Thủ tướng Đức Olaf Scholz thăm Nhật Bản trong chuyến công du đầu tiên tới châu Á
(CLO) Hôm thứ Năm (28/4), Thủ tướng Đức Olaf Scholz bày tỏ mong muốn thúc đẩy mối quan hệ với các quốc gia cùng chí hướng ở châu Á - Thái Bình Dương, khi thăm Nhật Bản trong chuyến công du chính thức đầu tiên của ông tới khu vực.
Ông Scholz nói: “Không phải ngẫu nhiên mà chuyến đi đầu tiên của tôi với tư cách là thủ tướng tới khu vực này lại dẫn đến đây, tới Tokyo. Chuyến đi của tôi là một tín hiệu chính trị rõ ràng rằng Đức và EU sẽ tiếp tục và tăng cường can dự ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương".

Thủ tướng Đức Olaf Scholz phát biểu tại Đối thoại Kinh doanh Đức-Nhật ở Tokyo, Nhật Bản vào ngày 28/4/2022. Ảnh: Reuters
Trong một cuộc họp báo chung, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida nhấn mạnh việc hai nước phản đối việc Nga tấn công Ukraine. Cuộc khủng hoảng Ukraine đã làm nổi bật sự phụ thuộc năng lượng của Đức vào Nga, qua đó khiến Berlin chú trọng hơn đến vấn đề an ninh trong chính sách đối ngoại và thương mại cũng như tăng cường quan hệ với các đồng minh.
Trước đây, chuyến đi đầu tiên của người tiền nhiệm của ông Scholz là bà Angela Merkel tới châu Á là đến Trung Quốc. Bà Merkel đã đến thăm Trung Quốc nhiều hơn hai lần so với bà đã đến Nhật Bản trong thời gian nắm quyền.
Tuy nhiên, một thành viên của phái đoàn tháp tùng ông Scholz lưu ý rằng dư luận không nên nói nhiều về quyết định không đến thăm Trung Quốc, do vấn đề còn bởi những hạn chế nghiêm ngặt về Covid-19 đang được áp dụng tại nước này.
Cả 2 ông Scholz và Kishida đều nhấn mạnh nỗ lực của họ nhằm giảm sự phụ thuộc của mình vào nguồn năng lượng nhập khẩu của Nga. Khi được hỏi về việc Nga đe dọa cắt vận chuyển khí đốt tới châu Âu, Scholz nói: "Liệu chính phủ Nga có quyết định gì trong tình huống này hay không, người ta chỉ có thể suy đoán".
Ông Scholz nói: “Thay đổi hiện trạng bằng vũ lực là điều cần phải tránh không chỉ ở châu Âu mà còn ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đặc biệt là ở Đông Á. Thủ tướng Đức cảnh báo xu hướng chống toàn cầu hóa và chủ nghĩa bảo hộ "không phải là một lựa chọn, đặc biệt là không dành cho các quốc gia thương mại tự do, cởi mở như Đức và Nhật Bản".
Hoàng Anh (theo CNA, Reuters)