Bài 2: Mặt trận Việt Minh - Đánh thức tinh thần dân tộc
(NB&CL) Quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh là chủ trương hết sức sáng suốt của Trung ương Đảng và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, có ý nghĩa quan trọng vào sự phát triển của phong trào cách mạng giải phóng dân tộc mà đỉnh cao là Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Bài liên quan
Bài 1: Cuộc trở về bí mật và Hội nghị quan trọng nơi Khuổi Nặm
“Phải vận dụng một phương pháp hiệu triệu hết sức thống thiết làm sao đánh thức được tinh thần dân tộc xưa nay trong nhân dân….; phải đổi ra cái tên khác cho có tính chất dân tộc hơn, cho có một mãnh lực dễ hiệu triệu hơn”. Đó là những nguyên cớ dẫn tới sự ra đời của Mặt trận Việt Minh. Và lịch sử cho thấy, quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh là chủ trương hết sức sáng suốt của Trung ương Đảng và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, có ý nghĩa quan trọng vào sự phát triển của phong trào cách mạng giải phóng dân tộc mà đỉnh cao là Cách mạng tháng Tám năm 1945.
“Làm cho nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập/Làm cho dân Việt Nam được sung sướng tự do”
Hội nghị Trung ương lần thứ VIII tháng 5/1941 của Đảng ở Pác Bó (Cao Bằng) đã thực sự đánh dấu sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng của Đảng, khẳng định giải phóng dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng Việt Nam. Và sự chỉ đạo chiến lược ấy nằm ngay từ quyết định cho ra đời Mặt trận Việt Minh.
Nhận định về tình hình cách mạng nước ta lúc đó, Nghị quyết của Hội nghị đã khẳng định: “Trong lúc này, quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này, nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi lại được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, của giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”.
Để thực hiện được nhiệm vụ trên, đòi hỏi Đảng ta phải tập hợp, đoàn kết được mọi lực lượng trong xã hội, không phân biệt tôn giáo, đảng phái, dân tộc vào một mặt trận dân tộc thống nhất. Và theo đề nghị của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất chống phát xít Pháp - Nhật lấy tên là Việt Nam Độc lập Đồng minh, gọi tắt là Việt Minh nhằm tập hợp và đoàn kết rộng rãi các giai cấp, các dân tộc, tôn giáo, các giới… vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng.

Khẩu hiệu của Việt Minh kêu gọi đồng bào gia nhập Việt Minh và đoàn kết đánh đuổi Nhật - Pháp. Ảnh tư liệu.
Từ quyết định ấy, ngày 19/5/1941, Mặt trận Việt Minh đã ra đời. Mặt trận Việt Minh lấy lá cờ đỏ có ngôi sao vàng năm cánh làm huy hiệu, khẩu hiệu chính là: phản Pháp - kháng Nhật - liên hoa - độc lập.
Ngày 25/10/1941, Tổng bộ Việt Minh công bố Tuyên ngôn, Chương trình và Điều lệ, nói rõ tôn chỉ, mục đích của mình: “Liên hiệp hết các tầng lớp nhân dân, các đảng phái cách mạng, các đoàn thể dân chúng yêu nước, đặng cùng nhau đánh đuổi Nhật, Pháp, làm cho Việt Nam hoàn toàn độc lập, dựng lên một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. “Việt Minh kết nạp từng đoàn thể, không cứ đảng phái, đoàn thể nào của người Việt Nam hay của các dân tộc thiểu số sống trong nước Việt Nam, không phân biệt giai cấp, tôn giáo và xu hướng chính trị” - điều lệ Việt Minh ghi rõ.
Điều đặc biệt là, cùng với việc công bố Tuyên ngôn, Điều lệ, Mặt trận Việt Minh cũng xác định cụ thể chương trình cứu nước với hai mục tiêu rõ ràng: 1. Làm cho nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập. 2. Làm cho dân Việt Nam được sung sướng tự do. Chương trình gồm 44 điểm, sau được đúc kết lại thành “Mười chính sách của Việt Minh” và phổ biến trong nhân dân, dễ hiểu, dễ nhớ: “Việt Nam độc lập đồng minh/Có bản chương trình đánh Nhật, đánh Tây/Quyết làm cho nước non này/Cờ treo độc lập, nền xây bình quyền/... Chúng ta có Hội Việt Minh/Đủ tài lãnh đạo chúng mình đấu tranh/... Khuyên ai nên nhớ chữ đồng/ Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh”.
