Giáo dục 2021: Thích ứng & vượt khó
(NB&CL) Năm 2021 là năm đầy thử thách đối với toàn ngành Giáo dục. Rất nhiều khó khăn, thử thách đặt ra đối với thầy và trò, tuy nhiên chất lượng giáo dục đại trà, mũi nhọn vẫn được giữ vững. Có được kết quả đó là nhờ sự nỗ lực vượt khó của thầy và trò cả nước.
Thấy sóng cả nhưng không ngã tay chèo
Năm 2021, đại dịch COVID-19 lây lan trên diện rộng, có thời điểm cả nước có 25 tỉnh, thành chỉ tổ chức dạy học trực tuyến và qua truyền hình, 15 tỉnh, thành kết hợp cả dạy học trực tiếp, trực tuyến và qua truyền hình.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nhận định: “Ngành giáo dục là một trong những ngành chịu tác động ảnh hưởng tiêu cực nhiều nhất trong đại dịch COVID-19”. Khó khăn thách thức lớn như vậy nhưng Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn vẫn kiên định: “Mọi sự điều chỉnh linh hoạt để thích ứng với dịch bệnh, đảm bảo an toàn trên cơ sở không thay đổi mục tiêu đảm bảo chất lượng. Lương tâm và trách nhiệm không thay đổi. Bất biến vấn đề chuẩn đầu ra và chất lượng, vạn biến về phương pháp”.

Năm 2021 là một năm học đi vào lịch sử giáo dục nước nhà khi quy mô dạy và học trực tuyến lớn nhất, kéo dài nhất chưa từng có trong tiền lệ.
Đến thời điểm này có thể khẳng định, năm 2021 là năm mà thầy trò cả nước đã vượt khó thành công khi có 100% học sinh tiểu học, THCS, THPT đã hoàn thành chương trình giáo dục. 96,88% thí sinh dự thi đợt 1 hoàn thành tốt nghiệp THPT. 12.000 học sinh thuộc diện xét đặc cách tốt nghiệp được tạo điều kiện để tham gia xét tuyển đại học. 37/37 học sinh Việt Nam tham gia các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế đều đoạt giải với 12 Huy chương Vàng, 13 Huy chương Bạc, 10 Huy chương Đồng và 2 Bằng khen.
Giáo dục đại học có 5 cơ sở lọt vào top các đại học tốt nhất thế giới theo các bảng xếp hạng quốc tế có uy tín, vượt mục tiêu năm 2025 của Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019-2025. Số lượng công bố quốc tế của các cơ sở giáo dục đại học gia tăng nhanh. Chính sách tự chủ cũng tạo đà cho giáo dục đại học phát triển, cung cấp cho người học những chương trình và môi trường học tập chất lượng, đáp ứng các yêu cầu ngày càng đa dạng về nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao của xã hội.
Có được thành tích như vậy là kết quả của nỗ lực của thầy và trò cùng với sự linh hoạt trong điều chỉnh kế hoạch học tập. Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn, trong năm qua, ngành Giáo dục đã vận dụng linh hoạt hình thức dạy học trực tuyến và học qua truyền hình, tinh giản chương trình giáo dục phổ thông học kỳ II, điều chỉnh quy định đánh giá cuối năm học. Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch COVID-19, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 được tổ chức thành 2 đợt, thí sinh bị ảnh hưởng bởi COVID-19 được bổ sung vào đối tượng được xem xét đặc cách tốt nghiệp THPT.
Với thầy trò cả nước, để đạt được thành tựu là điều không hề dễ dàng bởi những khó khăn trong việc triển khai dạy học trực tuyến. Nhiều người đánh giá, dạy học trên bục giảng đã khó, dạy học qua màn hình máy tính còn là một “trận đánh” khó gấp nhiều lần, thách thức trí tuệ, ý chí của những người đang ở trên tuyến đầu ngành giáo dục trong năm qua.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội – bà Nguyễn Thị Mai Hoa nhấn mạnh, để có giờ dạy trực tuyến, các thầy cô đã cố gắng gấp 200 - 300% so với giảng dạy trực tiếp. Nhiều người đã ví von, nếu trước đây “bục giảng dưới hầm sâu em cũng là chiến sĩ” thì bây giờ không phải là ở dưới hầm sâu nữa mà ngay tại trong nhà các thầy cô giáo kiên cường chống dịch bằng các bài giảng đầy tâm huyết và họ cũng xứng đáng là những chiến sĩ trên mặt trận tri thức.
