Đàm phán chậm, khiến hàng nông sản Việt phải đi theo đường tiểu ngạch

12/01/2022 17:26

(CLO) Theo lãnh đạo của Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương: Dù Việt Nam có nhiều hiệp định thương mại với Trung Quốc, thế nhưng quá trình đàm phán về chất lượng còn chậm, nên số lượng sản phẩm được công nhận xuất khẩu còn rất hạn chế.

Trong buổi họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương, diễn ra vào chiều 12/1, bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết: Việc ùn ứ hàng nông sản trong thời gian qua xuất phát từ 2 nguyên nhân chính.

Thứ nhất, cuối năm 2021, phía Trung Quốc tạm dừng thông quan ở hầu hết các cửa khẩu, dọc biên giới phía Bắc. Trong khi đó, một số ít cửa khẩu mở cửa, nhưng quy trình giao nhận hàng hóa rất chặt chẽ, để bảo đảm công tác kiểm soát dịch bệnh.

dam phan cham khien hang nong san viet phai di theo duong tieu ngach hinh 1

Dù Việt Nam có nhiều hiệp định thương mại với Trung Quốc, thế nhưng quá trình đàm phán về chất lượng còn chậm, nên số lượng sản phẩm được công nhận xuất khẩu còn rất hạn chế.

Thứ hai, về phía Việt Nam cũng đang tồn tại nhiều nguyên nhân khách quan, và xuất phát từ những điểm yếu cố hữu đã tồn tại từ lâu trong việc sản xuất và xuất khẩu nông sản.

Trong đó, Việt Nam chưa giám sát chặt chẽ tín hiệu và nhu cầu của thị trường nhập khẩu, dẫn đến hiện tượng cung thừa cầu. Bên cạnh đó, hàng nông sản của Việt Nam chưa được quan tâm đúng mức về việc truy xuất nguồn gốc đăng ký. 

Vì vậy, cho tới nay, mới chỉ có 9 mặt hàng nông sản được xuất khẩu chính ngạch, trong khi đó, các mặt hàng khác đều phải đi tiểu ngạch, phải đi qua biên giới để xuất khẩu sang Trung Quốc. Việc phải xuất khẩu qua đường tiểu ngạch đã khiến các doanh nghiệp, tiểu thương phải đối mặt với rất nhiều rủi ro.

“Mặc dù chúng ta có nhiều hiệp định thương mại với Trung Quốc, thế nhưng quá trình đàm phán về chất lượng còn chậm, nên số lượng sản phẩm được công nhận xuất khẩu còn rất hạn chế. Bên cạnh đó, quá trình đàm phán về kiểm dịch cũng rất chậm, khiến cho 100% năm trái cây của Việt Nam xuất sang Trung Quốc đều bị kiểm dịch. Trong khi đó. nếu so sánh với nước bạn là Thái Lan, tỷ lệ này chỉ là 30%, đây cũng là khó khăn của việc xuất khẩu nông sản”, bà Trang nói.

Vừa qua, khi xuất hiện tình trạng ùn ứ hàng hóa nông sản tại các cửa khẩu phía Bắc, Chính phủ cùng các Bộ, ngành, địa phương chức năng đã sớm vào cuộc để tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị đưa hàng hóa xuất khẩu.

Trong đó, bà Trang đánh giá rất cao, việc các địa phương khu vực biên giới đã chủ động khuyến cáo về sự điều tiết hàng hóa, để giảm ùn ứ. Đồng thời, các địa phương cũng có giải pháp phòng chống dịch bệnh với lái xe cũng như hàng hóa bị ùn ứ.

dam phan cham khien hang nong san viet phai di theo duong tieu ngach hinh 2

Bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu.

Về phía Bộ Công Thương, bà Trang cho biết: Lãnh đạo bộ này đã phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức đối thoại với Trung Quốc để tháo gỡ khó khăn liên quan tới quá trình giao nhận hàng hóa, cũng như đề xuất mở cửa khẩu trở lại.

“Việc tích cực đàm phán đã có nhiều chuyển biến tích cực. Cụ thể, cho tới nay đã có 2 cửa khẩu hoạt động trở lại, đó là cửa khẩu Bắc Luân (Quảng Ninh) và Kim Thành II (Lào Cai)”, bà Trang nói.

Tuy nhiên, giải pháp này chỉ mang tính chất tạm thời. Về lâu dài, bà Trang đề nghị cơ quan chức năng và các doanh nghiệp quan tâm hơn về chất lượng hàng hóa nông sản Việt Nam, từ đó tiên tới xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Đặc biệt, hiện nay, các hiệp định FTA với Trung Quốc đã có hiệu lực, việc xuất khẩu chính ngạch còn được hưởng lợi về thuế quan.

“Các địa phương nên nhìn vào kinh nghiệm của một số tỉnh phía Bắc về việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Trong đó, Bắc Giang với quả vải thiều là nổi bật nhất. Cũng nhờ quan tâm tới chất lượng, nên trong 2 năm qua, không hề có tình trạng vải thiều bị ùn ứ tại cửa khẩu”, bà Trang thẳng thắn nói.

Cũng theo bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu: Trong 2 năm qua, từ năm 2020 tới tháng 11/2021, mặc dù tình hình dịch bệnh rất phức tạp, thế nhưng với sự vào cuộc của các Bộ, ngành, địa phương đã tích cực thực hiện Chỉ thị 26 về lưu thông nông sản và xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc.

Tính tới tháng 11/2021, kim ngạch xuất khẩu vẫn ghi nhận tăng trưởng 18,3%. Dù vậy, trong giai đoạn Việt Nam xảy ra đợt bùng phát dịch lần thứ 4, phía Trung Quốc bắt đầu có những quan ngại về kiểm soát dịch bệnh, dẫn đến việc các địa phương giáp với biên giới Việt Nam thắt chặt công tác giao nhận hàng hóa, dẫn tới việc ùn ứ hàng hóa.

Việt Vũ