Chuyện về những nữ thuyết minh viên say mê kể chuyện Bác Hồ

02/09/2022 13:06

(CLO) “Người thuyết minh như chiếc cầu nối giữa quê Bác, cuộc đời Bác với mọi người. Vì thế, khi trình bày chúng tôi luôn tạo sự gần gũi để khách tham quan có cảm giác ấm áp như nhìn thấy bóng dáng Người”, đó là chia sẻ của những nữ thuyết minh viên tại Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên.

Vinh dự, tự hào

Trời thu nắng trải vàng ươm cánh đồng bao quanh con đường dẫn về Làng Sen quê Bác, tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn (Nghệ An). Trong khuôn viên Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên những bông sen cuối mùa vẫn kiên nhẫn tỏa hương trong nắng vàng rực rỡ.

Dưới hàng cây xanh mướt, hình ảnh những nữ cán bộ thuyết minh khoác trên mình tà áo dài màu hồng cánh sen như nổi bật giữa các đoàn khách đến thăm Làng Sen vào dịp Tết Độc lập.

chuyen ve nhung nu thuyet minh vien say me ke chuyen bac ho hinh 1

Khu di tích Kim Liên là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.

Là người có thâm niên 26 năm gắn bó với công việc thuyết minh tại Khu di tích Kim Liên nhưng chị Phùng Thị Hương Giang chưa bao giờ cảm thấy nhàm chán. Với chị, mỗi lần được thuyết minh là bản thân thấy tự hào. Hơn nữa, tình yêu công việc và sự xúc động, nỗi nghẹn ngào của những vị khách khi được nghe kể chuyện về Bác khiến chị nghẹn ngào, cảm xúc như lần đầu thuyết minh.

Chia sẻ về cơ duyên đến với công việc đặc biệt này, chị Giang cho hay, sau khi tốt nghiệp đại học chị đã có một công việc ổn định. Nhưng vì say mê những câu chuyện về Bác, mong muốn được tìm hiểu nhiều hơn nữa về vị lãnh tụ của dân tộc, chị quyết định thi tuyển làm người thuyết minh tại Khu Di tích Kim Liên. Và niềm khát khao ấy của chị đã trở thành hiện thực.

chuyen ve nhung nu thuyet minh vien say me ke chuyen bac ho hinh 2

Thuyết minh viên kể chuyện về Bác Hồ cho du khách.

26 năm là người kể chuyện về Bác cho du khách, chị Giang không nhớ nổi mình đã đón bao nhiêu đoàn tới thăm. Nhưng, đoàn khách để lại trong chị nhiều ấn tượng nhất là đoàn cựu binh Mỹ - những người trực tiếp tham chiến tại Việt Nam năm xưa. Chị kể, trong suốt quá trình tham quan ở đây, các thành viên trong đoàn đều im lặng, lắng nghe một cách chăm chú những câu chuyện về Bác. Đặc biệt, khi đứng trước bàn thờ ở nhà Bác, đoàn cựu binh Mỹ đứng cúi đầu rất lâu, nhiều người trong số đó đã khóc…

Còn với chị Nguyễn Thị Thanh Huyền, đối với mỗi đoàn khách có độ tuổi khác nhau chị lại có cách thuyết minh khác nhau. Như khi thuyết minh cho nhóm học sinh tiểu học về những năm tháng chào đời và tuổi thơ của cậu bé Nguyễn Sinh Cung, chị đưa ra những câu hỏi về thân thế, gia đình để các em trả lời. Sau đó, những thông tin đúc kết được chị nhắc đi, nhắc lại để các em nhớ lâu.

Một kỷ niệm mà chị nhớ nhất là lần nhận được lá thư của một cựu chiến binh ở tỉnh Hưng Yên. Lá thư bị nhòe mực, khó đọc và cuối thư được người viết giải thích do không cầm được nước mắt khi đặt bút viết. Người viết kể rằng, sau khi nghe chị thuyết minh những kỷ niệm về quê hương, gia đình và Người, khi về khách sạn ông lập tức viết một lá thư tâm sự, cảm ơn chị đã truyền cảm hứng về Bác tới ông và mọi người trong đoàn khách.

