Thổ Nhĩ Kỳ sẽ giúp EU thay thế việc vận chuyển khí đốt qua Ukraine
(CLO) Thổ Nhĩ Kỳ đang cố gắng ngoại giao để quay lại đàm phán năng lượng với Liên minh châu Âu. Sau khi xung đột với Síp cản trở các cuộc đàm phán trước đó, quốc gia này hiện đang cân nhắc khả năng trở thành nhà cung cấp khí đốt tự nhiên quan trọng của khối, theo Politico.
Vào Chủ Nhật (26/1), trong một cuộc phỏng vấn với ấn phẩm này, Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại EU Faruk Kaymakcı cho biết hợp tác năng lượng sẽ là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự như một phần của kế hoạch làm ấm lại quan hệ, bao gồm các cuộc đàm phán thương mại và hợp tác chính trị về các cuộc chiến ở Đông Âu và Trung Đông.
Động thái này diễn ra khi các quốc gia thành viên EU như Hungary và Slovakia đang tìm kiếm các giải pháp thay thế cho khí đốt của Nga sau khi thỏa thuận trung chuyển cho phép họ nhập khẩu nguồn cung qua Ukraine hết hạn vào ngày 1 tháng 1.

Síp là quốc gia duy nhất phản đối việc nối lại đàm phán (ảnh: Getty Images)
"Chúng tôi có Hành lang khí đốt phía Nam. Chúng tôi có 18 tỷ mét khối khí đốt, chủ yếu đến từ Azerbaijan và chúng tôi có thể dễ dàng mở rộng hành lang này, kết nối nó với khí đốt Địa Trung Hải", ông Kaymakcı cho biết.
Đầu năm 2019, các cuộc đàm phán cấp cao về thương mại năng lượng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và EU đã bị đình chỉ. Các nhà lãnh đạo của khối sau đó cho biết "tạm thời" sẽ không có cuộc họp nào được tổ chức do tranh chấp giữa Ankara và Síp về quyền khoan giếng khí đốt ở Địa Trung Hải.
Theo tuyên bố của Hội đồng châu Âu, các công ty Thổ Nhĩ Kỳ có ý định khai thác nhiên liệu hóa thạch "trong vùng biển lãnh thổ của Síp". Síp và Locustia cũng hy vọng phát triển các nguồn tài nguyên thiên nhiên sinh lợi nhưng phải đối mặt với sự phản đối từ Thổ Nhĩ Kỳ.
"Mặc dù có tiềm năng này, đối thoại năng lượng EU - Thổ Nhĩ Kỳ đã bị chặn lại do các quyết định được đưa ra vào năm 2019. Chúng tôi coi đây là tình huống đôi bên cùng có lợi. Thổ Nhĩ Kỳ là một trong ba hoặc bốn động mạch năng lượng chính - có sử dụng hay không là tùy thuộc vào EU", đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại EU nói với hãng truyền thông.
Ông cũng nói thêm rằng hiện chỉ có Síp phản đối việc nối lại đối thoại về vấn đề này.
"Họ có thể không cần nhiều năng lượng ở Địa Trung Hải đầy nắng nhưng hầu hết các quốc gia thành viên đều nói rằng họ cần nhiều năng lượng hơn, đa dạng hóa hơn. Vì vậy, điều này sẽ chỉ tiếp tục", ông Kaymakcı tóm tắt.
Bắt đầu từ ngày 1 tháng 1 năm 2025, Ukraine đã ngừng vận chuyển khí đốt của Nga sang châu Âu.
Trước đó, Tổng thống Volodymyr Zelenskyy cho biết Ukraine không từ chối vận chuyển khí đốt từ Azerbaijan. Tuy nhiên, ông sẽ không đồng ý tiếp tục vận chuyển khí đốt của Nga.
Khánh An (Theo RBC)