Những bài học rút ra sau nhiều lần đường sắt Cát Linh - Hà Đông “trễ hẹn”

04/11/2021 17:22

(CLO) Khó khăn trong hệ thống quy định pháp luật về dự án theo hợp đồng trọn gói (EPC) theo tiêu chuẩn FDIC của Việt Nam chưa đồng bộ, chưa có kinh nghiệm,... và đặc biệt là những vướng mắc trong giải phóng mặt bằng đã khiến đường sắt Cát Linh - Hà Đông chậm tiến độ.

Tại buổi họp báo cung cấp thông tin, kế hoạch bàn giao, khai thác vận hành giai đoạn đầu tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông vào chiều 4/11, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, dự án chậm trễ do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan.

nhung bai hoc rut ra sau nhieu lan duong sat cat linh  ha dong tre hen hinh 1

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông và Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn thông tin về những khó khăn khi thực hiện dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông

“Đây là dự án đường sắt đô thị đầu tiên và là dự án thí điểm, kéo dài nên sẽ không lường trước được những phát sinh. Bài học đầu tiên là chúng ta chưa có tiêu chuẩn về đường sắt đô thị.

Thứ hai là chuẩn bị đầu tư chưa tốt, chưa lường hết được nên phải điều chỉnh bổ sung, trình cấp thẩm quyền nên mất nhiều thời gian”, Thứ trưởng Bộ GTVT nói.

Bên cạnh đó với dự án phức tạp trong đô thị như đường sắt Cát Linh - Hà Đông công tác giải phóng gặp nhiều khó khăn. Đơn cử như dự án Cát Linh - Hà Đông thi công, lắp đặt 3 năm là xong nhưng khởi công khi chưa có mặt bằng để khảo sát thiết kế nên kéo dài.

Hiện các cấp có thẩm quyền đang đề xuất tách giải phóng mặt bằng thành dự án riêng, xong mặt bằng mới triển khai thi công xây lắp.

“Thứ nữa là hệ thống quy định pháp luật về dự án theo hợp đồng trọn gói (EPC) theo tiêu chuẩn FDIC của Việt Nam chưa đồng bộ. Hợp đồng EPC tổng thầu làm tất cả từ thiết kế đến khi bàn giao khai thác. còn của ta thì chủ đầu tư lại phê duyệt dự toán, thiết kế.

Đội ngũ cán bộ lần đầu làm dự án này chưa có kinh nghiệm cũng là một trong những nguyên nhân khiến dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông chậm tiến độ”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết thêm.

Theo quy định của pháp luật, chủ đầu tư chịu trách nhiệm chung khi dự án chậm trễ. Chủ đầu tư đã làm không tốt công tác chuẩn bị đầu tư, nghiệm thu dự án chưa thông suốt. Bộ GTVT sẽ mổ xẻ để làm rõ trách nhiệm của từng đơn vị, từng phần việc và xử lý theo quy định của pháp luật.

nhung bai hoc rut ra sau nhieu lan duong sat cat linh  ha dong tre hen hinh 2

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã để lại nhiều bài học trong công tác thực hiện các dự án giao thông trọng điểm

Chia sẻ thêm về những khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn khẳng định, không chỉ những công trình giao thông mà những công trình khác, trong suốt quá trình thực hiện cơ chế chính sách về giải phóng mặt bằng, tái định cư, bồi thường đều vô cùng phức tạp.

Các dự án đường sắt thì có Luật đường sắt, vì thế cơ chế chính sách khi có khiếu nại tố cáo phải giải quyết theo rất nhiều luật liên quan.

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông là công trình xuyên tâm, đi từ trung tâm nội đô tới ngoài vành đai, lại là tuyến đi nổi nên việc chậm trễ giải phóng mặt bằng do liên quan tới rất nhiều vấn đề.

Hà Nội là địa phương chịu trách nhiệm trong công tác giải phòng của dự án. Thành phố và các quận đã rất cố gắng, dự án chậm 5 - 6 năm thì riêng giải phóng mặt bằng cũng mất tới 3 năm. Dự án sẽ là bài học rất lớn cho các dự án tiếp theo, Phó chủ tịch Dương Đức Tuấn đề cập.

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông có chiều dài khoảng 13 km với tổng mức đầu tư ban đầu năm 2008 là 8.769 tỷ đồng. Đến năm 2017, tổng vốn đầu tư là 18.000 tỷ đồng, tăng 9.231 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư được duyệt ban đầu. Dự án sử dụng vốn vay của Chính phủ Trung Quốc và vốn đối ứng trong nước.

Sau nhiều lần lùi thời gian khai thác đến tháng 3/2021, dự án đã cơ bản hoàn thành các hạng mục xây lắp, lắp đặt thiết bị. Ngày 6/11 tới, Bộ GTVT sẽ bàn giao dự án cho Hà Nội để Thành phố đưa vào vận hành khai thác.

Thế Anh