Doanh nghiệp công nghiệp Đức "đứng ngồi không yên" với lệnh cấm khí đốt Nga

19/04/2022 15:51

(CLO) Hôm qua (18/4), khi EU xem xét áp đặt lệnh cấm xuất khẩu năng lượng Nga, các doanh nghiệp Đức “đứng ngồi không yên”, cảnh báo rằng nếu lệnh cấm vận được triển khai sẽ có tác động tiêu cực đến ngành công nghiệp và chuỗi việc làm.

Được biết, Đức là nền kinh tế lớn nhất trong khối 27 quốc gia của Liên minh châu Âu và đã bác bỏ lệnh cấm nhập khẩu năng lượng của Nga, thay vào đó lựa chọn kế hoạch loại bỏ dần nhập khẩu dầu của Nga vào cuối năm 2022 và nhập khẩu khí đốt của Nga trong vòng hai năm.

doanh nghiep cong nghiep duc dung ngoi khong yen voi lenh cam khi dot nga hinh 1

Nga đang cung cấp 40% nhu cầu khí đốt của châu Âu, trong đó Đức, Italy và nhiều nước Trung Âu phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung này. Ảnh: Oil Price.

"Một lệnh cấm vận khí đốt nhanh chóng sẽ dẫn đến mất cân bằng sản xuất, ngừng hoạt động, tiếp tục phi công nghiệp hóa và chênh lệch cán cân việc làm trong thời gian dài ở Đức", hãng tin AP dẫn lời các chủ tịch nhóm sử dụng lao động BDA và liên minh công đoàn DGB cho biết hôm thứ Hai (18/4).

Hiện nay, Nga cung cấp 40% lượng khí đốt tự nhiên và 25% lượng dầu của Liên minh châu Âu, chủ yếu thông qua các đường ống dẫn.

Trong đó, cường quốc về năng lượng tự nhiên chiếm gần một phần ba tổng lượng năng tiêu thụ của Đức. Vì vậy, nếu áp đặt các lệnh cấm nhập khẩu năng lượng của Nga đối với Đức chẳng khác nào “ngồi trên đống lửa”.

Ngoài ra, chính phủ Đức đã cho phép tăng mức lương hưu lớn nhất trong nhiều thập kỷ vào tuần trước, vào thời điểm lạm phát được cho là sẽ tăng và đã đạt mức cao nhất trong 40 năm. Lương hưu của các bang Tây Đức cũ sẽ tăng 5,35 phần trăm bắt đầu từ ngày 1/7.

Trong khi các công ty và nghiệp đoàn của Đức lo ngại về khả năng có lệnh cấm "ngay lập tức" đối với dầu mỏ và khí đốt tự nhiên của Nga, thì EU vẫn chia rẽ sâu sắc về các vấn đề liên quan.

Các bộ trưởng EU hiện đang tranh luận về vòng thứ sáu của các biện pháp trừng phạt bổ sung khắc nghiệt hơn để chống lại Nga, trong đó EU đã chi chung 35 tỷ euro cho các dự án năng lượng của Nga kể từ khi tổng thống Nga Vladimir Putin phát động cuộc chiến với Ukraine.

Trong đó Đức, Ý, Áo và Hungary là những quốc gia phụ thuộc nhiều nhất vào khí đốt của Nga và lo ngại nhất về lệnh cấm dầu “ngay lập tức”.

Được biết, trước đó một lệnh cấm nhập khẩu than của Nga đã được Liên minh châu Âu thống nhất, nhưng sẽ không có hiệu lực cho đến tháng 8 và dự đoán rằng sẽ chỉ có tác động nhỏ đối với kho bạc của Nga, so với dầu và khí đốt thì không đáng kể.

Lê Na (Theo Oil Price)

CTV