Những sai lầm thường gặp khi chế biến thịt gây hại sức khỏe
(CLO) Thịt là món ăn quen thuộc trên mâm cơm của mọi gia đình Việt. Tuy nhiên nếu không biết chế biến đúng cách, thịt lợn có thể mang lại những tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Rã đông sai cách
Rất nhiều bà nội trợ có thói quen bỏ thịt trong tủ lạnh ra để ở nhiệt độ phòng để rã đông trước mà không biết rằng đang tự hại chính mình bởi nhiệt độ phòng là môi trường lý tưởng cho các loại vi khuẩn sinh sôi.

(Ảnh: Internet)
Không những thế, nhiều người mất kiên nhẫn với việc rã đông nên cho thịt vào nước nóng để thúc đẩy nhanh quá trình này. Khi gặp nhiệt độ cao, bề mặt của thịt hình thành một lớp màng cứng, ảnh hưởng đến sự khuếch tán nhiệt độ trong miếng thịt, tạo cơ hội cho các loại vi trùng, vi khuẩn sinh sôi nảy nở, làm thịt bị biến chất.
Cho thêm nước lạnh khi đang luộc thịt hoặc hầm xương
Đây là sai lầm khá phổ biến của những người nội trợ. Theo các chuyên gia về thực phẩm, trong thịt và xương có chứa nhiều protein và chất béo, nếu cho nước lạnh vào trong khi đang chế biến sẽ làm cho nhiệt độ của nước giảm đột ngột, protein và chất béo ngay lập tức bị kết tủa; các rãnh, khe hở của thịt và xương sẽ co lại và rất khó mềm. Bên cạnh đó mùi vị tươi ngon của thịt và xương cũng bị ảnh hưởng.
Dùng chung thớt để thái thịt, rau và đồ chín
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo nên sử dụng loại thớt riêng biệt khi thái thịt, rau sống và đồ chín. Nguyên nhân là khi thái, một lượng không nhỏ vi khuẩn sẽ nhanh chóng bám vào thực phẩm, ảnh hưởng tiêu cực đến người ăn.

(Ảnh: Internet)
Nấu thịt quá lâu
Nhiều người cho rằng thịt nấu càng nhừ càng tốt. Tuy nhiên, các loại acid amin, creatinine, đường và các hợp chất vô hại trong thịt khi ở nhiệt độ 200℃ - 300℃ sẽ phản ứng tạo ra amin có hương thơm, loại amin này hàm chứa 12 loại hợp chất hóa học, trong đó 9 loại có khả năng gây ung thư.
Chiên thịt xông khói trong chảo nóng
Khi thịt xông khói khi tiếp xúc với nhiệt độ cao của dầu ăn dễ dàng sinh ra độc tố gây ung thư. Thay vào đó, bạn có thể đặt thịt hun khói lên lá nhôm rồi làm nóng trong lò nướng chừng 18 phút. Miếng thịt sẽ có được màu vàng ươm, giòn tan như mong đợi.

(Ảnh: Internet)
Chọc đũa và lật thịt liên tục
Chọc đũa là cách các mẹ vẫn truyền tai nhau để kiểm tra thịt chín. Tuy nhiên bạn đừng quá vội vàng mà chọc đũa và lật thịt liên tục. Bởi như thế chất ngọt trong thịt sẽ liên tục tiết ra ngoài, làm thịt khô và mất đi vị ngon vốn có. Khi luộc thịt, chờ sau khi nước sôi 5 phút hẵng chọc đũa để xem thịt chín chưa. Nếu thịt chưa chín thì luộc 5 phút nữa là được. Khi chiên bạn chờ cho thịt vàng một mặt mới bắt đầu lật hay khi kho thịt, chờ mặt thịt săn lại rồi mới lật mặt.