Một tháng tác nghiệp trong tâm dịch: Hành trình của biết bao cung bậc cảm xúc

23/10/2021 06:53

(CLO) Xung phong tình nguyện vào công tác tại TP. Hồ Chí Minh để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, phóng viên Thi Uyên – Báo Điện tử VOV (vov.vn) có thêm nhiều kinh nghiệm cho hành trình nghề của mình. Nhưng quan trọng hơn đó là chuyến trải nghiệm của tuổi thanh xuân, được sống với nhiều cung bậc cảm xúc.

Trở thành "siêu F1"

Cuối tháng 8/2021, đúng lúc TP. Hồ Chí Minh bước vào đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19, Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức Lễ xuất quân của đoàn cán bộ, phóng viên tình nguyện vào công tác tại các tỉnh, thành phía Nam. 

Vì chưa có nhiều kinh nghiệm khi tác nghiệp trong điều kiện dịch bệnh, phóng viên Thi Uyên chuẩn bị các phương án, học hỏi kinh nghiệm của anh chị đồng nghiệp đi trước. Ban đầu chị đã có chút lo lắng khi lên đường, luôn hình dung ra những việc phải làm, những phương pháp phòng dịch… Tuy nhiên khi bước vào cuộc chiến thật sự đó, có rất nhiều tình huống phát sinh mà trước đó chị không thể ngờ tới.

mot thang tac nghiep trong tam dich hanh trinh cua biet bao cung bac cam xuc hinh 1

Phóng viên Thi Uyên – Báo Điện tử VOV có một tháng tác nghiệp trong tâm dịch, theo chị đó là hành trình của biết bao cung bậc cảm xúc. Ảnh: NVCC

Các thông tin sự kiện đều diễn ra rất nhanh, dồn dập, những con số thống kê thay đổi liên tục. Thi Uyên có mặt ở nhiều điểm nóng, nhiều hôm chị “thường trú” luôn trong các bệnh viện, “đuổi theo” các ca cấp cứu, đồng hành cùng quá trình làm việc của các y bác sỹ và chứng kiến những cảnh đau thương ngay trước mắt mình.

Thi Uyên chia sẻ: “Điều kiện tác nghiệp của chúng tôi hoàn toàn khác so với thông thường, chỉ cần sơ sẩy một chút là có thể trở thành F0, thành bệnh nhân ở nơi mình đang tác nghiệp. Giữ thói quen về sát khuẩn, khoảng cách, sử dụng khẩu trang 3M thường xuyên là điều quan trọng nhất”.

Dù đã hoàn thành nhiệm vụ, nhưng đối với những ngày tác nghiệp trong phòng cấp cứu ICU (nơi điều trị đặc biệt, có bệnh nhân cực kỳ nặng) là kỷ niệm khó quên nhất đối với nữ nhà báo Thi Uyên. Lần đầu tiên, chị mặc đồ bảo hộ kín mít, găng tay, khẩu trang, tấm chắn giọt bắn. Có những ngày, sau một tiếng chụp ảnh ghi hình, tháo đồ bảo hộ nước (mồ hôi) trong bao tay chảy ra róc rách và da đôi bàn tay nhăn đi từ lúc nào.

Sau khi tác nghiệp xong còn là khâu khử trùng máy móc, tuy nhiên điều khó khăn là có khử trùng nhiều đến đâu thì máy móc, thiết bị vẫn khó có thể sạch 100% vì bản thân các thiết bị có rất nhiều khe, kẽ, đây có thể nơi virus sinh sống thời gian dài hơn là bề mặt phẳng.

Nhớ lại thời gian ấy, Thi Uyên tâm sự “Chúng tôi tiếp cận F0 rất nhiều, thiết bị thu thanh và ghi hình là thứ để gần với F0 nhiều nhất, do các đầu thu thanh thường là xốp, mút nơi rất dễ để virus bám vào, mọi người trong đoàn nghĩ ra cách chế một lớp nilong mỏng để chùm lên. Việc này ảnh hưởng tới âm thanh được ghi lại, nhưng chúng tôi chấp nhận chất lượng kém đi để đảm bảo an toàn. Thời gian này vì tiếp xúc với toàn F0 nên nhiều người gọi chúng tôi là siêu F1”.

mot thang tac nghiep trong tam dich hanh trinh cua biet bao cung bac cam xuc hinh 2

Phóng viên Thi Uyên cùng nhiều đồng nghiệp "thường trú" trong phòng cấp cứu ICU (nơi điều trị đặc biệt, có bệnh nhân cực kỳ nặng). Ảnh: NVCC

Khó khăn bao quanh là vậy, nhưng đổi lại Thi Uyên và đồng nghiệp được sự hỗ trợ nhiệt tình của các y bác sỹ, đặc biệt là tình cảm nồng hậu từ những người dân miền Nam. 

Theo đuổi những đề tài

Ngoài những nguy hiểm trong khu điều trị F0 tại khu điều trị… thì việc đi ra ngoài cộng đồng cũng là mối nguy, vì lúc đó phần lớn đồ bảo hộ đã được bỏ ra, chỉ còn khẩu trang. Tiếp xúc với nhiều người ở bên ngoài cũng là mối lo ngại, nguy cơ cao hơn. Tuy nhiên những đề tài trong cộng đồng liên quan đến vấn đề an sinh xã hội lại rất cần để khai thác.

