Bộ trưởng Nội vụ: Sẽ nâng mức phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách ở xã, thôn

04/11/2022 17:07

(CLO) Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, trên cơ sở nâng mức lương cơ sở đợt này Quốc hội sẽ quyết định có điều chỉnh mức khoán (phụ cấp - PV) cao hơn đối với cán bộ không chuyên trách ở xã, thôn, tổ dân phố.

Chiều 4/11, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong lĩnh vực nội vụ. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà chịu trách nhiệm trả lời chính.

bo truong noi vu se nang muc phu cap cho can bo khong chuyen trach o xa thon hinh 1

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trả lời chất vấn.

Giải pháp như nào để tăng phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách ở xã, thôn?

Tham gia chất vấn tại phiên họp, đại biểu Quốc hội Thái Thị An Chung - Đoàn Nghệ An cho biết, việc sát nhập xã, thôn trong giai đoạn vừa qua đã làm giảm số lượng lớn thôn, xóm. Tuy nhiên, việc tăng quy mô dân số, diện tích tự nhiên trong khi số lượng cán bộ thì giảm, do đó làm tăng khối lượng công việc cũng như làm tăng áp lực cho cán bộ không chuyên trách ở xã, thôn nhưng mà chế độ phụ cấp vẫn thực hiện như trước khi sát nhập.

Việc quyết định mức phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách ở xã, thôn là thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nhưng các tỉnh không thể tăng mức phụ cấp này do Nghị định 34/2019/NĐ-CP của Chính phủ.

Đại biểu Chung đề nghị Bộ trưởng cho biết khi nào trình Chính phủ xem xét sửa đổi Nghị định 34? Trong thời gian chờ sửa đổi Nghị định 34, Bộ trưởng có đề xuất giải pháp như nào để tăng phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách ở xã, thôn?

bo truong noi vu se nang muc phu cap cho can bo khong chuyen trach o xa thon hinh 2

Đại biểu Quốc hội Thái Thị An Chung - Đoàn Nghệ An.

Cũng liên quan đến nội dung này, đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương nêu câu hỏi: Nếu xây dựng Nghị định mới thay thế Nghị định 34/ 2019/NĐ-CP, Bộ có lấy ý kiến từ cấp cơ sở tại thôn, xã hay không ? Đại biểu cũng đề nghị Bộ trưởng nêu rõ chừng nào thì Nghị định mới ra đời để cán bộ cấp xã yên tâm công tác?

Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, thời gian vừa qua, nhất là năm 2021, Bộ Nội vụ đã nhận đc 100 kiến nghị của cử tri, từ các đoàn đại biểu Quốc hội, từ cử tri gửi về Bộ. Trong đó, nhóm vấn đề lớn nhất xoay quanh liên quan cán bộ công chức, viên chức, cán bộ không chuyên trách cấp xã, thôn.  

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, thực tế có hai chế độ công vụ, một chế độ công vụ từ cấp huyện trở lên, một chế độ công vụ ở cấp xã. Tuy nhiên, chế độ chính sách đối với cán bộ cấp xã không có thay đổi lớn so với cấp huyện. "Chỉ duy nhất khác nhau ở cái ngạch, đối với công chức cấp huyện trở lên được phân theo ngạch, cán bộ công chức cấp xã không tính theo ngạch và trả lương theo trình độ đào tạo", bà Trà nói. 

bo truong noi vu se nang muc phu cap cho can bo khong chuyen trach o xa thon hinh 3

Đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương.

Đối với đội ngũ cán bộ không chuyên trách, bà Phạm Thị Thanh Trà cho biết, thời gian vừa qua thực hiện Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII có cơ cấu lại gọn hơn. Ví dụ phân loại hành chính khu vực 1 có 23 người, loại 2 là 21 người, loại 3 có 19 người, giảm 3 người so với Nghị định 92 khi chưa sửa đổi. Theo đó, số lượng cán bộ không chuyên trách ở cấp xã cũng giảm đi, và số lượng cán bộ không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố cộng lại giảm gần 50% theo đúng tinh thần Nghị quyết của Trung ương.

Từ việc trên, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, hiện đang khoán kinh phí hoạt động cho đội ngũ không chuyên trách cấp xã và khoán cho đội ngũ không chuyên trách ở thôn. Trong đó, ở xã chỉ có 8 đến 9 chức danh không chuyên trách, ở thôn có 3 chức danh không chuyên trách đó là: Bí thư chi bộ, tổ trưởng dân phố và trưởng ban công tác mặt trận, cho đến bây giờ thấy có bất cập. 

