của tỉnh.

Với cơ sở hạ tầng kết nối tốt, Thái Nguyên là điểm đến ưu tiên của các hãng công nghệ tiên tiến, thu hút nhiều doanh nghiệp quốc tế lớn, đặc biệt là ngành điện tử.

Cơ hội đột phá mới để thu hút vốn FDI

thai nguyen tao but pha kinh te so theo huong ben vung hinh 2

Thái Nguyên chuyển đổi số để phát triển nhanh và bền vững. Ảnh: KT

Thời gian qua, việc thu hút FDI đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao đã đạt được những kết quả tích cực. Theo thống kê, trong 06 tháng đầu năm 2024, tổng doanh thu kinh tế số trên địa bàn tỉnh ước đạt 389 nghìn tỷ đồng, trong đó doanh thu ngành sản xuất các sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học ước đạt 370,3 nghìn tỷ đồng; doanh thu ngành sản xuất thiết bị điện ước đạt 18,85 nghìn tỷ đồng.

Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 700 doanh nghiệp chuyển đổi số, kinh tế số đóng góp 20% vào GRDP của tỉnh; đến năm 2030 có trên 3.000 doanh nghiệp công nghệ số, phấn đấu kinh tế số chiếm trên 30% GRDP của tỉnh, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%,...

Trong thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên xác định đẩy mạnh phát triển kinh tế số, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đón nhận làn sóng đầu tư thế hệ mới, tạo nền tảng thu hút các doanh nghiệp FDI đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt là ngành bán dẫn nhằm tạo nền tảng thúc đẩy phát triển và tạo ra các giá trị tăng trưởng mới cho kinh tế-xã hội địa phương.

Với những chủ trương, chính sách trong ưu đãi thu hút đầu tư cùng sự đồng thuận, ủng hộ của người dân, doanh nghiệp, tin tưởng rằng đây sẽ là bước đột phá mới nhằm mục tiêu xây dựng Thái Nguyên trở thành trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại vào năm 2030, bắt kịp xu thế phát triển chuyển đổi só, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế số theo hướng bền vững.  

Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp chuyển đổi số phù hợp với tình hình thực tế, hoạt động thu hút đầu tư, nhất là thu hút đầu tư nước ngoài đạt nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh Thái Nguyên có 9 dự án FDI được cấp mới với tổng số vốn đăng ký đạt 478,7 triệu USD, 5 lượt dự án tăng vốn với số vốn đăng ký đạt 19,3 triệu USD.

 Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 218 dự án FDI còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký đạt 11,2 tỷ USD. Cùng với đó, tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư cho 6 dự án với tổng số vốn 1.866 tỷ đồng; cấp quyết định chấp thuận nhà đầu tư cho 6 dự án với tổng số vốn 3.489 tỷ đồng; cấp giấy chứng nhân đăng ký đầu tư cho 1 dự án với số vốn 3.985,5 tỷ đồng...

Có thể nói, đóng góp của các doanh nghiệp FDI đã giúp Thái Nguyên tăng lên vị trí thứ 10/63 tỉnh, thành phố trong cả nước về thu hút vốn FDI. Đây là nguồn lực quan trọng và là chìa khóa cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhằm hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế số trong giai đoạn hiện nay.

P.V