Góp phần quan trọng vào thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945
Kể từ khi Mặt trận Việt Minh ra đời, như khẳng định trong cuốn “Cách mạng tháng Tám của Ban nghiên cứu lịch sử Đảng trung ương”, “toàn bộ phong trào chống phát xít Pháp - Nhật của nhân dân ta mang tên là Phong trào Việt Minh, cái tên tiêu biểu cho lòng yêu nước, chí quật cường của dân tộc ta”.
Dưới ngọn cờ của Mặt trận Việt Minh, tại các vùng căn cứ địa cách mạng, công cuộc chuẩn bị mọi mặt để tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền được xúc tiến mạnh mẽ, gấp rút.

Mười chính sách lớn của Việt Nam độc lập đồng minh (Mặt trận Việt Minh), năm 1941.
Để chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa đánh đuổi Nhật - Pháp, Việt Minh triển khai công tác tuyên truyền mạnh mẽ. Nhiều chỉ thị, lời kêu gọi và cả các truyền đơn của Tổng bộ Việt Minh được truyền đi tới các địa phương và phổ biến tới nhân dân. Ngày 25/1/1942, Báo Cứu Quốc - cơ quan của Tổng bộ Việt Minh ra số đầu tiên và phát hành cho khu vực từ Thanh, Nghệ, Tĩnh trở ra. Khắp các địa phương trong toàn quốc, các đoàn thể cứu quốc và Mặt trận Việt Minh lần lượt được thành lập. Năm 1944, Đảng dân chủ Việt Nam, tiêu biểu cho tầng lớp tư sản dân tộc và tiểu tư sản trí thức Việt Nam tham gia mặt trận.
Cùng với đó, các đội tự vệ cứu quốc, tự vệ chiến đấu được thành lập và được huấn luyện quân sự. Tháng 8/1944, Tổng bộ Việt Minh kêu gọi và phát động phong trào “sắm vũ khí đuổi thù chung”, phong trào xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng căn cứ địa và chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang. Tháng 5/1944, Tổng bộ Việt Minh ra chỉ thị sửa soạn khởi nghĩa.
Ngày 15/3/1945, Việt Minh ra lời kêu gọi kháng Nhật cứu nước: “...Tiến lên! Xông tới! Cứu nước, cứu nhà! Lấy máu đào rửa hận cho Tổ quốc...”
Ngày 25/3/1945, Việt Minh phát động một cao trào kháng Nhật cứu nước trên khắp cả nước, Báo Cờ giải phóng số 11 (ngày 25/3/1945) đã đăng lời Hiệu triệu của các đoàn thể cứu quốc trong Việt Minh.
Ngày 14/8/1945, Tổng bộ Việt Minh ra lời Hiệu triệu quốc dân đồng bào nêu rõ: “Giờ Tổng khởi nghĩa đã đánh... Trước cơ hội có một không hai ấy, toàn thể dân tộc ta phải đem hết lực lượng, dùng hết can đảm, bao quanh đạo quân Giải phóng Việt Nam, tung xương máu ra đánh đuổi giặc Nhật, đổi lấy tự do, hạnh phúc cho nhân dân!... Thắng lợi nhất định sẽ về ta!”.
Ngày 16/8/1945, dưới mái đình Hồng Thái, Quốc dân đại hội Tân Trào bao gồm 60 đại biểu cả nước đã họp để thông qua Mệnh lệnh khởi nghĩa của Tổng bộ Việt Minh. Đại hội Quốc dân vừa bế mạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi đồng bào cả nước đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta... chúng ta không thể chậm trễ. Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên!”.
Cả nước đã nhất tề đứng dậy tổng khởi nghĩa theo hiệu triệu của Việt Minh. Sáng ngày 19/8/1945, theo lời kêu gọi và thực hiện Chỉ thị của Việt Minh, cả Hà Nội vùng dậy dưới rừng cờ đỏ sao vàng với hàng nghìn nông dân, công nhân, dân nghèo, bằng những vũ khí thô sơ, cùng với hàng vạn quần chúng nhân dân ở khu vực ngoại thành kéo vào, xuống đường tiến thẳng về trung tâm Nhà hát thành phố.
Chỉ trong vòng 12 ngày, từ ngày 14 đến ngày 25/8/1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng và ngọn cờ của Việt Minh, hơn 20 triệu nhân dân ta từ Bắc đến Nam đã tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám thành công.
“Việt Minh có công lớn trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, chống quân cướp nước. Công đức ấy tất cả mọi người Việt Nam phải ghi nhớ” - tuyên ngôn của Đại hội toàn quốc thống nhất Việt Minh - Liên Việt họp tháng 3/1951 nêu rõ.
Hà Anh