Bảo hiểm bắt buộc về môi trường là vấn đề nóng, cấp thiết

27/05/2022 19:45

(CLO) Ngày 27/5, thảo luận trước Quốc hội về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình) đề xuất bổ sung bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường.

Đề xuất bổ sung bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường

Phát biểu ý kiến tại hội trường, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Tuyết Nga cho rằng, Báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật đã được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, tiếp thu nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội.

Góp ý vào quy định bảo hiểm bắt buộc của dự thảo Luật, đại biểu cho biết, Điều 8 dự thảo Luật quy định Bảo hiểm bắt buộc là sản phẩm bảo hiểm nhằm mục đích bảo vệ lợi ích công cộng, môi trường và an toàn xã hội. Trên cơ sở đó, quy định 3 loại hình bảo hiểm bắt buộc gồm :Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới; Bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc; Bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng.

bao hiem bat buoc ve moi truong la van de nong cap thiet hinh 1

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Tuyết Nga.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga, hiện nay có ít nhất là 20 luật quy định về mua bảo hiểm bắt buộc, trong đó có Luật Bảo vệ môi trường, quy định bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường. Cũng trên thực tế hiện nay tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra rất phức tạp. Trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, có 1350 làng nghề thì đã có 45% làng nghề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; hơn 30% làng nghề cũng trong tình trạng ô nhiễm.

Đại biểu cho rằng, bảo hiểm bắt buộc về môi trường là vấn đề nóng, cấp thiết, liên quan trực tiếp tới lợi ích công cộng, môi trường, an toàn xã hội. Đại biểu đề nghị, dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) lần này cần phải bổ sung ngay quy định bảo hiểm bắt buộc đối với trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường.

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga cũng đề nghị rà soát, cân nhắc kỹ lưỡng quy định bảo hiểm bắt buộc tại một số chuyên ngành, bởi các quy định trong luật chuyên ngành do các bên tự thỏa thuận, khó khả thi trong thực tiễn.

Cần giải thích rõ về “sự kiện bất khả kháng”, “trở ngại khách quan” trong Luật

Trong khi đó, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, cần giải thích rõ về “sự kiện bất khả kháng”, “trở ngại khách quan” trong Luật.

bao hiem bat buoc ve moi truong la van de nong cap thiet hinh 2

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc nêu rõ: “Luật Kinh doanh bảo hiểm có tác động lớn đến nhiều đối tượng, vì vậy cần được xây dựng chặt chẽ hơn, hướng đến sự hoàn thiện dự án Luật để có thể đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, tạo điều kiện để thị trường kinh doanh bảo hiểm phát triển bền vững cùng với sự đảm bảo hài hòa giữa quyền và lợi ích của các bên liên quan; phù hợp với các cam kết quốc tế, điều ước quốc tế, góp phần hoàn thiện dự án Luật, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ”.

Theo đại biểu Huỳnh Thị Phúc, tại Khoản 3, Điều 19 dự thảo Luật quy định rõ nội dung “sự kiện bất khả kháng” hoặc “trở ngại khách quan” trong việc chậm thông báo cho doanh nghiệp bảo hiểm về việc sự kiện xảy ra. Đồng thời, tại Khoản 1, Điều 30 về thời hạn nộp hồ sơ yêu cầu bồi thường trả tiền bảo hiểm, dự thảo Luật quy định thời gian xảy ra sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác không tính vào thời gian nộp hồ sơ bồi thường và trả tiền bảo hiểm.

Vì vậy, để đảm bảo tính chặt chẽ, tính thống nhất giữa các quy định cũng như dễ áp dụng khi Luật được Quốc hội thông qua, đại biểu Huỳnh Thị Phúc đề nghị xem xét, bổ sung phần giải thích từ ngữ, Điều 4 của dự thảo Luật quy định về sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan và điều chỉnh thống nhất nội dung của Khoản 3, Điều 19 và Khoản 1, Điều 303.

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung quy định trách nhiệm trả chi phí thuê giám định viên độc lập. Trong trường hợp phát sinh việc yêu cầu giám định theo hướng bên nào yêu cầu giám định thì bên đó phải trả các chi phí và một số chi phí phát sinh nếu có.

N.Hường