Các nhà máy xử lý rác sẽ bị thu hồi nếu chậm tiến độ
(CLO) Chiều 9/12, HĐND TP Hà Nội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn với nhóm vấn đề thứ 2 là thúc đẩy thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn Thành phố. Nhiều đại biểu đã phản ánh về việc nhiều nhà máy xử lý rác thải trên địa bàn Hà Nội chậm tiến độ.
Đại biểu Phạm Thị Hải Hoa hỏi Sở Giám đốc Sở KHCN về việc các nhà đầu tư còn lúng túng trong việc lựa chọn công nghệ, dẫn đến các dự án nhà máy xử lý rác thải rắn chậm tiến độ. Đề nghị Giám đốc Sở KHCN cho biết định hướng của Thành phố về công nghệ đối với các dự án xử lý rác thải rắn trên địa bàn Thủ đô.

ĐB Vũ Ngọc Anh chất vấn. Ảnh: KTĐT
Đại biểu Trần Khánh Hưng hỏi Giám đốc Sở Xây dựng về nhà máy rác tại thị xã Sơn Tây đã được UBND TP cho chủ trương đầu tư từ tháng 6/2020. Qua khảo sát thực tế, nhà đầu tư không có cơ sở vay vốn để thực hiện dự án.
Đại biểu Vũ Ngọc Anh hỏi Giám đốc Sở Xây dựng dự án nhà máy xử lý rác núi Thoong, huyện Chương Mỹ có nhiều nội dung phù hợp với thực tế nhưng chưa phù hợp với quy hoạch xử lý rác thải rắn của Thành phố được phê duyệt từ năm 2014.
Trả lời đại biểu Phạm Thị Hải Hoa về dự án nhà máy xử lý rác thải rắn chậm tiến độ, Giám đốc Sở KH&ĐT Đỗ Anh Tuấn cho biết, dự án nhà máy xử lý rác thải rắn ở Phú Xuyên chậm tiến độ do nguyên nhân mặt bằng. Sau đó, Thành phố có chủ trương chuyển đổi công nghệ, tăng quy mô diện tích từ 4,8ha lên 20ha. Công ty Cổ phần Môi Thăng Long đã liên hệ với huyện Phú Xuyên, cam kết thực hiện GPMB.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Đỗ Anh Tuấn trả lời chất vấn các đại biểu HĐND TP. Ảnh: HĐND Hà Nội.
"Do công tác GPMB để kéo dài, và do kinh nghiệm triển khai của chủ đầu tư, dẫn đến chưa đảm bảo tiến độ dự án,... Thành phố đã yêu cầu chủ đầu tư có phương án triển khai, cam kết tiến độ", ông Đỗ Anh Tuấn cho biết.
Cũng theo ông Tuấn, qua báo cáo thẩm định, đề xuất chủ trương đầu tư của chủ đầu tư chưa đảm bảo theo quy định, Sở KH&ĐT đã 3 lần yêu cầu chủ đầu tư hoàn thiện thủ tục, chủ đầu tư nêu lý do dịch bệnh.
"Quá hạn thời gian do với yêu cầu của Thành phố, tới đây, chúng tôi sẽ xử phạt hành chính, và nếu tiếp tục chậm trễ lần 2, chúng tôi sẽ kiến nghị Thành phố thu hồi dự án", ông Tuấn nhấn mạnh.
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn cho biết, các dự án xử lý chất thải rắn đều đã được Sở thực hiện theo Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017 và các văn bản hướng dẫn, theo 2 giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư.
Đối với các công nghệ điều chỉnh thực hiện ở giai đoạn quyết định đầu tư, theo quy định việc thẩm định phải căn cứ quyết định chủ trương đầu tư, do đó trong quá trình thực hiện các dự án kéo dài thường các công nghệ ở giai đoạn chủ trương đầu tư đã cũ phải điều chỉnh. Với những dự án đủ điều kiện và thủ tục đã phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, Sở thực hiện theo đúng quy trình không có vướng mắc gì.

