EU sẽ giới hạn giá khí đốt khi Nga cảnh báo về “mùa đông đóng băng”
(CLO) Liên minh châu Âu (EU) đã đề xuất giới hạn giá khí đốt sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đe dọa ngừng cung cấp năng lượng sang châu lục này.
Tình trạng bế tắc leo thang có nguy cơ đẩy giá khí đốt ở châu Âu lên cao hơn nữa. Các Chính phủ EU đang ráo riết ngăn chặn sự sụp đổ của các doanh nghiệp và nguy cơ leo thang hơn nữa giá điện tiêu thụ của các hộ gia đình trong những tháng lạnh giá sắp tới.
Châu Âu đã cáo buộc Nga vũ khí hóa nguồn cung cấp năng lượng để trả đũa các lệnh trừng phạt của phương Tây áp đặt lên Moscow vì cuộc chiến vào Ukraine. Trong khi đó, Nga đổ lỗi cho các lệnh trừng phạt đó đã gây ra các vấn đề cung cấp khí đốt, mà nguyên nhân là do lỗi đường ống.

Tổng thống Nga Vladimir Putin có bài phát biểu tại phiên họp toàn thể của Diễn đàn Kinh tế Phương Đông 2022 (EEF) ở Vladivostok, Nga ngày 7/9/2022. Ảnh: Reuters.
Khi căng thẳng gia tăng, Tổng thống Nga Putin nói rằng các hợp đồng khí đốt có thể bị phá vỡ và cảnh báo phương Tây rằng nước này có nguy cơ bị đóng băng “như đuôi sói” trong câu chuyện cổ tích nổi tiếng của Nga.
Tuy nhiên, EU có kế hoạch thúc đẩy giới hạn giá khí đốt của Nga và cũng là mức trần đối với giá điện từ các máy phát điện không chạy bằng khí đốt.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen chia sẻ với các phóng viên: "Chúng tôi sẽ đề xuất áp giá trần đối với khí đốt của Nga. Chúng tôi phải cắt giảm doanh thu của Nga nhằm ngăn nước này trong cuộc chiến tàn khốc ở Ukraine".
Đáp lại động thái đó, Tổng thống Nga tuyên bố: "Chúng tôi sẽ không cung cấp khí đốt, dầu mỏ, than đá, dầu sưởi ấm. Ông cũng đặt câu hỏi về một thỏa thuận do Liên hợp quốc làm trung gian để xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine.
Tính đến thời điểm hiện tại, dấu hiệu chia rẽ giữa các thành viên EU về kế hoạch giới hạn giá đã lộ rõ rệt.
Cụ thể, Cộng hoà Séc tuyên bố muốn giúp hướng dẫn các cuộc thảo luận với tư cách là người nắm giữ chức chủ tịch luân phiên của EU.
"Theo tôi, áp giá trần khí đốt Nga không phải là một đề xuất mang tính xây dựng. Đây là một cách khác để trừng phạt Nga hơn là một giải pháp thực tế cho cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu", hãng thông tấn Séc CTK dẫn lời Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Jozef Sikela cho biết.
Eurelectric, cơ quan đại diện cho ngành điện châu Âu, cũng chỉ trích kế hoạch áp mức giới hạn 200 euro cho mỗi megawatt giờ của EU đối với giá điện từ các máy phát điện không chạy bằng khí đốt tự nhiên (LNG).
“Nguyên nhân sâu xa của vấn đề là do thiếu hụt nguồn cung cấp khí đốt và việc chúng ta lạm dụng tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu. Các chính phủ nên tìm cách giải quyết vấn đề này thay vì sử dụng các biện pháp can thiệp đột ngột, xuyên tạc vào thị trường điện" Kristian Ruby, Tổng thư ký của Eurelectric cho biết.
Cuộc khủng hoảng năng lượng mà châu Âu phải đối mặt ngày càng trầm trọng hơn sau khi công ty Gazprom (GAZP.MM) của Nga đình chỉ hoàn toàn khí đốt cung cấp qua đường ống Nord Stream 1 cho Đức sau khi họ phát hiện rò rỉ dầu động cơ trong quá trình bảo trì vào tuần trước.
Tổng thống Nga cho biết các lệnh trừng phạt của Đức và phương Tây ảnh hưởng đến việc cung cấp các bộ phận là nguyên nhân khiến đường ống không thể hoạt động.
Tác động của việc tăng giá đang buộc các công ty phải cắt giảm sản xuất và các Chính phủ phải chi hàng tỷ USD để hỗ trợ người tiêu dùng khỏi tác động tiêu cực của động thái mới này.
Một hiệp hội ngành công nghiệp cho biết vào hôm thứ Tư (7/9), khoảng một nửa sản lượng nhôm và kẽm đã bị buộc phải sản xuất ngoại tuyến ở Liên minh châu Âu do khủng hoảng điện năng, đồng thời kêu gọi khối này cắt giảm chi phí để ngăn chặn việc đóng cửa vĩnh viễn các nhà máy sản xuất kim loại.
Lê Na (Theo Reuters)