Nỗ lực học tập theo Bác suốt đời

Một điều đặc biệt về các hướng dẫn viên ở đây là đều nói giọng Nghệ bằng tiếng phổ thông. Chất giọng trầm ấm, truyền cảm, giúp những câu chuyện họ kể dễ nghe, dễ nhớ và dễ đi vào lòng người. Nhờ thế, các đoàn khách đến từ miền nam hay ngoài bắc đều hiểu rõ câu chuyện mà các thuyết minh viên muốn truyền đạt.

chuyen ve nhung nu thuyet minh vien say me ke chuyen bac ho hinh 3

 Nhiều đoàn khách về thăm quê Bác.

Qua cách truyền đạt của các chị, nhiều người đã òa khóc, thương và nhớ Bác. Những tình cảm yêu mến mà đồng bào cả nước dành cho Bác là động lực để các cán bộ thuyết minh xua đi những mệt mỏi của những ngày hè oi bức, những buổi trưa thông tầm hay một chút chạnh lòng vào những ngày lễ, Tết.

Để có được chất giọng truyền cảm, các thuyết minh viên phải luyện tập thường xuyên. Không ít lần họ tự đứng trước gương để luyện tập nói, tập cách ngừng nghỉ, nhấn nhá trong câu sao cho hợp lý. Ngoài yêu cầu về chuyên môn, các thuyết minh viên còn đòi hỏi phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, khả năng ứng xử nhanh, không được phép để xảy ra sai sót, dù là nhỏ nhất.

Song song với nhiệm vụ tham gia hướng dẫn ở Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên, các cán bộ thuyết minh còn được giao nhiệm vụ tuyên truyền, thuyết minh các chuyên đề về Bác ở các đơn vị ngoài Khu di tích như trường học, quân đội, đoàn viên thanh niên... Hàng năm, các cán bộ thuyết minh được tham gia các lớp bồi dưỡng, học thêm kiến thức về cuộc đời, sự nghiệp, làm các chuyên đề chuyên sâu và nghe thêm các câu chuyện về Bác Hồ.

Vậy là, bao nhiêu năm qua, ngày nắng cũng như mưa, trong tà áo dài màu hồng cánh sen, những thuyết minh viên vẫn miệt mài làm việc. Âm thầm, lặng lẽ, các chị góp phần không nhỏ vào việc bảo tồn, gìn giữ những tài sản thiêng liêng về vật chất và tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lan tỏa hình ảnh một vĩ nhân song có cuộc sống đời thường rất đỗi đơn sơ, giản dị đến đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Được biết, Khu di tích Kim Liên được thành lập từ năm 1956, với diện tích 205 ha. Đây là một trong những Khu di tích Quốc gia đặc biệt tại Việt Nam về Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần làm phong phú kho tàng di sản Việt Nam. Khu di tích Kim Liên là nơi lưu giữ nhiều tài liệu, hiện vật, không gian văn hóa - lịch sử về thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và hai lần Bác về thăm quê.

Các di tích được bảo tồn và tôn tạo tại khu di tích Kim Liên gồm cụm di tích Làng Sen - quê nội Chủ tịch Hồ Chí Minh gồm: nhà cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc, nhà cụ Nguyễn Sinh Nhậm, nhà thờ họ Nguyễn Sinh, nhà cụ cử nhân Vương Thúc Quý, lò rèn cố Điền, Giếng Cốc, núi Chung, sân vận động Làng Sen. Cụm di tích Hoàng Trù - quê ngoại Chủ tịch Hồ Chí Minh - gồm nhà của gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà cụ Hoàng Xuân Đường (ông ngoại Bác Hồ)...

Bài và ảnh: Thảo Nguyên

CTV