Thị trường vàng trang sức tại Việt Nam được đánh giá là “miếng bánh” đầy hấp dẫn

02/09/2022 12:24

(CLO) Thị trường trang sức Việt Nam được đánh giá là mảnh đất màu mỡ cho các ông lớn. Bằng chứng là mới đây, Pandora vừa đầu tư 100 triệu USD để xây nhà máy sản xuất tại Bình Dương đã cho thấy tiềm năng to lớn của thị trường này tại Việt Nam trong thời gian tới.

“Ông lớn” ngành trang sức thế giới đầu tư vào Việt Nam

Hồi đầu tháng 5, Pandora - thương hiệu trang sức đến từ Đan Mạch - vừa ký thỏa thuận xây dựng cơ sở chế tác trang sức mới tại khu công nghiệp Việt Nam Singapore 3 (VSIP) tỉnh Bình Dương. 

thi truong vang trang suc tai viet nam duoc danh gia la mieng banh day hap dan hinh 1

Mua bán vàng tại cửa hàng doji . Ảnh: TL

Pandora sẽ đầu tư 100 triệu USD để xây dựng cơ sở sản xuất mới tại Việt Nam. Dự án sẽ tạo ra việc làm cho hơn 6.000 thợ thủ công với công suất hàng năm là 60 triệu sản phẩm trang sức, đi vào giai đoạn xây dựng đầu năm 2023 và sẽ bắt đầu sản xuất vào cuối năm 2024. 

Đây sẽ là cơ sở sản xuất thứ ba của Pandora đồng thời là cơ sở sản xuất đầu tiên được xây dựng ngoài Thái Lan. Điều này sẽ cho phép Pandora tăng tổng công suất sản xuất của mình lên khoảng 60%.

Ông Jeerasage Puranasamriddhi, giám đốc Điều hành Tập đoàn Pandora tại Thái Lan khẳng định: “Đây là một bước tiến quan trọng đối với Pandora, đánh dấu lần đầu tiên chúng tôi xây dựng một cơ sở sản xuất bên ngoài Thái Lan".

Trước khi vào Việt Nam, Pandora đã tiến hành khảo sát đánh giá kỹ lưỡng trên tất cả các tỉnh thành và đã chọn tỉnh Bình Dương làm điểm dừng chân vì ba lý do: Thứ nhất, nguồn lao động có tay nghề cao sẵn có; Thứ hai, cơ sở hạ tầng và gần sân bay quốc tế. Và cuối cùng, chính là sự nhiệt tình, sự hỗ trợ và cam kết mạnh mẽ từ chính quyền tỉnh.

Chuyên gia phân tích thị trường Bùi Ngọc Sơn nhận định: "Khi hoàn thành, nhà máy này sẽ giúp Pandora có thể tối ưu giá thành bán ra tại thị trường Việt Nam, vì sản phẩm được chế tác và gia công tại chỗ, giảm thiểu chi phí xuất nhập khẩu, các loại thuế phí khác".

Đại diện Pandora kỳ vọng khi đi vào hoạt động từ quý IV/2024, cơ sở chế tác ở Việt Nam có thể đạt năng suất 60 triệu sản phẩm/năm, chiếm 1/3 năng suất toàn cầu. 100% sản phẩm sẽ được xuất khẩu đến các thị trường lớn trên toàn cầu.

Doanh nghiệp Việt đang ở đâu?

Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam nhận định: "Nhu cầu về trang sức của người tiêu dùng Việt Nam dần tăng khi cuộc sống ngày càng được cải thiện".

Theo báo cáo xu hướng nhu cầu vàng của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), tổng nhu cầu vàng cả năm 2021 ở Việt Nam ở mức 43 tấn, tăng trưởng khoảng 8%. Trong quý I năm nay, tổng nhu cầu vàng của người tiêu dùng Việt Nam đạt mức 19,6 tấn, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sự tăng trưởng này được thúc đẩy bởi tổng nhu cầu về vàng thỏi và đồng xu vàng tăng 4%, từ 13,5 tấn trong quý đầu tiên của năm 2021, lên 14 tấn trong cùng quý năm 2022 và nhu cầu đồ trang sức tăng 10%, từ 5,1 tấn trong quý 1/2021 lên 5,6 tấn trong quý 1 năm 2022.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, tiềm năng của thị trường trang sức, ông Thông cho rằng trong 10 năm tới, xu hướng trang sức trung cao cấp vẫn còn dư địa để tăng trưởng.

Theo nghiên cứu của Vietnam Direct, ở Việt Nam hiện tại, có khoảng 10.000 cửa hàng kinh doanh vàng bạc, đá quý ở. Tuy nhiên, đối với thị trường trang sức, chưa có một thương hiệu lớn nào được đánh giá là có khả năng chiếm lĩnh thị trường.

Các tên tuổi lớn như PNJ, SJC, Bảo Tín Minh Châu chỉ chiếm thị phần nhỏ. Trong khi đó, thị trường trang sức nội địa gặp nhiều thách thức thời kỳ COVID khiến các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh lĩnh vực này khó có thể trụ vững, ngoại trừ những thương hiệu lớn.

Đánh giá về thị trường trang sức tại Việt Nam, Chuyên gia phân tích thị trường Bùi Ngọc Sơn cho biết, thị trường màu mỡ này chưa được khai thác hết. Theo thống kê sơ bộ, các thương hiệu hiện tại chỉ chiếm khoảng 30 – 40% thị trường hiện tại. Cùng với đó, trên sân nhà, thương hiệu Việt có nhiều lợi thế để cạnh tranh.

Thị trường trang sức là thị trường thuộc dạng đặc thù. Có người mua trang sức để làm đẹp, có người mua trang sức, vàng để lưu trữ. Các thương hiệu Việt có cái lợi là được kinh doanh thêm vàng miếng, một trong những kênh lưu giữ dòng tiền hiệu quả.

Ông Louise Street, Nhà phân tích cấp cao EMEA tại Hội đồng Vàng thế giới nhận xét: “Quý đầu tiên của năm 2022 là một quý có nhiều hỗn loạn, được đánh dấu bởi các cuộc khủng hoảng địa chính trị, những khó khăn trong chuỗi cung ứng và lạm phát gia tăng. Những sự kiện toàn cầu và điều kiện thị trường này đã củng cố vị thế của vàng như một kênh trú ẩn an toàn, không chỉ cho các nhà đầu tư mà còn cho người tiêu dùng bán lẻ nhờ vào vị thế độc nhất vô nhị của nó. Với những động lực thị trường hiện tại, nhu cầu đầu tư dự kiến sẽ vẫn tăng mạnh do sự kết hợp của lạm phát cao và căng thẳng địa chính trị gia tăng có thể sẽ thúc đẩy nhu cầu vàng giữa các nhà đầu tư”.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để cạnh tranh sòng phẳng với quốc tế, đã đến lúc các thương hiệu Việt phải thay đổi về mẫu mã phù hợp với thị hiếu thị trường, khi theo một số khảo sát, những người trẻ đang là trụ cột tiêu dùng. Phần lớn các mẫu mã trang sức hiện đang nhắm tới tệp khách hàng thuộc phân khúc này.

Hiện nay, thương hiệu Việt vẫn có lợi thế sân nhà, chỉ cần làm tốt là không sợ người tiêu dùng quay lưng. Tuy nhiên, đây vừa là cơ hội vừa là thách thức. Chỉ những doanh nghiệp thực sự mạnh, có thương hiệu và uy tín mới có thể nắm bắt tốt cơ hội này.

Khánh Ly