Hà Nội chi hơn 61 tỷ đồng cho công chức học thạc sĩ, tiến sĩ

24/05/2022 05:36

(CLO) Trong giai đoạn 2022-2025, Hà Nội sẽ cử gần 400 công chức, viên chức đi học tiến sĩ, thạc sĩ với kinh phí dự kiến là 61,6 tỷ đồng.

UBNT TP Hà Nội vừa ban hành Đề án đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức TP Hà Nội giai đoạn 2022-2025 và định hướng đến năm 2030.

ha noi chi hon 61 ty dong cho cong chuc hoc thac si tien si hinh 1

Trụ sở UBND TP Hà Nội

Bài liên quan

Lễ bế mạc SEA Games 31 sẽ diễn ra tại Cung điền kinh trong nhà Hà Nội

Người dân Hà Nội đi "bão" xuyên đêm ăn mừng chiến thắng của U23 Việt Nam

Hà Nội: Nâng cao ý thức phòng cháy chữa cháy tại các nhà trọ, phòng cho thuê

Thiếu nước sạch nghiêm trọng ở Sóc Sơn- Hà Nội, người dân phải tiết kiệm cả nước bẩn!

Theo đó, đối tượng của Đề án là công chức, lãnh đạo, quản lý cấp phòng và quy hoạch chức danh tương đương cấp phòng; công chức chuyên môn nghiệp vụ thuộc các sở, cơ quan tương đương sở; UBND quận, huyện, thị xã; cán bộ công chức cấp xã; viên chức các đơn vị sự nghiệp công lập.

Riêng về đào tạo sau đại học, theo Đề án, TP Hà Nội sẽ cử đi đào tạo sau đại học tại các nước tiên tiến với công chức, viên chức không quá 35 tuổi thuộc các sở, cơ quan tương đương sở; UBND quận, huyện, thị xã; đơn vị sự nghiệp công lập. Chỉ tiêu là 30 người (bao gồm 5 tiến sĩ, 25 thạc sĩ) thuộc các chuyên ngành đào tạo tài chính, kinh tế, kế toán, công nghệ thông tin, quản lý đô thị thông minh và sáng tạo, quản lý công, chính sách công, biến đổi khí hậu, quản lý giáo dục, quản lý bệnh viện.

Thành phố cũng sẽ cử đi đào tạo sau đại học ở trong nước công chức, viên chức (lần đầu được cử đi đào tạo không quá 40 tuổi) thuộc các sở, cơ quan tương đương sở; UBND quận, huyện, thị xã; đơn vị sự nghiệp công lập. Chỉ tiêu đào tạo 240 người, gồm 40 tiến sĩ, 200 thạc sĩ, thuộc chuyên ngành tài chính, kế toán, công nghệ thông tin, quản lý đô thị thông minh và sáng tạo, biến đổi khí hậu, quản lý công, chính sách công, các chuyên ngành về luật, giao thông vận tải, kế hoạch đầu tư, quy hoạch kiến trúc, tài nguyên môi trường, xây dựng, quản lý giáo dục, quản lý bệnh viện.

Đề án có tổng kinh phí thực hiện đến năm 2025 là hơn 272,3 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách thành phố.

Riêng với đào tạo sau đại học, nguồn kinh phí dự kiến là 61,6 tỷ đồng, trong đó đào tạo sau đại học tại các nước tiên tiến dự kiến 9,6 tỷ đồng, trong nước là 52 tỷ đồng.

Cụ thể, với 5 trường hợp cử đi đào tạo thành tiến sĩ tại các nước tiên tiến trên thế giới sẽ có 1 trường hợp đi năm 2023, có 2 trường hợp đi năm 2024 và 2 trường hợp đi năm 2025. Dự kiến tổng chi phí đào tạo cho 5 trường hợp này khoảng 4 tỷ đồng; 25 trường hợp được cử đi học thạc sĩ ở nước ngoài dự kiến khoảng 5,6 tỷ đồng.

Với 40 trường hợp cử đi đào tạo tiến sĩ trong nước, Đề án đặt mục tiêu năm 2022 có 5 trường hợp, năm 2023 có 10 trường hợp, năm 2024 có 15 trường hợp và năm 2025 có 10 trường hợp. Tổng chi phí dự kiến đào tạo khoảng 12 tỷ đồng, mỗi trường hợp khoảng 300 triệu đồng.

Với đào tạo 200 thạc sĩ trong nước, chi phí dự kiến khoảng 40 tỷ đồng.

Nói về sự cần thiết của việc này, thành phố khẳng định, công tác đào tạo cán bộ, công chức, viên chức có vai trò rất quan trọng, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, chất lượng và hiệu quả của đội ngũ cán bộ, công chức, từ đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Công tác đào tạo cán bộ giai đoạn 2016-2020 của thành phố cơ bản đáp ứng các yêu cầu, mục tiêu đặt ra; tạo sự chuyển biến về chất lượng và hiệu quả công tác, đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công viên chức ở giai đoạn 2016-2020 còn một số hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới.

Minh Chí