Những người đào tẩu Triều Tiên nổi tiếng trên YouTube
(CLO) Với những người chưa từng tiếp xúc với Internet, việc trở thành một YouTuber nổi tiếng là điều mà họ khó có thể nghĩ tới. Tuy nhiên, điều không tưởng này đang trở thành hiện thực đối với một số người đào tẩu Triều Tiên.
Bỗng dưng nổi tiếng
Lớn lên ở Triều Tiên, Kang Na-ra chưa bao giờ sử dụng Internet. Thậm chí một số ít đồng hương của cô được đặc quyền cho phép sử dụng điện thoại thông minh chỉ có thể truy cập vào mạng nội bộ bị hạn chế chặt chẽ của quốc gia. YouTube, Instagram và Google là những khái niệm hoàn toàn xa lạ.

Kang Na-ra, một người Triều Tiên và hiện đang là ngôi sao YouTube ở Hàn Quốc. Ảnh: YT
Bài liên quan
Hàn Quốc nói sẽ đáp trả nếu Triều Tiên thử hạt nhân
Triều Tiên từ chối đề xuất viện trợ kinh tế của Hàn Quốc
Triều Tiên phóng tên lửa hành trình, Hàn Quốc kêu gọi đàm phán
Nga và Triều Tiên sẽ mở rộng quan hệ song phương
Giờ đây, cô là một ngôi sao YouTube với hơn 350.000 người đăng ký. Các video nổi tiếng nhất của cô đã thu về hàng triệu lượt xem. Tài khoản Instagram của cô, với hơn 130.000 người theo dõi, đã nhận được những lời mời quảng cáo từ các thương hiệu lớn bao gồm Chanel và Puma.
Cô nằm trong số ngày càng nhiều những người đào tẩu từ Triều Tiên đang kiếm sống bằng việc thực hiện các video trên YouTube và các nền tảng mạng xã hội khác.
Hàng chục người đã đi theo con đường tương tự trong thập kỷ qua. Các video và tài khoản của họ mang đến cái nhìn hiếm hoi về cuộc sống ở Triều Tiên, như tiếng lóng họ sử dụng, thói quen hàng ngày của họ.
Một số kênh cung cấp nhiều nội dung chính trị hơn, khám phá mối quan hệ của Triều Tiên với các quốc gia khác; những người khác đi sâu vào thế giới của người giàu và giải trí đại chúng. Nhưng đối với nhiều người trong số họ, việc bắt đầu công việc này không phải dễ dàng.
Các chuyên gia cho biết các nền tảng trực tuyến này không chỉ cung cấp sự độc lập về tài chính, mà còn mang lại cảm giác tự chủ và tự đại diện khi họ hòa nhập với một thế giới mới đầy khó khăn.

Một trong số ít trang web có thể truy cập ở Triều Tiên. Ảnh: CNN
"Họ bắt đầu vào Hàn Quốc với số lượng đáng kể trong 20 năm qua, hầu hết đều trốn qua biên giới dài của Triều Tiên với Trung Quốc", ông Sokeel Park, Giám đốc tổ chức phi lợi nhuận quốc tế Liberty tại Triều Tiên cho biết.
Hành trình đầy rủ ro
Theo Bộ Thống nhất Seoul, kể từ năm 1998, hơn 33.000 người đã đào tẩu từ Triều Tiên đến Hàn Quốc, với con số cao nhất là 2.914 người vào năm 2009.
Cô Kang, hiện 25 tuổi, là một trong số nhiều người đã thực hiện chuyến đi với nhiều rủi ro, chẳng hạn như có thể bị bắt hoạt động mại dâm ở Trung Quốc, hoặc bị bắt và đưa trở lại Triều Tiên. Cô đã trốn đến Hàn Quốc vào năm 2014 khi còn là một thiếu niên cùng với mẹ của mình.
Giống như nhiều người khác, cô phải đối mặt với sự cô đơn, cú sốc văn hóa và áp lực tài chính. Thị trường việc làm nổi tiếng cạnh tranh của Hàn Quốc thậm chí còn khó khăn hơn đối với những người đào tẩu, những người phải điều chỉnh để thích nghi với cả xã hội tư bản và sự thù địch từ một số người dân địa phương.
Theo Bộ Thống nhất, tính đến năm 2020, 9,4% người đào tẩu thất nghiệp, cao gấp đôi so với mức 4% của dân số nói chung.
Đối với Kang Na-ra, một bước ngoặt đã đến khi cô bắt đầu được tư vấn và tham gia vào một trường học dành cho những người đào tẩu. Nhưng phải đến khi cô xuất hiện trong một chương trình truyền hình của Hàn Quốc, cô mới bắt đầu bước vào con đường này.
Trong những năm 2010, sự say mê ngày càng tăng của công chúng đối với người Triều Tiên đã làm nảy sinh một thể loại truyền hình mới được gọi là "Đào tẩu TV", trong đó những người đào tẩu được mời chia sẻ kinh nghiệm của họ.
Cô Kang đã xuất hiện trên chương trình này, và đó cũng là khoảng thời gian cô lần đầu tiên tiếp xúc với YouTube, nơi cô đặc biệt bị thu hút bởi các video về trang điểm, làm đẹp và thời trang. Đến năm 2017, cô đã tạo kênh của riêng mình, tận dụng sự nổi tiếng ngày càng tăng của mình và "ghi lại cuộc sống hàng ngày".
Nhiều video trên YouTube của cô khám phá sự khác biệt giữa hai miền Triều Tiên theo phong cách vui vẻ, trò chuyện, chẳng hạn như các tiêu chuẩn sắc đẹp tương phản. "Ở Bắc Triều Tiên, nếu bạn có bộ ngực lớn, điều đó được coi là không tốt!". Cô ấy cười trong một video, kể lại sự ngạc nhiên của cô khi phát hiện ra áo lót độn ngực.
Các video khác trả lời các câu hỏi phổ biến về việc đào thoát khỏi Triều Tiên, chẳng hạn như những gì mà những người đào tẩu mang theo (muối để cầu may, một bức ảnh gia đình để an ủi v.v.).
Cuối cùng, kênh của cô trở nên phổ biến đến mức cô đã nhận được thư mời hợp tác ba cơ quan quản lý. Cô bắt đầu thuê các chuyên gia biên tập video và bắt đầu thu hút nguồn tài trợ trên Instagram. "Hiện tại tôi có một nguồn thu nhập ổn định. Tôi có thể mua và ăn những gì tôi muốn", cô chia sẻ.

