Có địa phương chưa giải quyết được tình trạng “có sóng, có tiền, có em nhưng không có máy”

07/01/2022 19:15

(CLO) Về gói hỗ trợ là 1.000 tỷ chương trình "Sóng và máy tính cho em", đại biểu Quốc hội Châu Quỳnh Dao - Kiên Giang thấy rằng, vẫn chưa đủ, bởi bất cập trong thực tế là đến gần hết học kỳ có địa phương vẫn không thể nào giải quyết được tình trạng “có sóng, có tiền, có em nhưng không có máy”.

Góp ý thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Châu Quỳnh Dao - Kiên Giang ủng hộ chính sách tài khóa, tiền tệ của Chính phủ và rất trân trọng những nỗ lực, tinh thần trách nhiệm của Chính phủ trong việc đề ra một quyết sách ảnh hưởng đến vận mệnh của dân tộc, đó là vấn đề phát triển kinh tế.

Cần có giải pháp cụ thể về cơ chế đấu thầu

Qua nghiên cứu báo cáo, đại biểu Châu Quỳnh Dao nêu 2 vấn đề băn khoăn:

Thứ nhất, đó là chương trình "Sóng và máy tính cho em", gói hỗ trợ là 1.000 tỷ. Trong báo cáo giải trình của Chính phủ chỉ là chỉ đạo, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát, cấp phép đúng đối tượng, đại biểu cho rằng vẫn chưa đủ. Bởi vì bất cập trong thực tế là đến gần hết học kỳ có địa phương vẫn không thể nào giải quyết được tình trạng “có sóng, có tiền, có em nhưng không có máy”, do cơ chế đấu thầu và do nguồn cung không đáp ứng. Do đó, Chính phủ cần có giải pháp cụ thể về cơ chế đấu thầu, về kích thích nguồn cung để giải quyết vấn đề này.

Theo đại biểu Dao, nếu như rà soát đúng đối tượng thì chưa đủ, phải có một giải pháp đó chính là chú ý chất lượng của máy, không phải vì từ thiện mà chúng ta chọn máy giá rẻ, ảnh hưởng đến chất lượng, không đảm bảo tiêu chuẩn sẽ ảnh hưởng đến thị lực, sức khỏe, sự an toàn và chất lượng học tập của các cháu.

co dia phuong chua giai quyet duoc tinh trang co song co tien co em nhung khong co may hinh 1

Đại biểu Châu Quỳnh Dao (đoàn Kiên Giang) - ảnh: Quang Vinh

Thêm vào đó, phải ban hành cơ chế giám sát, kiểm tra và hỗ trợ các em, điều này phân cấp và giao trách nhiệm cho địa phương, cho nhà trường cụ thể. Bởi vì sợ trường hợp các em khó khăn, gia đình các em đem bán lại chiếc máy đó để giải quyết vấn đề cơm áo gạo tiền trước mắt, như vậy mình sẽ không đạt được mục tiêu lâu dài.

Một điểm nữa, đại biểu cho rằng phải phân công những thầy, cô có năng lực về công nghệ thông tin, thường xuyên hỗ trợ để đảm bảo làm sao vận hành xuyên suốt, phát huy được tối ưu của việc dạy học trực tuyến.

Một vấn đề nữa, chương trình "Sóng và máy tính cho em" sẽ không thể nào thực hiện tốt, hiệu quả của chính sách sẽ không có khi không tích hợp đồng bộ giữa xây dựng chương trình, phương pháp giảng dạy, phương pháp kiểm tra, đánh giá phù hợp với môi trường số. Do đó, chúng ta cần phải xây dựng một chiến lược giáo dục trực tuyến và trong đó chú ý đào tạo đội ngũ làm sao đáp ứng được yêu cầu của một nền giáo dục số - đại biểu nêu quan điểm.

Kiến nghị chính sách khuyến khích nhân viên y tế, cán bộ y tế cấp cơ sở

Theo đại biểu Châu Quỳnh Dao - Kiên Giang, đại dịch COVID-19 cũng là một phép thử về tầm quan trọng và những điểm yếu bộc lộ của y tế cơ sở và y tế dự phòng, đó là chất lượng đội ngũ, đó là vấn đề tài chính và đó là vấn đề cơ sở vật chất. Một bất cập nữa chúng ta thấy là việc khó thu hút được nhân viên xuống cơ sở để làm, bởi vì cùng là thiên thần áo trắng, cùng là một số năm công tác như nhau nhưng đẳng cấp, vị thế của bác sĩ công tác tại bệnh viện so với bác sĩ công tác tại y tế cơ sở rất khác nhau về trình độ chuyên môn, về kỹ năng nghiệp vụ và về thu nhập.

Qua đó, đại biểu kiến nghị: Thứ nhất, Chính phủ cần có chính sách khuyến khích nhân viên y tế, cán bộ y tế cấp cơ sở được học tập nâng cao trình độ, được hỗ trợ kinh phí, được hỗ trợ về mặt thời gian để tạo cơ hội thăng tiến.

Thứ hai, về đảm bảo có thêm thu nhập bằng cách là khuyến khích xã hội hóa các hoạt động y tế trong khu vực là y tế dự phòng từ trạm y tế, trung tâm y tế cho đến trung tâm kiểm soát dịch bệnh. Chúng ta cần mở rộng thêm loại hình chăm sóc sức khỏe gia đình. Bởi vì xu thế hiện nay người bị mắc bệnh mãn tính, người già, người không tiện đi lại rất cần loại hình này hay kích thích làm sao cung ứng những dịch vụ hỗ trợ trong y tế, chăm sóc y tế và phòng, chống bệnh. Đây là những điểm có thể tăng thêm thu nhập cho nhân viên y tế cơ sở và giữ chân, để yên tâm phát triển tay nghề để phục vụ tốt hơn cho người dân - đại biểu cho biết.

Một điểm nữa, đại biểu cho rằng trong việc bình xét thi đua danh hiệu cao quý, thầy thuốc nhân dân, thầy thuốc ưu tú cũng cần có cơ chế và một cái nhìn thoáng hơn đối với những y, bác sĩ công tác tại vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chịu rất nhiều thiệt thòi và không có cơ hội để nghiên cứu khoa học trong điều kiện rất thiếu thốn, khó khăn về tài chính, về những hạ tầng khác.

Thành Vinh