TP. HCM: Cận cảnh đời sống ‘khó tin’ của người dân ở bán đảo Thanh Đa
(CLO) Mặc dù là khu vực nằm rất gần trung tâm TP. HCM người dân ở bán đảo Thanh Đa vẫn phải sống trong cảnh hẻo lánh, hạ tầng yếu kém.
Chỉ cách trung tâm TP. HCM khoảng 5 - 10 phút lái xe, bán đảo Thanh Đa (phường 28, quận Bình Thạnh, TP. HCM) đang rơi vào cảnh hoang hóa, hẻo lánh, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn.

Bài liên quan
Đường Vành đai 3 TPHCM, Vành đai 4 Hà Nội biến hàng nghìn ha đất trở thành "đất vàng, đất bạc"
Khu đất 'đẹp như mơ' dự án Đại An Saigon Riverside bỏ hoang 12 năm trên bán đảo Thanh Đa
Vụ chuyển đổi đất nông nghiệp thành đất ở: Huyện Nghi Xuân báo cáo gì?
Hà Nội hiện mới chỉ hoàn thành đầu tư được hơn 132km đường vành đai

Theo ghi nhận của phóng viên báo Nhà báo & Công luận, tuy nằm giữa lòng thành phố nhưng hạ tầng nơi đây không được đầu tư khiến bán đảo Thanh Đa như một miền quê giữa lòng đô thị.

Nhà ở của người dân khá tạm bợ, đối lập với khung cảnh phố thị nhộn nhịp phía bên kia bờ sông Sài Gòn.

Phần lớn cư dân trên bán đảo làm nông nghiệp từ nhiều đời nay. Những căn chòi nhỏ mái lợp lá, khu vườn với ao cá, nhiều cây xanh..., dễ liên tưởng đến khung cảnh của một vùng nông thôn.

Lối vào nhà dân chật hẹp, ô tô không thể vào được, nếu có xe ba gác đi vào sẽ khiến các phương tiện khác trở nên “khép nép”.

Một người dân đang câu cá, dưới khung cảnh đối lập của các tòa nhà cao tầng phía xa.

Ông Tư (50 tuổi) cho biết, những con đường đất tại đây là một trong những nỗi lo của người dân tại khu vực. “Mỗi khi trời tối, ai yếu tay lái thì không dám chạy nhanh. Đường đá lỏm chỏm dễ té ngã lắm. Nguy hiểm nhất là người già, trẻ con”, ông Tư nói.

Xe máy chạy ngang đây phải chịu cảnh hít bụi vì mặt đường toàn đất, cát.

Sau hàng chục năm, nhiều nhà đầu tư đã đến rồi lại đi vì nhiều nguyên nhân khiến bán đảo Thanh Đa dường như "bất động", chững lại so với sự phát triển năng động của TP. HCM.

Điện lưới quốc gia được kéo về bán đảo từ năm 2000. Hiện nhiều cột điện nghiêng ngả, dây dẫn "sà" xuống khu vực dân cư, tiềm ẩn nguy hiểm.

Nước sạch được đấu nối về bán đảo Thanh Đa năm 2002. Từ đó đến nay, hệ thống cấp nước hầu như không được đầu tư mới, ngành chức năng chỉ duy trì việc sửa chữa. Những ống dẫn nước được lắp đặt lộ thiên khá tạm bợ, mất mỹ quan.

Nhiều khu đất rộng hàng chục héc-ta ở Thanh Đa được dùng làm nơi chăn thả trâu, bò và gia súc hoặc kinh doanh quán nhậu, hồ câu cá.

“Mang tiếng sống ở thành phố mà có khác gì ở quê đâu. Hồi đó nghe nói nơi này sẽ được đầu tư phát triển, tôi rất vui. Nhưng vì dự án treo quá lâu, nên hiện tại tôi không còn hy vọng nữa. Rất lâu rồi tôi cũng không theo dõi tiến độ quy hoạch ở Thanh Đa”, ông Trọng Hiếu (65 tuổi) tâm sự.

Bán đảo Thanh Đa được bao bọc bởi sông Sài Gòn và kênh Thanh Đa. Nhìn từ trên cao, bán đảo này nằm gọn giữa các vùng đô thị của TP. HCM.

Theo quy hoạch, đây sẽ là khu đô thị đầy đủ chức năng với dân số khoảng 41.000 người, được xây dựng theo các tiêu chí đô thị sinh thái hiện đại.

Năm 1992, UBND TP. HCM phê duyệt dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa với diện tích khoảng 426,93 ha, mục tiêu là “biến” bán đảo Thanh Đa thành khu đô thị hiện đại bậc nhất TP. HCM.

Năm 2004, chính quyền TP. HCM giao dự án Khu đô thị mới Bình Quới - Thanh Đa cho Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn đầu tư. Do thiếu năng lực nên đơn vị này không triển khai được. Năm 2010, chính quyền TP. HCM thu hồi quyết định. Sau đó, một đơn vị khác được UBND TP. HCM giao thực hiện điều chỉnh quy hoạch 1/2.000 của dự án.

Cuối năm 2015, liên danh Bitexco và Emaar Properties PJSC (Dubai) được UBND TP. HCM chỉ định là nhà đầu tư với tổng vốn hơn 30.000 tỷ đồng. Nhưng từ giữa năm 2017, Emaar Properties PJSC thông báo rút lui… Năm 2018, UBND TP. HCM đã cho phép Sở Xây dựng thực hiện thủ tục cấp phép xây dựng có thời hạn tại KĐT Bình Quới - Thanh Đa để người dân có thể sửa chữa, xây dựng nhà.