Thi Uyên theo đuổi hai đề tài gồm mai táng và việc triển khai các gói hỗ trợ an sinh xã hội, ngoài ra còn rất nhiều vấn đề khác. Để triển khai được các đề tài này bắt buộc phải ra ngoài cộng đồng tiếp xúc với người dân.

Có nhiều ngày tác nghiệp ở những xóm nghèo, phần lớn họ không có thu nhập trong thời gian dài, không chỉ hoàn thành các bài viết Thi Uyên còn trực tiếp kêu gọi hỗ trợ, trao tặng lương thực, đồ thiết yếu cho họ khi các nhóm thiện nguyện chưa đến được.

mot thang tac nghiep trong tam dich hanh trinh cua biet bao cung bac cam xuc hinh 3

Thi Uyên tác nghiệp tại phường Thạnh Xuân, quận 12, TP.HCM để thực hiện bài viết "TP.HCM triển khai gói an sinh xã hội lần 3, nhiều người dân vẫn chưa nhận được lần 1". Ảnh: NVCC

Thi Uyên chia sẻ: Có những lúc tôi cảm thấy tiếc khi mình chưa làm được hết, được nhiều hơn nữa hoạt động này, vì thời gian gấp, sức lực của một phóng viên cũng không thể cáng đáng được nhiều. Có lúc tôi ước mình giỏi hơn nữa, có nhiều sức lực hơn nữa để làm được nhiều hơn.

Trong đợt cao điểm tuyên truyền phòng chống dịch, các thành viên trong đoàn tình nguyện luôn phát huy được tinh thần đoàn kết gắn bó. Mọi người đều chia sẻ với nhau những câu chuyện sau một ngày đi tác nghiệp. Đặc biệt việc trao đổi về nghiệp vụ quay phim chụp ảnh, ghi âm, phỏng vấn. Các sản phẩm sau khi tác nghiệp về sẽ được đẩy lên nhóm để mọi người cùng có dữ liệu cho việc hoàn thành tác phẩm của mình, đáp ứng cho nhu cầu làm báo đa phương tiện.

“Tôi mới vào nghề không lâu, qua lần này tôi học hỏi được rất nhiều từ anh chị đồng nghiệp, đó như bài học từ thực tế, từ một cuộc chiến thật. Bên cạnh đó tôi cũng học được khả năng làm việc nhóm. Biết cách duy trì hoạt động chuyên môn và giữ gìn an toàn cho mình cũng như an toàn cho đồng nghiệp” Thi Uyên cho biết thêm.

Nín thở chờ kết quả xét nghiệm

Một tháng tác nghiệp tại tâm dịch cũng là những ngày tháng chị và đồng nghiệp đối mặt với nhiều mối lo, mối lo lớn nhất là mình sẽ trở thành F0 bất cứ khi nào. Như nhiều ngày tác nghiệp khác, hôm đó Thi Uyên đến một xóm trọ để phỏng vấn, trong đó có một gia đình có 8 người là F0, khi phỏng vấn nhân vật có chia sẻ về tình hình sức khỏe, điều kiện ăn ở sinh hoạt, điều trị…

mot thang tac nghiep trong tam dich hanh trinh cua biet bao cung bac cam xuc hinh 4

Thi Uyên đồng hành cùng y các sỹ trên những chuyến xe cấp cứu bệnh nhân. Ảnh: NVCC

“Hôm đó sau khi hoàn thành công việc, tôi có một đêm trằn trọc. Tôi trở mình liên tục, mồ hôi lạnh túa ra khắp người. Tôi hâm hẩm nóng và tê đầu lưỡi. Trong đầu tôi có suy nghĩ, lần này mình nhiễm thật rồi! Sáng hôm sau tôi đến một ICU để lấy mẫu test, bác sỹ dặn chiều nếu có vấn đề gì thì sẽ có người gọi, còn không có ai gọi nghĩa là âm tính rồi nhé! Nhưng chiều hôm đó tôi có rất nhiều số lạ gọi, chưa bao giờ tôi sợ nghe số lạ đến thế, nhưng cuối cùng may mắn là tất cả các cuộc gọi đều không liên quan đến kết quả của bệnh viện.” Thi Uyên nhớ lại.

Một tháng ở tâm dịch, Thi Uyên đã có nhiều loạt bài, phóng sự, hình ảnh giúp cho khán thính giả được trải nghiệm cùng chị những câu chuyện sống động về một mùa dịch với rất nhiều những cung bậc cảm xúc. Chị cho rằng: "Đây không phải là một chuyến đi siêu phàm. Vì so với nhân viên y tế, những gì tôi cống hiến chỉ là con cá nhỏ bơi giữa đại dương. Đây chỉ là phần việc mà những người làm nghề như tôi cần làm, cần học".

Chưa lập gia đình, giống như nhiều y bác sỹ, phóng viên trẻ từ Bắc vào tâm dịch, Thi Uyên mong muốn góp một phần tuổi trẻ của mình để chung tay cùng TP. Hồ Chí Minh đẩy lùi dịch bệnh COVID-19. 

Giống như đồng nghiệp, phóng viên Thi Uyên chỉ nghĩ đơn giản là mình còn trẻ thì còn cố gắng nhiều hơn, luôn giữ vững trách nhiệm của người làm báo, trách nhiệm của công dân đối với đất nước và luôn mang tinh thần xung kích của tuổi trẻ đi muôn nơi.

Nguyên Phong- Trường Sơn