Đổi mới giáo dục trong nhà trường song song với chú trọng xây dựng "xã hội học tập"

24/05/2022 21:11

(CLO) Ngày 24/5, tại Hà Nội, Hội Khuyến học Việt Nam phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ GD&ĐT tổ chức hội thảo quốc gia với chủ đề "Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực tại chỗ thông qua việc thực hiện các mô hình học tập".

Tại hội thảo, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định, nguồn nhân lực là yếu tố cơ bản quan trọng nhất trong sự phát triển. Trong bối cảnh kinh tế số, hội nhập quốc tế, yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực tại chỗ cần phải được đẩy mạnh.

Tuy nhiên, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực phụ thuộc vào đầu tư phát triển nền giáo dục hiện đại, giáo dục mở thời đại số, tạo ra sự bình đẳng ai cũng có thể học hành.

doi moi giao duc trong nha truong song song voi chu trong xay dung xa hoi hoc tap hinh 1

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại hội thảo.

Do vậy, mỗi tổ chức, cơ quan, cần có biện pháp phù hợp để thúc đẩy với chủ trương mô hình công dân học tập, học tập suốt đời trong nhân dân. Đặc biệt là đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại chỗ cho các cấp quản lý, cán bộ trong các đơn vị hành chính sự nghiệp.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh: "Ban Tuyên giáo Trung ương sẽ chỉ đạo hệ thống tuyên giáo phối hợp chặt chẽ với Bộ GD&ĐT, Hội Khuyến học và các cơ quan có liên quan cùng nhau chắt lọc những kết quả nghiên cứu, cung cấp cơ sở khoa học thực tiễn tham mưu với Đảng, Nhà nước về các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để nâng cao ý thức học tập, ý thức tự học thường xuyên, học suốt đời… học mọi nơi mọi lúc, để nâng tầm trí tuệ, trình độ kỹ năng của từng công dân học tập, thành tố hạt nhân, yếu tố cơ bản của gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập".

doi moi giao duc trong nha truong song song voi chu trong xay dung xa hoi hoc tap hinh 2

Quang cảnh hội thảo.

Các đại biểu tại hội thảo đã tập trung làm rõ thực trạng về chất lượng nguồn nhân lực theo mô hình "Công dân học tập" ở các ngành, các lĩnh vực, các nhóm đối tượng lãnh đạo, quản lý, người lao động, nhất là chất lượng nhân lực đội ngũ cán bộ trong các cơ quan hành chính sự nghiệp, đội ngũ nhà giáo trong các cơ sở giáo dục và đào tạo.

Để cụ thể hóa việc thúc đẩy học tập suốt đời, xây dựng "Xã hội học tập" từ cơ sở, nâng cao nguồn nhân lực tại chỗ, các đại biểu cho rằng, việc chuyển đổi mô hình đào tạo giáo dục cần phải được chú trọng ngay từ các cấp cơ sở, để thuận lợi nhất và tạo điều kiện cho mọi người đều có thể học tập. Đồng thời triển khai đồng bộ các mô hình học tập phù hợp từng ngành, từng lĩnh vực làm nòng cốt lan tỏa tới "Công dân học tập" .

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Nghị quyết 29-NQ/TW đề ra rất nhiều giải pháp toàn diện. Bên cạnh việc tập trung vào các nhiệm vụ đổi mới trong nhà trường, thì liều lượng dành cho các giải pháp xây dựng xã hội học tập ở bên ngoài nhà trường cần được chú trọng hơn nữa.

doi moi giao duc trong nha truong song song voi chu trong xay dung xa hoi hoc tap hinh 3

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội thảo.

"Khi người dân, xã hội còn quan tâm, góp ý thì đó là may mắn cho những người làm công tác giáo dục có động lực để sửa mình, để phát triển", Phó Thủ tướng chia sẻ.

Qua các ý kiến tại hội thảo, Phó Thủ tướng nhận định các cấp, các ngành đang tích cực thực hiện Quyết định 1373/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030".

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cho rằng phải làm sao để mỗi người thích học, thông qua nhiều giải pháp như xây dựng phong trào vận động xây dựng xã hội học tập, tôn vinh những người có kiến thức, hiểu biết, khơi dậy sự sáng tạo, đóng góp của người dân trong mọi hoạt động của đời sống văn hoá, xã hội.

Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành làm tốt hơn nữa việc tạo điều kiện thuận lợi để người lớn học tập, từ xây dựng hành lang pháp lý, cơ chế chính sách để hệ thống giáo dục mở thực sự, phát huy tối đa các cơ sở giáo dục, đào tạo nghề, cho đến chương trình để người lao động được học tập thuận lợi, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin.

Đồng thời cần lưu ý đến những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội như người khuyết tật, người có khó khăn, đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa.

An Mai