Cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt khi các “ông lớn” công nghệ dịch chuyển sang Việt Nam
(CLO) Những động thái chuyển dịch sản xuất, lắp ráp, đầu tư của các tập đoàn công nghệ lớn vào Việt Nam đang là một tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, để có thể nắm bắt cơ hội, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt cần phải nỗ lực rất nhiều.
Mới đây đã có thông tin về việc Apple lần đầu tiên sản xuất đồng hồ Apple Watch và máy tính xách tay MacBook tại Việt Nam. Cụ thể là các nhà cung cấp của Apple là Luxshare Precision Industry và Foxconn đã bắt đầu sản xuất thử nghiệm Apple Watch ở Việt Nam với mục đích lần đầu sản xuất thiết bị này bên ngoài Trung Quốc.
Đáng chú ý, thông tin này được đưa ra cùng với thời điểm Foxconn - doanh nghiệp lớn trong chuỗi cung ứng của Apple vừa quyết định đầu tư thêm 300 triệu USD và thuê hơn 50 ha đất để xây dựng nhà máy mới tại Khu công nghiệp Quang Châu (Bắc Giang).

Việc các tập đoàn công nghệ lớn dịch chuyển chuỗi cung ứng vào Việt Nam mang lại cơ hội nhưng cũng có sức ép rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh minh họa
Không chỉ Apple, hiện nay một số hãng công nghệ lớn có tên tuổi lớn trên thế giới như Samsung đã đặt cứ điểm sản xuất ở Việt Nam. Mới đây, Tổng Giám đốc Tập đoàn Samsung đã cho biết sẽ triển khai từng bước việc đầu tư 3,3 tỷ USD vào Việt Nam trong thời gian tới. Theo đó, tập đoàn này đang chuẩn bị các điều kiện để sản xuất thử các sản phẩm lưới bóng chíp bán dẫn và sẽ sản xuất đại trà tại nhà máy ở Thái Nguyên.
Liên quan đến làn sóng chuyển dịch của nhiều tập đoàn công nghệ có tên tuổi lớn, thông tin với phóng viên báo Nhà báo & Công luận, bà Đỗ Thị Thúy Hương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam (VASI) cho biết, thực tế, chuỗi cung ứng của Apple đã vào Việt Nam từ hai năm nay.
Tuy nhiên, thời gian đầu, các nhà sản xuất, cung ứng mới chỉ sản xuất, lắp ráp các sản phẩm có giá trị gia tăng và mức độ phức tạp chưa cao như tai nghe AirPods.
Khi Apple và các nhà cung ứng đang đàm phán để chuyển lắp ráp Macbook và Apple Watch sang Việt Nam sẽ giúp cho chúng ta có thêm các đơn hàng mà trước đây chưa được tham gia sản xuất.
Việc Apple chuyển dịch sản xuất các sản phẩm vào Việt Nam thể hiện sự đánh giá Việt Nam là một trong những thị trường có thể trở thành trọng điểm, được đánh giá đủ lớn để tương lai có thể hấp thụ lượng sản xuất lớn từ những nhà máy này.
Phó Chủ tịch VASI Đỗ Thị Thúy Hương nhận định, việc dịch chuyển chuỗi cung ứng của các tập đoàn điện tử lớn như Samsung hay Apple vào Việt Nam sẽ làm tăng vị thế của ngành công nghiệp điện tử trong nước trên bản đồ công nghiệp điện tử thế giới.
Thế giới sẽ nhìn nhận Việt Nam như một điểm đến tiềm năng. Điều này cũng làm tăng sức hấp dẫn thu hút đầu tư và năng lực của lao động Việt.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ, điện tử lớn trên toàn cầu vào Việt Nam sẽ mang lại giá trị lan tỏa, lôi kéo sự tham gia của các nhà cung cấp trong chuỗi cung ứng, đóng góp cho sự phát triển của công nghiệp điện tử Việt Nam.
Theo Phó Chủ tịch VASI, đây là một cơ hội tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam bởi các nhà cung ứng khi vào thị trường, bên cạnh việc mang theo chuỗi sẽ ít nhiều tìm kiếm các nhà cung ứng ở trong nước.
Tuy nhiên, đây cũng là một sức ép rất lớn. Bởi khi đó, chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI sẽ đổ vào, cạnh tranh với các doanh nghiệp trong nước không chỉ về công nghệ, sản xuất mà cả nhân lực, hạ tầng khu công nghiệp…
Các doanh nghiệp Việt cần phải nâng cao năng lực công nghệ và tài chính để đáp ứng yêu cầu của chuỗi cung ứng. Đồng thời phải cạnh tranh với các nhà cung ứng hiện hữu trong chuỗi.
Để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng này đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp Việt. Việc điều chỉnh, thích ứng với đòi hỏi của chuỗi cung ứng mới của một nhà sản xuất tiên tiến trên thế giới sẽ không dễ dàng. Điều này đòi hỏi sự hỗ trợ của Nhà nước cũng như các Hiệp hội để các doanh nghiệp Việt có thể tham gia vào chuỗi cung ứng của những tập đoàn, doanh nghiệp lớn như Apple, Samsung…