Cắt điểm ưu tiên đối với thí sinh thi lại: Cào bằng hay triệt tiêu ý chí tiến thủ?

16/04/2022 11:38

(CLO) Theo quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), thí sinh thi lại có nhiều lợi thế ôn tập. Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng việc không tính điểm ưu tiên đối với thí sinh thi lại là triệt tiêu chí tiến thủ của học sinh.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học; cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2022.

Đáng chú ý, mức điểm cộng ưu tiên khu vực sẽ được giữ nguyên. Điểm cộng khu vực 1 (KV1) là 0,75 điểm; khu vực 2 nông thôn (KV2-NT) là 0,5 điểm và khu vực 2 (KV2) là 0,25 điểm.

Tuy nhiên, điểm cộng ưu tiên khu vực chỉ áp dụng cho năm thí sinh tốt nghiệp trung học phổ thông (hoặc trung cấp).

cat diem uu tien doi voi thi sinh thi lai cao bang hay triet tieu y chi tien thu hinh 1

Việc cắt điểm ưu tiên với thí sinh thi lại đang nhận được sự quan tâm của nhiều thí sinh.

Thí sinh đã tốt nghiệp trung học phổ thông khi thi lại để lấy kết quả xét tuyển đại học, cao đẳng không được tính điểm ưu tiên khu vực (như khu vực 3).

Giải thích về vấn đề này, Phó giáo sư Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, trong những năm gần đây, thông qua các diễn đàn tư vấn tuyển sinh do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và các cơ quan báo chí tổ chức, vấn đề điểm ưu tiên khu vực đối với các đối tượng thí sinh đã tốt nghiệp trung học phổ thông những năm trước là một chủ đề được thảo luận nhiều lần, nhận được nhiều ý kiến phản hồi, góp ý từ chính các thí sinh đang chuẩn bị thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm đó.

Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, các thí sinh đã tốt nghiệp những năm trước sẽ có lợi thế, có cơ hội học tập, ôn luyện với thời gian nhiều hơn hẳn so với các thí sinh chuẩn bị thi tốt nghiệp lần đầu.

Nhiều trường hợp các thí sinh này đã chuyển tới địa phương, thành phố có điều kiện tốt hơn, tập trung để ôn thi một số ít môn phục vụ việc xét tuyển vào đại học.

 Trong khi đó, các thí sinh chuẩn bị thi tốt nghiệp trung học phổ thông và xét tuyển vào đại học, cao đẳng tại năm tuyển sinh đó phải học tập nhiều môn hơn và chịu áp lực nhiều hơn để vừa thi tốt nghiệp, vừa đăng ký xét tuyển vào đại học.

Do vậy, nhằm đảm bảo tính công bằng hơn nữa cho các thí sinh xét tuyển vào đại học, cao đẳng (đối tượng thí sinh chuẩn bị dự thi tốt nghiệp và thí sinh đã tốt nghiệp có nhu cầu thi lần nữa để xét tuyển đại học, cao đẳng), dự thảo Quy chế đã đưa ra quy định theo hướng thí sinh tại các vùng được hưởng điểm ưu tiên khu vực chỉ được hưởng chính sách ưu tiên khu vực một lần khi có nhu cầu xét tuyển vào cao đẳng, đại học ngay năm đầu tiên tốt nghiệp trung học phổ thông.

Tất cả các thí sinh thuộc khu vực ưu tiên đều được hưởng điểm ưu tiên một lần, như vậy là đảm bảo tính công bằng.

Trái ngược với quan điểm của bà Nguyễn Thu Thủy, nhiều thí sinh và giáo viên tỏ ra bất ngờ với quy định này.

Theo thầy Dương Đình Thọ, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ, Hà Tĩnh thì việc không cộng điểm ưu tiên đối với những học sinh thi lại tốt nghiệp lấy điểm xét tuyển sẽ ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của các em học sinh.

Không phải em nào ở nông thôn, miền núi cũng có điều kiện để ra thành phố ôn thi, có điều kiện học tập như các bạn ở thành phố.

Hơn nữa, điều này sẽ triệt tiêu ý chí tiến thủ của các em mong muốn theo học những trường đại học top đầu.

Đồng quan điểm, anh Trần Văn Nam ở Hà Tĩnh cho biết, hiện nay các trường đại học đã áp dụng nhiều phương thức tuyển sinh, trong đó như tuyển sinh học bạ, Tiếng Anh, đánh giá năng lực…

Với việc sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh thì cơ hội vào các trường top đầu đối với các em học sinh vùng sâu, vùng xa sẽ bị hẹp lại.

Nay lại thêm quy định mới này, chắc chắn cơ hội cho học sinh vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn vào các trường top đầu càng khó khăn hơn.

Trinh Phúc