Giá xăng vẫn có thể tăng tiếp trong thời gian tới, giảm thuế là cần thiết?

14/06/2022 18:07

(CLO) Ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính tiết lộ: Bộ dự kiến đề xuất trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong thẩm quyền giảm tối đa thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu.

Trong phiên điều chỉnh hôm qua (13/6), lần đầu tiên giá xăng trong nước thiết lập mức giá trên 32.000 đồng/lít. Như vậy, nếu so với thời điểm đầu năm 2022, giá xăng trong nước đã tăng 7.000 - 7.500 đồng/lít, tương đương 23,2%.

Theo phân tích của Liên bộ Tài chính - Công Thương, có rất nhiều lý do khiến giá xăng dầu trong nước liên tục “phá đỉnh”. Đơn cử như xung đột vũ trang giữa Nga - Ukraine khiến nguồn cung khan hiếm, hoặc các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) chưa thống nhất được mức tăng sản lượng khai dầu thô.

gia xang van co the tang tiep trong thoi gian toi giam thue la can thiet hinh 1

Ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính tiết lộ: Bộ Tài chính dự kiến đề xuất trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong thẩm quyền giảm tối đa thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu.

Trong cuộc họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết: Mặt hàng xăng dầu trong nước dự báo sẽ tiếp tục chịu áp lực lớn từ biến động về giá và nguồn cung trên thị trường thế giới trong thời gian tới.

Bộ Công thương dự báo, giá bình quân các mặt hàng xăng RON92, RON95 và dầu diesel thành phẩm trên thị trường thế giới quý III/2022 sẽ ở mức 145-155 USD/thùng, tăng 73% – 100% so với cùng kỳ năm 2021 và cả năm 2022 ở mức 130-140 USD/thùng, tăng từ 66% - 90% so với năm 2021.

Trước tình cảnh này, Bộ Công Thương đã áp dụng nhiều giải pháp để chặn đà tăng của xăng dầu, đơn cử như việc sử dụng linh hoạt quỹ bình ổn xăng dầu (BOG),  tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường kinh doanh xăng dầu; xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng hoặc tăng giá bán bất hợp lý.

Trong khi đó, Bộ Tài chính cũng đệ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc điều chỉnh một số khoản thuế, phí liên quan tới xăng dầu để bình ổn giá xăng trong nước.

Đồng thời, Bộ Tài chính đẩy nhanh tiến độ để sớm trình Chính phủ chính sách giảm thuế nhập khẩu ưu đãi nhằm góp phần giảm chi phí nhập khẩu xăng và đa dạng hóa nguồn cung nhập khẩu.

Đặc biệt, ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính còn tiết lộ: Bộ Tài chính dự kiến đề xuất trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong thẩm quyền giảm tối đa thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu.

Đồng tình với nhận định giảm thuế, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, trong bối cảnh giá xăng dầu liên tục thiết lập kỷ lục mới và chưa biết khi nào mới “hạ nhiệt”, có thể xem xét phương án trợ giá xăng dầu cho người dân. 

“Trong trường hợp giảm thuế nhập khẩu và tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường mà giá xăng dầu vẫn tiếp tục tăng, trong khi chưa thể giảm ngay được thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt, thì có thể kết hợp với việc trợ giá xăng dầu cho người dân như nhiều nước đã thực hiện”, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng nói.

Việc hỗ trợ trực tiếp cho người dân cũng không phải là quá mới mẻ với Việt Nam, nên có thể thực hiện được. 

“Việc hỗ trợ trực tiếp giúp người dân giảm được phần nào chi phí xăng dầu, nhưng quan trọng hơn là thể hiện được sự quan tâm, hỗ trợ người dân của Chính phủ lúc giá cả tăng cao”, ông Lạng nói thêm.

Định Trần