An sinh xã hội: Nhiều khoảng trống cần nhanh chóng được lấp đầy!

14/07/2022 09:12

(NB&CL) An sinh xã hội, ngoài câu chuyện trách nhiệm xã hội, còn là câu chuyện của tình người… vì thế, lấp đầy những khoảng trống an sinh, việc chẳng dễ trong một ngày một ngày hai, nhưng không thể không làm…

Cả nước đang có khoảng 9,6 triệu người già trên 60 tuổi không nhận được bất kỳ khoản lương hưu nào và dự báo tăng lên 13 triệu vào năm 2030. Trong 11,4 triệu người cao tuổi mới chỉ có 4,3 triệu người đang được hưởng lương hưu (chiếm 38%). Những con số đáng quan ngại ấy chỉ là một trong rất nhiều những khoảng trống an sinh xã hội đang cần phải nhanh chóng được lấp đầy.

1. Cuối tháng 2/2020, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều đoạn clip ghi lại cảnh cụ Võ Thị Dung (88 tuổi, ở ấp An Khương, xã An Thạnh Thủy, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang) đang nằm trên giường thì bị con dâu và con trai dùng tay và roi đánh đập liên tục trong lúc thay tã, vệ sinh cho bà. Thời điểm đó, bước đầu cơ quan chức năng xác định, hình ảnh hai người có hành vi ngược đãi cụ Dung là ông Võ Quốc T (56 tuổi, con trai cụ Dung) và bà Phạm Thị L (57 tuổi, vợ ông T). Được biết, cụ Dung có 3 người con (1 con trai và 2 con gái). Cách đây hai năm, cụ Dung về ở chung nhà với ông T. Do cao tuổi, bị mất trí nên trong sinh hoạt cá nhân giữa cụ Dung với con trai, con dâu thường xuyên xảy ra mâu thuẫn. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến việc cụ Dung bị ngược đãi, bạo hành.

an sinh xa hoi nhieu khoang trong can nhanh chong duoc lap day hinh 1

Đau lòng là những câu chuyện con cái ngược đãi cha mẹ già tàn nhẫn như vậy có xu hướng xuất hiện ngày càng nhiều. Đau lòng hơn nữa là đó mới chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”, còn vô số những câu chuyện không xuất hiện trên mặt báo nhưng không kém xót xa. Chuyện con cái buông lời nặng nề, thậm chí xúc phạm cũng không còn là chuyện hiếm.

Nguyên nhân của những sự việc con cái ngược đãi cha mẹ đau lòng ấy, dù rất khác nhau, nhưng phần đa và xét đến tận cùng, chung quy vẫn là câu chuyện “cơm áo gạo tiền”, cha mẹ già yếu bệnh tật không còn sức lao động trở thành gánh nặng cho con cái.

Bà Ingrid Christensen - Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam nhấn mạnh dù có tiến triển đáng kể nhưng nhiều người Việt Nam chưa được tiếp cận đầy đủ với an sinh xã hội. Việt Nam cần nỗ lực để đảm bảo an sinh cho xã hội, giải quyết thách thức từ các nhóm chính sách bị bỏ sót, những nhóm người làm việc tự do… thuộc nhóm cấp thiết cần tham gia an sinh xã hội.

2. Điều đáng quan ngại là tỷ lệ người già đang sống phụ thuộc hoàn toàn hoặc một phần vào con cái tại Việt Nam là khá lớn. Theo thống kê từ BHXH Việt Nam, cả nước đang có khoảng 9,6 triệu người già trên 60 tuổi không nhận được bất kỳ khoản lương hưu nào. Còn theo một nghiên cứu gần đây thực hiện bởi Tổng cục Thống kê và Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc, nguồn thu nhập chính của người cao tuổi ở Việt Nam (từ 60 tuổi trở lên) chủ yếu đến từ hỗ trợ của con cái, chiếm khoảng 38%. Trong khi đó, các nguồn thu nhập mà người cao tuổi có được từ lương hưu chỉ khoảng 15% và từ nguồn trợ cấp xã hội khoảng 10%.

an sinh xa hoi nhieu khoang trong can nhanh chong duoc lap day hinh 2

Với cả những người được xem là có lương hưu thì số người cao tuổi đang có mức lương hưu thấp, trung bình từ 3-5 triệu đồng/tháng đang được xem là phổ biến. Mức lương này, như lời bà Phạm Thị Hải Chuyền - nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội, - nguyên Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam thì, nếu chỉ dành cho sinh hoạt thông thường đã khó khăn, phải tiết kiệm, chưa nói đến nếu bị bệnh tật (mặc dù đã có bảo hiểm y tế). Vì vậy, phần đông số họ vẫn phải dựa vào con cháu.

