Người có uy tín ở Thanh Hóa thể hiện tốt vai trò là ‘hạt nhân’, ‘cầu nối’
(CLO) 1.330 Người có uy tín của tỉnh Thanh Hóa đã và đang thể hiện tốt vai trò là “hạt nhân” trong phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh trật tự, là “cầu nối” giữa Đảng, chính quyền với đồng bào dân tộc thiểu số.
Người có uy tín - người được nhân dân quý trọng
Ông Giang Văn Xá, dân tộc Mông, Bí thư Chi bộ bản Suối Hộc, xã Trung Lý, huyện Mường Lát là Người có uy tín, được người dân trong bản quý trọng. Ông đã góp phần không nhỏ trong việc ổn định tình hình an ninh trật tự trị an ở địa phương.

Người có uy tín ở huyện Mường Lát cùng các lực lượng chức năng tham gia tuần tra bảo vệ an ninh biên giới
Trong những năm qua, ông Xá đã kịp thời phát hiện, cung cấp nhiều nguồn tin quan trọng cho các lực lượng chức năng trong công tác điều tra, xử lý vi phạm, tích cực tham gia cùng chính quyền địa phương trong việc đấu tranh, ngăn chặn nhiều hoạt động trái pháp luật, truyền đạo trái phép; tham gia giải quyết nhiều vụ việc mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân.
Ông cũng là người đi đầu trong việc quản lý, giáo dục đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật, tích cực vận động con cháu trong gia đình không tham gia các tệ nạn xã hội, tránh xa ma túy, không vi phạm pháp luật, không nghe và tin theo luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của kẻ xấu...
Cũng là Người có uy tín ở địa phương, ông Quách Đức Ban, dân tộc Mường, thôn Bái Gạo 1, xã Mậu Lâm, huyện Như Thanh lại luôn trăn trở tìm cách phương thức phát triển kinh tế cho gia đình, giúp đỡ bà con thoát nghèo.
Năm 1998, ông Ban mạnh dạn nhận 10ha rừng là đất trống, đồi núi trọc theo Chương trình 661 để khoanh nuôi. Bước đầu, ông trồng ngô, sắn ở dưới chân đồi thấp, trên đồi cao thì trồng keo và một số cây lâm nghiệp khác. Tận dụng dưới tán rừng, chăn nuôi thêm trâu, bò, lợn, gà, ong mật. Với cách làm này, mô hình kinh tế rừng đã đem lại thu nhập cho gia đình ông Ban hàng trăm triệu đồng/năm.
Nhân lên niềm tin với Đảng, Nhà nước
Hiện tỉnh Thanh Hóa có 1.330 Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là những người được thôn, bản bình chọn, suy tôn. Đây là những người có ảnh hưởng lớn trong công tác vận động đồng bào tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị ở địa phương và cũng là lực lượng nòng cốt, “cầu nối” quan trọng giữa Đảng, chính quyền với nhân dân.
Đội ngũ Người có uy tín không ngại khó, ngại khổ đi từng ngõ, gõ từng nhà vận động bà con thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo; bài trừ hủ tục; tham gia giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc, xây dựng thôn, bản đoàn kết, bình yên, phát triển.
Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số còn là “hạt nhân” trong việc ổn định tình hình an ninh trật tự an ở địa phương. Bản thân họ tích cực tuyên truyền, vận động người dân không vi phạm pháp luật, không nghe và tin theo luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của kẻ xấu...
Thống kê của tỉnh Thanh Hóa cho thấy, trong 10 năm từ 2011-2021, Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đã vận động, tuyên truyền 200.000 lượt người Mông không tin, không nghe, không làm theo các luận điệu tuyên truyền về “Nhà nước Mông”, không du canh, du cư, vượt biên trái phép; tham gia cảm hóa 28 đối tượng có liên quan đến hoạt động lập “Nhà nước Mông”; giải quyết dứt điểm 310 vụ tranh chấp, khiếu kiện trong nội bộ nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số...

Người có uy tín trong đồng bào các dân tộc khu vực miền núi Thanh Hóa vận động nhân dân đồng lòng, chung sức xây dựng nông thôn mới
Nhờ sự đóng góp của đội ngũ Người có uy tín trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới và sự nỗ lực chung tay của đồng bào các dân tộc, đến nay ở các huyện miền núi Thanh Hóa đã có gần 600 thôn, bản, và hơn 60 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân đạt 13,7 tiêu chí/xã; thu nhập bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 7,3%.
Tại các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc miền núi đã có 5% số xã, 65% số thôn bản thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016 - 2020. Đặc biệt, năm 2019 huyện Như Xuân đã thoát khỏi danh sách huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ
Có thể khẳng định, trong 10 năm qua Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Thanh Hóa đã phát huy vai trò của mình trong việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đồng bào dân tộc thiểu số; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nhân lên niềm tin của đồng bào dân tộc thiểu số với Đảng, Nhà nước.
T.Toàn