Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022: Nước ngoài được góp 100% vốn vào doanh nghiệp bảo hiểm

15/09/2022 16:25

(CLO) Ngày 16/6/2022, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV đã thông qua Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 với nhiều điểm mới. Cho đến ngày 15/9, Bộ Tài chính mới chính thức đưa ra các thông tin chi tiết giải thích những điểm mới trong bộ luật này.

Sửa Luật để phù hợp trong lộ trình thực hiện cam kết của Việt Nam

Giải thích những điểm mới, Bộ Tài chính cho biết: Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 đã sửa đổi, số sung một số quy định để thực hiện các cam kết của Việt Nam trong Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và một số hiệp định thương mại đã ký kết.

Thứ nhất, tại Hiệp định thương mại dịch vụ Việt Nam- EU (EVFTA) được ký kết ngày 30/6/2019 có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, Việt Nam đã cho phép doanh nghiệp tái bảo hiểm của EU thành lập chi nhánh tái bảo hiểm tại Việt Nam sau 3 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực.

luat kinh doanh bao hiem 2022 nuoc ngoai duoc gop 100 von vao doanh nghiep bao hiem hinh 1

Ảnh minh họa.

Do đó, để chủ động thực hiện các cam kết quốc tế, Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 đã bổ sung quy định về việc thành lập chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam.

Thứ hai, theo cam kết của Việt Nam tại WTO và các hiệp định thương mại khác trong lĩnh vực dịch vụ bảo hiểm, Việt Nam không hạn chế về tỷ lệ vốn góp của bên nước ngoài. 

Do đó, để đảm bảo rõ ràng, Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 đã bổ sung quy định khẳng định nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu cổ phần, phần vốn góp đến 100% vốn điều lệ của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm.

Đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật liên quan

Bên cạnh đó, Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 đã sửa đổi, bổ sung để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật có liên quan.

Đơn cử, Luật đã sửa đổi, bổ sung quy định về hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng vô hiệu, đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng; bãi bỏ quy định về thời hiệu khởi kiện, thời điểm phát sinh trách nhiệm của hợp đồng... để đảm bảo thống nhất với Bộ luật dân sự, dễ áp dụng trên thực tế.

Luật cũng đã phân loại rõ các loại hợp đồng bảo hiểm tương ứng với các loại hình bảo hiểm; quy định rõ đối tượng được bảo hiểm, quyền lợi được bảo hiểm đối với từng loại hợp đồng bảo hiểm; nâng cao trách nhiệm của các chủ thể tham gia hợp đồng bảo hiểm trong việc cung cấp thông tin.

Đồng thời, Luật bổ sung các quy định về nguyên tắc giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm; quyền thỏa thuận giao kết nhiều loại hợp đồng bảo hiểm; bổ sung thời gian cân nhắc tham gia bảo hiểm nhân thọ,... để bảo đảm quyền tự thỏa thuận giữa các bên trong giao kết hợp đồng bảo hiểm.

Về giải quyết tranh chấp, Luật bổ sung quy định về hình thức giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải, trọng tài hoặc tòa án.

Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 cũng bổ sung quy định sau khi cấp, sửa đổi, bổ sung hoặc thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động. Bộ Tài chính có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nơi doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam đặt trụ sở chính để cập nhật vào Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn, giải quyết những vướng mắc

Cũng theo Bộ Tài chính, Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 đã sửa đổi theo hướng bãi bỏ một số bảo hiểm bắt buộc như: bảo hiểm trách nhiệm dân sự của người vận chuyển hàng không đối với hành khách; bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với hoạt động tư vấn pháp luật; bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.

Luật cũng bãi bỏ quy định phải chấp thuận đối với đóng, mở, thay đổi địa điểm đặt chi nhánh, văn phòng đại diện và thay bằng hình thức thông báo Bộ Tài chính trước khi có thay đổi,... nhằm cắt giảm thủ tục hành chính.

Đồng thời bãi bỏ quy định về danh mục đầu tư do áp dụng mô hình vốn tương ứng với quy mô và mức độ rủi ro; bổ sung quy định về các nguồn vốn đầu tư, nguyên tắc đầu tư, đầu tư ra nước ngoài,... nhằm đảm bảo an toàn, phù hợp với tính chất hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Luật bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính trong quản lý, giám sát, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Bổ sung quy định Bộ Tài chính phối hợp với các cơ quan quản lý bảo hiểm nước ngoài trong việc quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra đối với các chi nhánh của doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam; thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin quản lý, giám sát cùng với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành khác có liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Định Trần