3. Dân số Việt Nam được cho là đang già hóa với tốc độ nhanh chưa từng thấy. Theo phân tích của Tổng cục Thống kê, trong vòng 30 năm qua, mức sinh của Việt Nam đã giảm gần một nửa. Cả nước có 11,4 triệu người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên, chiếm 11,86% tổng dân số, và chỉ số già hóa tăng từ 35,9% vào năm 2009 lên 48,8% vào năm 2019. Dự báo tới năm 2039, Việt Nam trở thành nước dân số già khi có khoảng 15,5 triệu người trên 65 tuổi và tăng lên 21,7 triệu người vào năm 2050 (chiếm 19% dân số). 

an sinh xa hoi nhieu khoang trong can nhanh chong duoc lap day hinh 3
“Cải cách an sinh xã hội ở Việt Nam phải đi đôi với tăng đáng kể đầu tư cho an sinh xã hội, để có thể đạt được những tác động đúng với tiềm năng của chính sách. Đầu tư tăng cường vào an sinh xã hội cũng có thể trở thành một trong những động lực chính thúc đẩy sự phục hồi kinh tế sau đại dịch của Việt Nam" - ông André Gama, chuyên gia an sinh xã hội của Tổ chức lao động quốc tế (ILO).

Điều đáng nói là với tỷ lệ già hóa nhanh chưa từng thấy, thu nhập bình quân của người dân tăng 30-40%, đạt 4.000 USD mỗi năm; duy trì việc làm cho hơn 54 triệu người; tỷ lệ thất nghiệp bình quân 2-3%, song diện bao phủ bảo hiểm xã hội (BHXH) tại Việt Nam lại còn quá ít ỏi và tăng chậm. Cả nước có khoảng 50 triệu lao động trong độ tuổi, số tham gia BHXH chỉ gần 16,6 triệu, chiếm 37%, tức BHXH mới chỉ bao phủ được 1/3 lực lượng lao động.

Theo BHXH Việt Nam, với tốc độ già hóa dân số hiện nay, nếu không nỗ lực mở rộng bao phủ bảo hiểm xã hội thì đến 2030, Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ có 12 triệu người cao tuổi không có lương hưu. Theo các chuyên gia, đây sẽ là gánh nặng lớn đối với hệ thống an sinh xã hội trong tương lai.

Muốn gỡ bỏ dần gánh nặng này, các chuyên gia khuyến cáo, cần phải tiến hành tổng hòa nhiều biện pháp như: làm cho BHXH bắt buộc trở nên hấp dẫn hơn; tăng diện bao phủ BHXH bắt buộc bằng cách nâng mức hưởng thỏa đáng, đơn giản hóa điều kiện hưởng chế độ, đưa nhiều nhóm người lao động tham gia BHXH bắt buộc, tăng cường truyền thông… 

Bên cạnh đó, các chuyên gia còn chỉ ra rằng muốn thực sự cải cách hệ thống an sinh xã hội, Việt Nam sẽ cần tăng đầu tư cho lĩnh vực này, bởi hiện nay Việt Nam chi cho an sinh xã hội (dưới 5% GDP) thấp hơn đáng kể so với mức trung bình của Thế giới (khoảng 13% GDP) và thậm chí thấp hơn so với mức trung bình của khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương (khoảng 8% GDP)…

Các chuyên gia thường nói tới khái niệm sàn an sinh xã hội với nội hàm mọi thành viên trong xã hội sẽ đều được bảo vệ, tối thiểu là trong lĩnh vực chăm sóc y tế… Tuy nhiên, cái gọi là mức sàn hay những khoảng trống an sinh xã hội có được lấp đầy hay không phụ thuộc chính vào việc cải thiện, khắc phục đến đâu những giải pháp đó. Hai năm đại dịch COVID-19 với rất nhiều hệ lụy đã, đang và sẽ còn đè nặng lên cả đời sống người dân và doanh nghiệp, ảnh hưởng tiêu cực tới nỗ lực bao phủ BHXH… Tuy nhiên, an sinh xã hội, ngoài câu chuyện trách nhiệm xã hội, còn là câu chuyện của tình người… vì thế, lấp đầy những khoảng trống an sinh, việc chẳng dễ trong một ngày một ngày hai, nhưng không thể không làm…

Hà Trang