Đề xuất duy trì BRT và sớm triển khai 14 tuyến đường dành riêng cho xe buýt

30/06/2022 14:43

(CLO) Hiệp hội vận tải hành khách công cộng TP.Hà Nội (HAPTA) đề xuất tiếp tục phát triển làn đường dành riêng cho xe buýt. Sớm có kế hoạch cụ thể triển khai 14 tuyến đường dành riêng để khai thác hiệu quả tốc độ xe chạy.

Chủ tịch HAPTA Nguyễn Trọng Thông vừa có văn bản số 26/CV-HAPTA kiến nghị tới Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Chủ tịch UBND TP.Hà Nội và các đơn vị liên quan tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và phát triển vận tải hành khách công cộng.

Duy trì đường dành riêng, tăng tần suất cho tuyến buýt BRT và sớm triển khai 14 tuyến đường dành riêng cho xe buýt. Ảnh minh họa.

Duy trì đường dành riêng, tăng tần suất cho tuyến buýt BRT và sớm triển khai 14 tuyến đường dành riêng cho xe buýt. Ảnh minh họa.

Trong đó, HAPTA kiến nghị UBND TP.Hà Nội, Sở GTVT Hà Nội xem xét điều chỉnh kế hoạch sản lượng, doanh thu để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vì sản lượng suy giảm do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Đồng thời tăng tần suất trên tất cả các tuyến vận tải hành khách công cộng, tạo thêm công ăn, việc làm để cải thiện thu nhập cho người lao động.

Đáng chú ý, Hiệp hội kiến nghị kiên trì với chủ trương ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng sao cho hành khách khi sử dụng xe công cộng được thuận tiện, tiếp cận an toàn và đi nhanh hơn khi sử dụng xe cá nhân.

Đặc biệt duy trì đường dành riêng, tăng tần suất cho tuyến buýt BRT, có chế tài chống chiếm dụng làn đường dành riêng.

Tiếp tục phát triển làn đường dành riêng cho xe buýt. Sớm có kế hoạch triển khai 14 tuyến đường dành riêng để khai thác hiệu quả, nâng cao khả năng phục vụ của xe buýt bằng tốc độ xe chạy.

Tổ chức giao thông tiếp cận thuận tiện, an toàn cho Đường dành riêng của buýt, BRT, Metro nên giao cho một tổ chức thuộc Thành phố quản lý, vận hành và khai thác hệ thống Giao thông tiếp cận.

Bên cạnh đó, HAPTA cũng nêu kiến nghị với Bộ GTVT, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, UBND TP.Hà Nội đề nghị với Chính phủ để trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung luật Giao thông Đường bộ cho hoàn thiện, phù hợp với giai đoạn mới và thông lệ quốc tế.

Không nên xây dựng thêm luật “Bảo đảm trật tự an toàn Giao thông đường bộ”, tránh tiền lệ cho việc phải xây dựng các luật An toàn giao thông tương ứng cho các luật Đường Sắt, Thủy, Hải, Hàng không,…

Trước đó, Sở GTVT Hà Nội đã đề xuất Thành phố cho phép các phương tiện gồm xe vận tải khách khối lượng lớn từ 24 chỗ trở lên, các loại xe công vụ, xe cứu nạn, xe buýt thường đi chung vào làn BRT để giảm thiểu ùn tắc giao thông.

Thế Anh