Đại biểu Quốc hội: Thanh tra mà báo trước, người ta sẽ chuẩn bị hết “vở sạch chữ đẹp” để đón tiếp
(CLO) Nêu vấn đề những báo cáo của thanh tra tỷ lệ phát hiện vi phạm rất thấp là vì cách thanh tra theo kế hoạch. Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan nêu rõ, khi thanh tra theo kế hoạch lại còn báo trước nữa, người ta sẽ chuẩn bị hết “vở sạch chữ đẹp” để đón tiếp đoàn thanh tra.
Báo trước trong hoạt động thanh tra có tác dụng rất lớn
Tham gia thảo luận về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) trước Quốc hội chiều 13/6, đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình đã nêu ý kiến liên quan đến quy định về thanh tra chuyên ngành. Theo đại biểu, có thể thiết kế thành một mục hoặc một chương, vấn đề này về kỹ thuật, nếu quy định về thanh tra chuyên ngành thì ít nhất phải đảm bảo thể chế hóa được trên 4 nguyên tắc.

Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình.
Đáng chú ý, đại biểu Phan Đức Hiếu cho rằng nguyên tắc thứ ba là phải đề cao tính minh bạch và tính được báo trước. "Bởi vì tính được báo trước trong hoạt động thanh tra theo tôi có tác dụng rất lớn, nếu trước khi chúng ta đi thanh tra mà báo trước mục tiêu thanh tra, phạm vi thanh tra, nội dung thanh tra, vô hình trung chính những việc như vậy giúp cho các đối tượng thanh tra tuân thủ luật pháp tốt hơn trước khi chúng ta đến thanh tra", ông Hiếu nói.
Theo đại biểu Đoàn Thái Bình, ý kiến của ông có thể gây tranh cãi, nhưng cần quy định một nguyên tắc để đưa ra kết luận thanh tra trong trường hợp pháp luật chưa rõ ràng, có thể có nhiều cách hiểu khác nhau.
"Tôi không muốn nói là cách hiểu trái luật, nên trong trường hợp này tôi cứ mạnh dạn kiến nghị là nên áp dụng cách hiểu có lợi nhất cho đối tượng bị thanh tra. Tôi mới có ý kiến sơ bộ như vậy, nhưng cần phải có những nguyên tắc là xử lý trong trường hợp pháp luật chưa rõ ràng mà còn có những ý kiến khác nhau", ông Hiếu nêu ý kiến.
Báo trước sẽ chuẩn bị hết "vở sạch chữ đẹp" để đón tiếp Đoàn thanh tra
Phản biện lại ý kiến của đại biểu Phan Đức Hiếu, đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan - Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh cho biết, với thực tế công tác tại TP Hồ Chí Minh trong lĩnh vực quản lý an toàn thực phẩm, bà nhận thấy rằng trong thanh tra phải có các hình thức vừa theo kế hoạch, đồng thời là phải phát huy đột xuất và thực ra trong những lĩnh vực có nhiều vi phạm kéo dài hàng năm liền, luôn luôn bị dư luận xã hội nhìn vào để thấy hiệu quả công tác thanh tra.

Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan - Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh.
"Tại sao tất cả những báo cáo của thanh tra tỷ lệ phát hiện vi phạm rất thấp? Chính là vì cách thanh tra theo kế hoạch. Khi thanh tra theo kế hoạch lại còn báo trước nữa, người ta sẽ chuẩn bị hết vở sạch chữ đẹp để đón tiếp Đoàn thanh tra và tôi nói thẳng với đội ngũ thanh tra của chúng tôi, đó là chúng ta phải phát huy tất cả những mặt mạnh, đặc biệt là trong phát hiện sai phạm thông tin từ quần chúng, đặc biệt là từ báo chí và khi làm thì phải bất ngờ, như vậy mới thực sự nắm được trên thực tế ra làm sao", đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nêu rõ.
Bà Phạm Khánh Phong Lan cũng cho rằng, ý kiến của đại biểu Phan Đức Hiếu cũng như trong luật có phần nào nhận thấy đó là, sợ là đội ngũ thanh tra có sự lạm quyền, lợi dụng chức vụ hay là tiêu cực. Cho nên vô hình chung "trói tay, trói chân" thanh tra lại, trong khi mục tiêu cao nhất là làm sao để cho hiệu lực của thanh tra tốt nhất.
Cũng theo đại biểu, việc thanh tra ở đây cũng phải tương thích với việc là nhiều khi tập trung vào vấn đề tiền kiểm, tức là làm sao để thẩm định, cấp một giấy chứng nhận cho tốt. Nhưng còn sau đó, trong suốt quá trình hoạt động của doanh nghiệp không phải chỉ trong thực phẩm mà rất nhiều lĩnh vực khác, chúng ta không đủ lực lượng để tiến hành. Và nếu chỉ trông cậy vào thanh tra theo kế hoạch mà lại còn được báo trước nữa thì không thể nào hoàn thành được nhiệm vụ.
"Tôi chỉ mong luật chúng ta, nếu như sợ tiêu cực trong thanh tra, việc nào ra việc đó, tiêu cực thì chúng ta phải có cơ chế giám sát của cơ quan chức năng, của thủ trưởng, phải có luân chuyển, phải có những đào tạo, bồi dưỡng và phải có những răn đe trong những trường hợp sai phạm thì bị xử lý. Nhưng không phải vì như thế mà chúng ta lựa chọn cách dễ nhất là cứ đến hẹn lại lên, mỗi năm có thông báo trước cho doanh nghiệp tới ngày đó, giờ đó tự tôi đến, lúc đó mà doanh nghiệp vẫn còn vi phạm thì nói thật là cũng không biết nói làm sao nữa. Cho nên tôi xin phép phản biện ý kiến đó", đại biểu Đoàn TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh.