Lạm phát phi mã, biểu tình đòi tăng lương lan rộng ở Argentina

18/08/2022 08:18

(CLO) Hàng ngàn người đã tập trung biểu tình ở trung tâm thủ đô Buenos Aires của Argentina vào hôm thứ Tư (17/8), mang theo sự tức giận và yêu cầu chính phủ tăng lương trong bối cảnh lạm phát nước này đang tăng phi mã.

Cuộc khủng hoảng kinh tế của quốc gia Nam Mỹ đã chứng kiến tỷ lệ người nghèo tăng lên 40% dân số, trong khi Tổng thống Alberto Fernandez vẫn đang chật vật tìm giải pháp cho tỷ lệ lạm phát hàng năm dao động quanh mức 70%.

lam phat phi ma bieu tinh doi tang luong lan rong o argentina hinh 1

Đoàn người biểu tình đòi tăng lương tuần hành về phía tòa nhà quốc hội ở Buenos Aires, Argentina vào ngày 17 tháng 8 năm 2022. Ảnh: Reuters

lam phat phi ma bieu tinh doi tang luong lan rong o argentina hinh 2

Những người biểu tình tuần hành qua một quảng trường ở Buenos Aires, Argentina vào ngày 17 tháng 8 năm 2022. Ảnh: Reuters

lam phat phi ma bieu tinh doi tang luong lan rong o argentina hinh 3

Một hình ảnh khác về đoàn người biểu tình đòi tăng lương ở Argentina. Ảnh: Reuters

Đoàn người biểu tình đã diễu hành tới dinh tổng thống và tòa nhà quốc hội, sau khi lách qua các đại lộ chính của thủ đô và khiến giao thông ùn tắc. Những người biểu tình bất chấp một ngày gió rét, đã kêu gọi chính phủ tăng lương phù hợp với lạm phát, để giảm bớt nỗi đau kinh tế lan rộng.

Pablo Moyano, người đứng đầu liên đoàn công nhân CGT, cho biết: “Chúng tôi không thể tiếp tục với mức lạm phát này, nơi mà hàng ngày chúng tôi liên tục mất đi một phần tiền lương của mình".

Giá cả tại các cửa hàng tạp hóa và cửa hàng được cập nhật thường xuyên để phản ánh lạm phát phi mã, chỉ riêng tháng trước đã tăng 7,4%, mức tăng hàng tháng cao nhất trong hai thập kỷ.

Nói chuyện với đám đông người tuần hành, Moyano, bản thân là một người theo chủ nghĩa Peronist, đã yêu cầu Tổng thống Fernandez kiểm soát giá cả. Các nhà lãnh đạo công đoàn khác cũng có chung mong muốn như Moyano.

Ramon Luque, người đứng đầu một công đoàn đại diện cho công nhân trong lĩnh vực giấy và bìa carton, cho biết: “Không có việc làm, tiền lương không đủ và giá cả liên tục tăng”.

Hoàng Anh (theo Reuters)