Vì sao đường sắt đô thị ga Hà Nội - Hoàng Mai phần lớn đi ngầm?
(CLO) Theo Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB), phần lớn tuyến đường sắt đô thị ga Hà Nội - Hoàng Mai được đi ngầm sẽ giảm được tối đa diện tích giải phóng mặt bằng, tiết kiệm đất xây dựng.
Tuyến đường sắt đô thị này có tổng chiều dài 8,7km. Trong đó, tuyến đi ngầm toàn bộ theo hành lang Trần Hưng Đạo - Trần Thánh Tông - Kim Ngưu - Nguyễn Tam Trinh với 7 ga ngầm đã giảm được tối đa diện tích giải phóng mặt bằng.

Đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội dự kiến sẽ khai thác đoạn trên cao dài 8,5km vào cuối năm nay.
Hướng tuyến và vị trí nhà ga đã được thành phố Hà Nội phê duyệt sớm, Chính phủ cũng đã có quy định rõ về hành lang an toàn cho đường sắt đô thị nên công tác quản lý quy hoạch dọc tuyến tốt hơn, bảo đảm giữ được quỹ đất cho phát triển đường sắt đô thị.
Lãnh đạo MRB cho biết việc đi ngầm sẽ không phá vỡ cảnh quan đô thị dọc theo tuyến cũng như tạo điều kiện phát triển không gian phía trên mặt đất với các công trình đô thị, giao thông, cầu vượt và các loại hình giao thông công cộng khác.
Hạn chế chiếm dụng đất và cản trở giao thông trong quá trình thi công xây dựng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, kinh tế xã hội đối với khu dân cư dọc theo tuyến,…
Tuy nhiên Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội cũng thừa nhận việc đi ngầm hầu như toàn tuyến sẽ khiến chi phí đầu tư xây dựng cao và quá trình thi công công trình ngầm phức tạp, đòi hỏi công nghệ thi công xây dựng tiên tiến.
Cấu trúc địa chất khu vực Hà Nội không thuận lợi cho các công trình ngầm do nền đất không đồng nhất, có các lớp đất yếu, nước ngầm và nước mặt.
Theo quy hoạch, đoạn tuyến ga Hà Nội - Hoàng Mai chính là nối tiếp của tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội. Đường sắt đô thị ga Hà Nội - Hoàng Mai có đoạn tuyến chính dài 8,7km.
Trong đó, chiều dài đi ngầm là 8,13km, đoạn hầm hở dẫn dài 0,57km, đoạn đi trên mặt đất dài 0,08km. Diện tích đất xây dựng công trình tổng cộng 34,2ha, diện tích cần giải phóng mặt bằng là 11,3ha.
Sơ bộ tổng mức đầu tư ước tính là 1.752,78 triệu USD, tương đương 40.577 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi của nhà tài trợ…
Dự kiến, công tác lựa chọn nhà thầu và thi công lắp đặt thiết bị trong giai đoạn 2022 - 2027, kiểm tra vận hành chạy thử vào cuối năm 2027 và vận hành chính thức từ tháng 1/2028.