"Thời gian vừa qua, chúng tôi cũng cho nghiên cứu kĩ, đánh giá tác động toàn diện về Nghị định 34 vì cũng có những bất cập trong thực tiễn khi đang thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính. Tinh gọn lại, nhiều nơi, quy mô dân số rất lớn", Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết và nêu ví dụ như tại TP HCM khi tôi đến có phường, xã có 130 nghìn dân, bên cạnh đó có nơi chỉ có khoảng 400 dân dẫn đến rất bất cập đối với vùng đô thị, phát triển quy mô dân số lớn mà vẫn ấn định số lượng cán bộ như vậy thì phải sửa Nghị định 34.

Hiện nay, Nghị định 34 đã gửi lấy ý kiến lần 1 với 63 tỉnh thành và sau kỳ họp sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát, xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét cho phù hợp hơn.

Cũng theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, việc sửa Nghị định cũng phải tính thêm với quy mô dân số nhất là ở các đô thị, biên giới, hải đảo. Đặc biệt, trên cơ sở nâng mức lương cơ sở đợt này Quốc hội sẽ quyết định thì sẽ có điều chỉnh mức khoán cao hơn đối với cán bộ không chuyên trách. 

"Nghị định 34 sửa đổi tới đây theo hướng phân cấp cho các địa phương căn cứ vào tổng số công chức cấp xã, cán bộ không chuyên trách ở cấp xã, tổ dân phố, ở thôn để các đồng chí căn cứ vào ngân sách của địa phương để bố trí đảm bảo được số lượng người làm việc. Chúng tôi sẽ làm sớm nhất có thể để sửa Nghị định 34" - bà Trà nêu rõ.

bo truong noi vu se nang muc phu cap cho can bo khong chuyen trach o xa thon hinh 4

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, tới đây, sẽ có điều chỉnh mức khoán cao hơn đối với cán bộ không chuyên trách. 

Sắp xếp đội ngũ cán bộ dôi dư, tài sản, trụ sở còn nhiều vướng mắc

Tại phiên chất vấn, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp gửi tới Bộ trưởng hai câu hỏi: Trong việc thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã trong thời gian qua các địa phương đã thực hiện rất tốt. Tuy nhiên, việc sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên trách, không chuyên trách dôi dư, tài sản, trụ sở còn nhiều vướng mắc, đến nay có nơi chưa thực hiện xong.

Đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân, giải pháp sắp tới vì chuẩn bị thực hiện sắp xếp giai đoạn hai, dự kiến dự báo sẽ khó khăn hơn? 

Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, việc thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã trong thời gian qua đã thành công. Đã sắp xếp 21 đơn vị hành chính cấp huyện, 1056 đơn vị hành chính cấp xã. Theo đó, đã giảm 8 đơn vị hành chính cấp huyện, giảm 561 đơn vị hành chính cấp xã.

Từ đó, giảm được 429 cơ quan cấp huyện, 3.437 cơ quan cấp xã. Giảm 706 cán bộ công chức cấp huyện, 9.705 cán bộ cấp công chức cấp xã, giảm chi ngân sách trên 2000 tỷ đồng. "Theo đó, kết quả đạt được rất lớn, cả hệ thống chính trị ghi nhận", bà Trà nhấn mạnh.

bo truong noi vu se nang muc phu cap cho can bo khong chuyen trach o xa thon hinh 5

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng cho biết, đã phát sinh một số vấn đề, cán bộ dôi dư, trụ sở một số nơi còn để lãng phí, chưa giải quyết xong. Tuy nhiên, theo Nghị quyết 653 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thì từ nay đến hết 2025 sẽ sắp xếp xong. Số cán bộ dôi dư ở cấp huyện còn 48%, cấp xã còn 31%.

"Khi xây dựng các đề án này, 45 địa phương trong diện sắp xếp đã cố gắng xây dựng phương án để sắp xếp dôi dư, thời điểm này chưa phải mốc để kết thúc sắp xếp cán bộ dôi dư. Chúng tôi rất mong các địa phương theo đề án của mình tập trung sắp xếp", bà Trà cho biết.

Cùng với đó, Bộ trưởng Nội vụ cũng cho biết, hiện nay, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ cũng đang rà soát các chính sách xung quanh như 108, 47, 46… để trên cơ sở đó xây dựng một bộ chính sách tốt hơn nhằm giải quyết, sắp xếp số cán bộ công chức, viên chức dôi dư khi phải sắp xếp bộ máy nói chung.

"Tới đây khi xây dựng nghị định chúng tôi sẽ làm rõ hơn về phần của Trung ương, về địa phương cũng cần cố gắng quan tâm có thêm cơ chế chính sách đủ mạnh để sắp xếp dôi dư", Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh.

Về tài sản lãng phí, bà Trà cho biết, hiện nay Bộ Tài chính đã có Thông tư số 56 để thực hiện sắp xếp, xử lý tài sản này; các địa phương cần cố gắng thực hiện theo đúng Thông tư để không lãng phí tài sản.

Quốc Trần