Youtuber Kang Na-ra trong một lần phát sóng trên Youtube
Mô hình thành công này cũng được áp dụng bởi những YouTuber đào tẩu khác, chẳng hạn như Kang Eun-jung, với hơn 177.000 người đăng ký; Jun Heo, với hơn 270.000 trước khi gỡ kênh của mình trong năm nay; và Park Su-Hyang, với 45.000 người.
Theo ông Sokeel Park thuộc tổ chức Liberty ở Triều Tiên, một phần thành công là vì những người đào tẩu khá có đầu óc kinh doanh. "Tôi nghĩ rằng một yếu tố trong đó là họ được quyền nắm quyền chủ động, không bị sai khiến bởi một người chủ Hàn Quốc hay bị áp lực phải hòa nhập với văn hóa làm việc của Hàn Quốc", ông cho hay.
"Điều này phù hợp với những người đang bị sốc văn hóa như những người đào tẩu, khi họ có thể tự thiết lập lịch trình và làm việc theo cách của họ", ông nhận định.
Muốn mọi người quan tâm đến Triều Tiên
Đối với nhiều người dùng YouTube đào tẩu, họ có một mục tiêu khác cao cả hơn ngoài việc kiếm thu nhập bằng cách kể câu chuyện của chính họ: đó là thu hẹp khoảng cách giữa hai miền Triều Tiên.
Cô Kang Eun-jung, 35 tuổi, người đã trốn khỏi Triều Tiên vào năm 2008 và bắt đầu kênh YouTube vào năm 2019 cho biết: “Tôi tin rằng việc cho mọi người biết về sự khó khăn của người Triều Tiên thông qua YouTube có thể hữu ích cho người dân của tôi ở Triều Tiên".
Đối với cô, YouTube là một cách để "tiếp tục nhắc nhở bản thân về danh tính của tôi, tôi là ai và tôi đến từ đâu", cũng như kể cho mọi người về kinh nghiệm của những người đào tẩu.
Nhưng có một vấn đề khác là những người yêu thích nội dung của cô đều ở độ tuổi 50 trở lên. Một phần của vấn đề có thể là do những người trẻ tuổi Hàn Quốc không biết gì về những người ở phía bên kia khu phi quân sự, thay vào đó họ chỉ nghe được những tiêu đề tin tức đáng ngại về tình hình an ninh, chính trị.
"Do đó, những người trẻ Hàn Quốc biết người Mỹ hơn người Triều Tiên. Họ biết người Nhật hơn người Triều Tiên, họ biết người Trung Quốc rõ hơn người Triều Tiên", cô cho hay.
Vì vậy, những người như cô Kang Eun-jung hy vọng những kênh YouTube này có thể là cầu nối văn hóa giữa hai miền, để giúp có nhiều người trẻ Hàn Quốc biết thêm và quan tâm hơn đến Triều Tiên.
Quốc Thiên