Phó Giáo sư Lê Quý Đức: "Không nên cho phép quan hệ tình dục giữa thầy và trò khi còn là sinh viên"

04/01/2022 13:44

(CLO) Theo Phó Giáo sư Lê Quý Đức, quan hệ tình dục giữa thầy và trò trong đạo đức xưa là cấm kỵ. Ngày nay, trong văn hóa học đường cũng cần có chuẩn mực để “thầy ra thầy, trò ra trò”.

Thời gian qua, phong trào Me Too (nữ sinh tố thầy giáo lạm dụng tình dục, lừa tình) xảy ra tại nhiều trường đại học khiến dư luận rất bức xúc.

Mới đây nhất là câu chuyện cựu nữ sinh trường Đại học Y Hà Nội tố giác Hiệu trưởng lừa tình, chiếm đoạt đời con gái. Tuy nhiên, thông tin từ phía nhà trường cho rằng, câu chuyện này đã xảy ra từ năm 2013 khi đó Hiệu trưởng vẫn chưa có vợ.

Vụ việc tố giác liên quan đến Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội hiện chưa có kết luận từ phía cơ quan chức năng nhưng đã nảy sinh ra vấn đề liên quan đến văn hóa học đường, về giới hạn trong tình cảm giữa thầy và trò.

Câu hỏi đặt ra lúc này, có chấp nhận đời sống phóng túng của người thầy khi có quan hệ tình dục với học trò một cách vô tư hay không. Chuyện quan hệ tình cảm, tình dục có nên được thừa nhận công khai trong môi trường giáo dục đại học?

pho giao su le quy duc khong nen cho phep quan he tinh duc giua thay va tro khi con la sinh vien hinh 1

Phó Giáo sư Lê Quý Đức.

Xung quanh tranh luận này, phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đã có trao đổi với PGS. Lê Quý Đức  (nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh).

Theo PGS. Lê Quý Đức quan hệ giữa thầy và trò về mặt tình dục, nam nữ, giới tính đúng là vấn đề phức tạp hiện nay. Nó diễn ra vừa công khai vừa vụng trộm.

Giữa quan niệm đạo đức trước đây và quan niệm đạo đức ngày nay, giữa quan niệm đạo đức và luật pháp vẫn còn xung đột, chưa thống nhất.

Ở khía cạnh luật pháp, người trưởng thành thì tự nguyện luật pháp không cấm được nhưng về mặt xã hội quan hệ tình dục giữa thầy và trò dư luận vẫn kỳ thị, lên án mạnh mẽ.

Nếu trong chuyện tình dục mà thầy chủ động, học trò chủ động để đổi tình lấy điểm thì càng bị lên án dù đạo đức mới hay cũ. Nếu tự nguyện với nhau về mặt đạo đức vẫn còn bị dị nghị, lên án. Còn về luật pháp hiện không cấm đoán.

“Điều này phải nghiên cứu kỹ, để đưa ra quy định mối quan hệ tình dục, giới tính giữa thầy và trò.

Nhân chuyện vụ việc ở Trường Đại học Y Hà Nội thì cũng cần nghiên cứu, đưa ra quan niệm nó phù hợp, giữa pháp luật và đạo đức để quy định mối quan hệ này” – PGS. Lê Quý Đức nhấn mạnh.

Cũng theo PGS. Lê Quý Đức, theo quan niệm đạo đức cũ thì thầy sẽ không bao giờ lấy trò được. Trò xưng con (mượn quan hệ huyết thống), quan hệ thầy trò như cha với con. Do đó, phương diện đạo đức thì người ta cấm quan hệ tình dục, giới tính giữa thầy và trò.

Hiện nay, vấn đề quan hệ tình dục giữa thầy và trò có phải phạm đạo đức không thì luật pháp và đạo đức vẫn chưa bàn luận kỹ. Do đó, cần phải bàn kỹ, phải được quan tâm, nghiên cứu của nhiều ngành khoa học như tâm lý học, đạo đức học, luật học.

Quan hệ tình dục giữa thầy và trò đã diễn ra trong xã hội, câu chuyện đổi tình lấy tiền là vi phạm nghiêm trọng về đạo đức. Còn vấn đề phóng túng, tự nguyện cũng cần phải bàn có chấp nhận hay không?

Trong xây dựng văn hóa học đường, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn từng đề cập “thầy phải ra thầy, trò phải ra trò”, nhiều người đặt ra liệu có chấp nhận việc giữa người thầy và trò trao đổi tình dục tự nhiên, vô tư, phóng túng.

Bình luận thêm, theo thầy Lê Quý Đức nhấn mạnh, nếu yêu đương chính đáng, đi đến hôn nhân giữa sinh viên với thầy giáo không có gì phải phản đối.

Nhưng sinh viên và thầy giáo cũng phải “thầy ra thầy, trò ra trò”, họ phải tuân thủ các quy định đạo đức, các quy định có tính chất pháp luật của nhà nước.

Trong vấn đề tình dục, tình yêu đối với học sinh phổ thông cấm kỵ tuyệt đối yêu đương giữa thầy và trò.

Còn thầy giáo với sinh viên đại học, nếu yêu nhau chân chính, nghiêm túc thì nhà trường cũng không nên cho phép quan hệ tình dục diễn ra trong khi còn là sinh viên.

Trinh Phúc