Trước những nỗ lực của thầy và trò, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định, kết quả mà ngành đạt được là rất lớn so với khả năng, điều kiện của nền kinh tế nước ta, nhờ sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự tham gia của hệ thống chính trị và của nhân dân. Những năm gần đây, thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới toàn diện, căn bản giáo dục và đào tạo, các quy định của Nhà nước, ngành đã có nhiều đổi mới, đạt được nhiều thành tựu cơ bản. Chất lượng giáo dục phổ thông, giáo dục đại học, đào tạo nghề được nâng lên.
Loại bỏ những tồn tại để tiến về phía trước
Giáo dục là vấn đề quốc sách, hệ trọng với từng gia đình. Vì thế, những đòi hỏi từ xã hội đối với ngành giáo dục chưa bao giờ dừng lại. Trong năm qua, bên cạnh những vấn đề đạt được thì còn đó còn nhiều vấn đề cần khắc phục, cần nỗ lực của toàn ngành mới có thể thay đổi.
Chất lượng sách giáo khoa được nhiều người quan tâm, chất lượng dạy học trực tuyến vẫn còn nhiều khó khăn khi nhiều học sinh vẫn không có thiết bị học tập, đường truyền mạng yếu, hay như câu chuyện thừa thiếu giáo viên cục bộ. Vấn đề “học thật, thi thật, nhân tài thật” cũng được cả xã hội quan tâm. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng: “Việc xử lý các hiện tượng tiêu cực trong ngành, trong đó có tình trạng “chạy trường, chạy lớp”. Điều này, không thể vội vàng, nôn nóng, giải quyết trong ngày một ngày hai, nhưng cũng không thể trì trệ, cầu toàn. Phải có lộ trình, bước đi cụ thể, phù hợp, thiết kế quy chế, quy định, công cụ luật pháp để ngăn chặn, đẩy lùi tiêu cực trong ngành, đi đôi với kiểm tra, giám sát”.

Một trong những vấn đề được xã hội quan tâm trong năm qua đó là việc có tới 3 nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo ở Thanh Hóa, Quảng Ninh, Điện Biên bị khởi tố liên quan đến sai phạm trong đấu thầu thiết bị dạy học khi họ còn tại vị. Trong bối cảnh, toàn ngành Giáo dục triển khai quyết liệt đổi mới, thay đổi chương trình sách giáo khoa thì việc tham nhũng trong giáo dục đang là vấn đề cần phải được ngăn chặn sớm nếu không hệ lụy sẽ rất lớn.
Trong thi cử đã chứng kiến hiện tượng thủ khoa cũng có thể trượt đại học. Điều này cho thấy, chất lượng tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT còn nhiều vấn đề cần cải tiến. Trên Nghị trường Quốc hội, vấn đề này đã được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, cần đúc rút kinh nghiệm tổ chức kỳ thi phổ thông trung học quốc gia năm 2021, sớm hoàn thiện tổ chức thi tốt nghiệp phổ thông trung học và tuyển sinh đại học cao đẳng năm 2022. Tăng cường phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước và trách nhiệm triển khai của Bộ Giáo dục & Đào tạo, các địa phương, cơ sở giáo dục trong đào tạo, tổ chức thi và tuyển sinh.
Năm 2022 sắp tới, dịch bệnh có thể còn kéo dài, khó khăn thách thức phía trước đối với ngành Giáo dục sẽ còn rất lớn. Nhưng từ những thành quả đã giành được trong năm 2021 có thể tin rằng năm 2022, giáo dục đổi mới thành công, tiếp tục đóng góp vào thành tựu chung của đất nước trong thích ứng với đại dịch COVID-19.
Trinh Phúc