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hồng Sơn trả lời chất vấn các đại biểu HĐND TP. Ảnh: HĐND Hà Nội.
"Một số dự án hiện chưa thẩm định về công nghệ vì chưa được phê duyệt lại chủ trương đầu tư và điều chỉnh chủ trương đầu tư, nên chưa có căn cứ để thực hiện thẩm định cho ý kiến về công nghệ - chúng tôi đều đã hướng dẫn nhà đầu tư phối hợp Sở KH&ĐT để phê duyệt lại chủ trương đầu tư", Nguyễn Hồng Sơn nói.
Trả lời chất vấn về nhà máy điện rác Seraphin trên địa bàn thị xã Sơn Tây và huyện Ba Vì, Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho biết nhà máy này có công suất 1.500 tấn ngày đêm, sử dụng công nghệ đốt rác phát điện. Ngay khi Thành phố có quyết định 2485, Thành phố đã chỉ đạo sở thành lập tổ công tác đàm phán hợp đồng xử lý rác thải. Sở đã cơ bản hoàn thành đàm phán với nhà đầu tư, tuy nhiên còn một vài khó khăn vướng mắc như phương thức hợp đồng, thời hạn.
“Sở Xây dựng đã chủ động chuẩn bị đầu tư như chuẩn bị mặt bằng, các thỏa thuận đấu nối hạ tầng, thẩm định hồ sơ thiết kế cơ sở, với cả tiến độ nhà đầu tư cam kết, dự kiến công trình sẽ khởi công trong quý I/2022” – ông Võ Nguyên Phong nói.
Lãnh đạo Sở Xây dựng cũng cho biết nhà máy xử lý rác Núi Thoong, công nghệ tại thời điểm đó là phân loại, tách ủ, công nghệ đã lạc hậu, trong quá trình triển khai thực hiện gặp phải chưa đồng thuận của người dân, chậm giải phóng mặt bằng. Thành phố đã giao xem xét lại công nghệ, tập trung tuyên truyền, thuyết phục người dân.
Qua tuyên truyền và đưa người dân đi tham quan các nhà máy xử lý, người dân đã đồng thuận nên đã GPMB được 10,3 ha. Hiện nhà đầu tư đề xuất điều chỉnh chủ trương là phát điện sử dụng lò đốt của Đức, nâng công suất lên 2.000 tấn, phù hợp với định hướng của Thành phố và diện tích GPMB và vị trí của nhà máy xa khu dân cư, đã có đường đi vào khu xử lý.

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Trọng Đông phát biểu tại phiên chất vấn
Trong quá trình, thẩm định, báo cáo UBND Thành phố, giao Sở Xây dựng nghiên cứu rà soát quy hoạch chuyên ngành để đề xuất thỏa mãn các yêu cầu để điều chỉnh quy hoạch. Văn bản Thành phố giao nhiệm vụ, Sở xây dựng đã làm việc đơn vị của Bộ Xây dựng để xem xét tiến độ của nhà máy xử lý chất thải rắn để triển khai khu ở Đồng Ké ở Chương Mỹ.
Sở Xây dựng sẽ phối hợp với UBND huyện Chương Mỹ các sở ngành rà soát tổng công suất xử lý rác trên địa bàn, để đề xuất nâng công suất điều chỉnh quy hoạch. Sở cũng phối hợp địa phương để thông tin để người dân hiểu, ủng hộ các dự án xử lý rác thải trên địa bàn, đẩy nhanh tiến độ GPMB đáp ứng việc xây dựng kịp tiến độ.
Tham gia trả lời chất vấn, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Trọng Đông cho biết, trung bình mỗi ngày Hà Nội thu gom khoảng 7.000 tấn rác thải sinh hoạt. Hiện nay, nhà máy xử lý rác thải bằng công nghệ tiên tiến ở Sóc Sơn tiến độ chậm.
Thời gian qua, Thành phố đã chỉ đạo triển khai các nhà máy xử lý rác thải, và tới đây, Thành phố giao Sở Xây dựng chủ trì, rà soát lại quy hoạch các khu chứa rác thải trên địa bàn TP; quý I/2022 có thể phê duyệt được điều chỉnh.
Đối với dự án nhà máy xử lý rác thải triển khai ở Phú Xuyên, đề nghị Sở KH&ĐT kiểm tra năng lực nhà đầu tư, nếu Công ty Môi trường Thăng Long không đảm bảo yêu cầu, có thể thu hồi lại dự án.